EU có vội vào hang cọp?

(ĐTTCO) - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã chính thức gật đầu với nhau về Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI) sau gần 7 năm đàm phán. Ở trong vị thế phải khẩn trương hơn, nhưng dường như EU lại chốt được nhiều điểm mình mong muốn. Liệu bất trắc có chờ EU ở những chặng đường sắp tới?
EU có vội vào hang cọp?
EU và Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Với Trung Quốc, EU là đối tác số 1, trong khi Trung Quốc là đối tác số 2 của EU. Trong giai đoạn 2017-2019, mỗi năm EU lại tăng nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 10 tỷ EUR. Năm 2019, EU nhập 362 tỷ EUR và xuất 198,3 tỷ EUR sang Trung Quốc, tính ra nhập siêu của EU từ Trung Quốc 163,7 tỷ EUR. Nhưng gần 20 năm qua kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, tổng vốn đầu tư (FDI) của EU vào Trung Quốc chỉ 140 tỷ EUR, và FDI từ Trung Quốc vào EU cũng khoảng 120 tỷ EUR. So với quy mô nền kinh tế và cán cân thương mại, FDI khá khiêm tốn xét từ cả 2 phía. 
EU có vội vào hang cọp? ảnh 1
Ngay từ Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 15 vào tháng 2-2012, 2 bên đều hướng đến một hiệp định đầu tư, và vòng đàm phán chính thức đầu tiên bắt đầu vào tháng 1-2014. Mãi đến ngày 30-12-2020, đại diện EU gồm Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã thống nhất Hiệp định CAI về nguyên tắc với Chủ tịch Trung Quốc qua cuộc họp trực tuyến.
EU đã muốn tiếp cận thị trường hơn 1 tỷ dân cùng với sự năng động của nền kinh tế khổng lồ ở châu Á từ lâu. Nhưng vì đâu EU khẩn trương và Trung Quốc cũng có những nhượng bộ nhất định để đạt được đồng thuận trước khi năm 2020 kết thúc? Vì các cuộc đàm phán chỉ tăng tốc mấy tháng gần đây, thậm chí chỉ cách 1 tuần trước, các nước như Pháp, Hà Lan, Đan Mạch và Ba Lan còn nhiều băn khoăn.
Trước hết, nước Đức mong muốn "ghi bàn" trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của mình, vì dẫu gì Đức cũng là đầu tàu kinh tế của EU, có tiếng nói trọng lượng nhất trong khối 27 nước. Tiếp đến Covid-19 đã giáng cho kinh tế EU đòn choáng váng. Để vực dậy nền kinh tế, các doanh nghiệp EU cần thị trường rộng lớn hơn. Về phía Trung Quốc, dường như chỉ có lý do quan trọng nhất là nhằm cân bằng lại thế đối trọng với Mỹ. Sau thời gian Bắc Kinh căng thẳng với Washington và cảm thấy mình dần bị cô lập, việc nhanh chóng lôi kéo EU về mình là chiến lược không thể nào tốt hơn. Nhưng hơn ai hết, Trung Quốc biết rõ những thỏa thuận chính trị vừa đạt được là về mặt nguyên tắc, còn việc chuyển thành các điều khoản cụ thể, quá trình phê chuẩn và thực thi có thể có những bất ngờ xảy ra.
Ví như đây là một trận bóng đá, EU đang dẫn Trung Quốc tỷ số 1-0. Những điểm nổi bật EU đạt được sơ bộ là sự đồng ý của Trung Quốc trong việc mở rộng hơn thị trường cho nhà đầu tư EU, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, không bị buộc chuyển giao công nghệ khi liên doanh liên kết, một số vấn đề về môi trường, lao động, và nhân quyền. Cụ thể, Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường dịch vụ hàng không, phương tiện giao thông thân thiện môi trường, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ tài chính, dịch vụ sức khỏe; các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ không phân biệt khi đấu thầu mua sắm, việc hỗ trợ của chính phủ phải minh bạch và hợp lý.
Nhưng Hiệp định CAI còn 2 nội dung quan trọng không kém, là bảo hộ đầu tư và cơ chế tranh chấp và các nội dung này sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm kể từ ngày ký. Tuy vậy, những rào cản trong thời gian tới sẽ là từng câu chữ trong các điều khoản, việc phê chuẩn ở Hội đồng và Nghị viện châu Âu. Trong đó, gian nan nhất là các vấn đề liên quan đến nhân quyền và lao động cưỡng bức.
Với một đối tác phức tạp như Trung Quốc, châu Âu có lẽ cũng đã tính đến nhiều phương án. Và một trong các phương án quan trọng là đảm bảo tính thực thi của các cam kết. Theo CAI, việc giám sát sẽ được thực hiện ở cấp Phó Thủ tướng bên phía Trung Quốc và Phó Chủ tịch điều hành phía EU. Nhưng dù có như vậy, EU cũng nên nhớ đến kinh nghiệm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi cơm không lành canh không ngọt, Trung Quốc có đủ cách để chuyền quả bóng phá rối hay tẩy chay sang quần chúng nhân nhân. 
Các nhà lãnh đạo EU khẩn trương và đã chớp được cơ hội đúng lúc. Tuy vậy trận đấu còn dài và có thể có bẫy phản công phía trước. Rủi ro trong chính trị cũng như rủi ro trong kinh doanh, có điều với người đại diện rủi ro ít hơn. Nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, vì đằng sau các doanh nghiệp là người lao động và gia đình của họ. 

Các tin khác