Theo đó, cơ quan điều hành EU tuyên bố đã gửi hai lá thư tới Chính phủ Anh, trong đó đe dọa về hai con đường khác nhau để tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại London nếu Chính phủ Anh không sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trong những tuần tới. Vương quốc Anh cho biết, các miễn trừ vẫn "hợp pháp và là một phần của việc thực hiện tiến bộ và có thiện chí của Nghị định thư Bắc Ireland”.
Ủy ban châu Âu đã gửi một lá thư thông báo chính thức - bước đầu tiên của một thủ tục được gọi là vi phạm - "vì vi phạm các điều khoản cơ bản của Nghị định thư về Ireland và Bắc Ireland" trong Thỏa thuận Brexit "cũng như nghĩa vụ thiện chí" theo thỏa thuận đó. Việc khởi động thủ tục vi phạm có nghĩa là London có một tháng để trả lời EU và giải thích hoặc khắc phục các hành động của mình. Nếu Ủy ban châu Âu không hài lòng với phản hồi thì có thể chính thức yêu cầu Chính phủ Vương quốc Anh thay đổi. Nếu điều đó vẫn không mang lại kết quả mong muốn, Brussels có thể chuyển vụ việc lên Tòa án Công lý của EU. Với điều kiện là tòa án cao nhất của Liên minh châu Âu quyết định có lợi cho Ủy ban châu Âu, phán quyết đó có thể được thực thi bằng cách áp đặt các hình phạt tài chính đối với Vương quốc Anh.
Thứ hai, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maroš Šefčovič đã gửi một bức thư chính trị cho Bộ trưởng Brexit của Vương quốc Anh David Frost, "kêu gọi Chính phủ Vương quốc Anh chấn chỉnh và không áp dụng" việc thông báo kéo dài thời gian ân hạn đối với các cuộc kiểm tra biên giới giữa miền Bắc Ireland và lục địa Anh. Bức thư này cho phép hai bên tổ chức các cuộc đàm phán hòa giải tại Ủy ban hỗn hợp EU - Anh do Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Šefčovič và Bộ trưởng Brexit Anh David Frost chủ trì, nhưng cũng mở ra khả năng khởi động một thủ tục giải quyết tranh chấp theo các quy định trong Thỏa thuận Brexit, cuối cùng có thể dẫn đến việc Brussels áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, phía EU bày tỏ hy vọng rằng có thể giải quyết những vấn đề này trong Ủy ban hỗn hợp mà không cần đến các biện pháp pháp lý khác.
Tuyên bố của Ủy ban châu Âu lập luận "đây là lần thứ hai trong vòng sáu tháng mà Chính phủ Vương quốc Anh được cho là vi phạm luật pháp quốc tế" với các hành động của mình, đề cập đến các điều khoản đã được lên kế hoạch trong Dự luật Thị trường nội bộ của Vương quốc Anh năm ngoái mà Brussels cũng coi là một vi phạm Thỏa thuận Brexit và London đã rút lại vào tháng 12 năm ngoái.
Chính phủ Vương quốc Anh lập luận rằng, việc trì hoãn việc kiểm tra là cần thiết để ngăn chặn sự gián đoạn thương mại giữa Bắc Ireland và phần còn lại của đất nước. Một người phát ngôn cho biết, sẽ trả lời trong “thời gian thích hợp”, nhưng làm rõ rằng các biện pháp mà Anh đã thực hiện chỉ là tạm thời, các bước hoạt động nhằm giảm thiểu sự gián đoạn ở Bắc Ireland và bảo vệ cuộc sống hàng ngày của những người sống ở đó. Các biện pháp đó là hợp pháp và là một phần của việc thực hiện tiến bộ và có thiện chí của Nghị định thư Bắc Ireland.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson trong chuyến thăm chính thức tới Coventry ngày 15/3, đã cho biết rằng, nghị định thư "không chỉ đảm bảo thương mại và di chuyển theo hướng Bắc - Nam mà còn cả Đông - Tây”. Đó là tất cả những gì Anh đang cố gắng giải quyết bằng một số biện pháp tạm thời và kỹ thuật được cho là rất hợp lý. Tranh chấp mới nhất của Anh - EU cũng đã dẫn đến việc Nghị viện châu Âu liên tục hoãn quyết định về thời điểm bỏ phiếu về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Các nghị sĩ vẫn phải phê duyệt thỏa thuận đó trước cuối tháng 4 để thỏa thuận có hiệu lực hoàn toàn.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi chấm dứt sự trì hoãn, cho rằng việc phê duyệt thỏa thuận thương mại có thể giúp thực hiện các hành động pháp lý theo Thỏa thuận Brexit. Vì cuối cùng, các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Thỏa thuận Brexit cho phép trả đũa chéo thông qua thỏa thuận thương mại hậu Brexit, khi đề cập đến khả năng tạm dừng cắt giảm thuế quan. Do đó, việc thực hiện thỏa thuận thương mại mang lại đòn bẩy lớn hơn để đảm bảo rằng Thỏa thuận Brexit được tôn trọng.