Cải thiện việc thực thi
Trong tuyên bố, EC nêu rõ, gói biện pháp được đề xuất sẽ thắt chặt các trừng phạt hiện có, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu mới đối với vàng của Nga; đồng thời, điều chỉnh pháp lý để kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến, hạn chế Nga có thể nhập khẩu để sử dụng cho mục đích quân sự. Điều này sẽ giúp tăng cường sự liên kết biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) với các đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). EC cũng điều chỉnh pháp lý để không ảnh hưởng đến xuất khẩu lương thực và ngũ cốc từ Nga.
Theo giới quan sát, nhiều khả năng các nước thuộc EU sẽ thông qua các biện pháp trên trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 20-7. Trước đó, trong tháng 6, lệnh cấm vận đối với vàng của Nga đã được G7 thống nhất. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang tính biểu tượng, do Nga đã ngừng giao dịch kim loại này trên thị trường phương Tây.
EU tung gói trừng phạt thứ 7 mà không đề cập đến khí đốt. Theo ông Petr Fiala, Thủ tướng Czech, quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của EU, sở dĩ như vậy vì một số quốc gia còn phụ thuộc vào khí đốt Nga, và các biện pháp cấm vận chỉ được áp dụng nếu chúng “có tác động với Nga lớn hơn so với các nước áp đặt trừng phạt”.
Đảm bảo khí đốt dự trữ
Dự kiến cũng trong ngày 20-7, EC sẽ công bố kế hoạch đề nghị các quốc gia thành viên đưa ra các biện pháp khuyến khích tài chính cho các ngành ít tiêu thụ khí đốt, sử dụng nhiên liệu chuyển đổi trong công nghiệp và nhà máy điện; đồng thời, triển khai các chiến dịch tuyên truyền để thúc đẩy người tiêu dùng ít sử dụng hệ thống sưởi và làm mát hơn. EU đặt mục tiêu đảm bảo dự trữ khí đốt được càng nhiều càng tốt và vận hành như một “bước đệm” cung cấp cho mùa đông, khi nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm trong các hộ gia đình tăng lên mức tối đa. Động thái này được đánh giá là nỗ lực chuẩn bị ứng phó với nguy cơ nguồn cung từ Nga tiếp tục bị cắt giảm.
Nhận xét về gói trừng phạt mới này, tờ Washington Post cho rằng, lo lắng về kinh tế đã khiến EU không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga. Điều thú vị nhất đối với đề xuất trừng phạt lần này là không cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, cũng không bao gồm các biện pháp bổ sung về dầu. Thay vì nhắm vào các nguồn thu chính này của Nga, EC đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu vàng và một số điều chỉnh để cải thiện việc thực thi các lệnh trừng phạt trước đó.
Mặc dù gói trừng phạt mới này sẽ tạo ra một số tác động, nhưng phạm vi hẹp của nó đã phản ánh sự chia rẽ ngày càng tăng trong EU về cách thức đối phó với Nga. Các nước EU cũng đang đối mặt với tăng trưởng thấp, lạm phát kỷ lục trong nước, đồng EUR tụt giá trị xuống ngang với đồng USD.
Trước đó ngày 15-7, Thủ tướng Hungary Vikor Orban nhận định, Ukraine cần sự giúp đỡ, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu nên xem xét lại chiến lược của mình, vì các lệnh trừng phạt đã gây ra thiệt hại trên diện rộng cho nền kinh tế châu Âu trong khi không làm suy yếu Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt liên tiếp, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, thậm chí tiếp tục thu được hàng tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng.
Ông Clay Lowery, Phó Chủ tịch điều hành Viện Tài chính Quốc tế, đánh giá: “Tác động của các lệnh trừng phạt có lẽ không quá nghiêm trọng như người ta nghĩ ban đầu”.