Ngày 17/2, Facebook đã chặn tất cả người dùng Australia khỏi các nội dung tin tức, bao gồm cả nội dung từ Chính phủ trên nên tảng của mình. Động thái này diễn ra khi Quốc hội Úc dự kiến thông qua một dự luật truyền thông mới, yêu cầu các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook phải trả tiền cho các hãng tin tức để hiện thị và liên kết đến nội dung của họ.
Trong khi Google đi làm việc với các nhà sản xuất nội dung Australia để tìm kiếm các thỏa thuận chia sẻ doanh thu, Facebook chọn một hướng đi khác. Ngoài các trang do các hãng tin điều hành, một số tài khoản mà chính phủ hậu thuẫn cũng đã bị Facebook xóa sạch vào sáng 18/2. Trong số các trang của chính phủ Australia bị ảnh hưởng bao gồm cả những trang đưa ra lời khuyên cho người dân về đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa liên quan tới cháy rừng.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản tin tức của Australia sẽ bị hạn chế đăng tin tức của họ lên Facebook. Trong khi đó, người dùng Facebook ở Australia cũng sẽ không xem được tin bài từ các nhà xuất bản quốc tế. Người dùng Australia cũng không thể xem các bài báo mà người dùng Facebook trên toàn thế giới chia sẻ. Người dùng trên toàn cầu cũng không thể chia sẻ các tin bài của các nhà xuất bản Australia.
Động thái này của Facebook đã ngay lập tức hứng chịu những chỉ trích. Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho rằng việc Facebook chặn người dùng Australia khỏi tất cả nội dung tin tức, bao gồm cả những nội dung từ Chính phủ trên nền tảng của họ là "sai lầm" và "không cần thiết".
"Facebook đã sai. Các hành động của Facebook là không cần thiết. Họ đã quá tay và sẽ làm tổn hại chính danh tiếng của họ ở Australia", ông Frydenberg cho biết trong tuyên bố ngày 18/2.
Những người ủng hộ nhân quyền cũng đã lên tiếng chỉ trích động thái của Facebook. Elaine Pearson, người đứng đầu tổ chức Theo dõi nhân quyền ở Australia, cho biết gã khổng lồ mạng xã hội đang hạn chế những thông tin quan trọng cập nhật như tình hình đại dịch Covid-19.
"Facebook đang hạn chế nghiêm trọng luồng thông tin đến người Australia. Đây là một diễn biến đáng báo động và nguy hiểm. Cắt quyền truy cập thông tin quan trọng của cả một quốc gia trong đêm khuya là hành động vô lương tâm", bà Pearson nói thêm.
Về phần mình, Facebook cũng thừa nhận các trang của Chính phủ không nên bị ảnh hưởng bởi động thái mới nhất của họ tại Australia. "Các hành động mà chúng tôi đang thực hiện tập trung vào việc hạn chế các nhà xuất bản và người dân Australia chia sẻ nội dung tin tức của Australia và quốc tế", người phát ngôn Facebook phản hồi CNBC qua một email.
Tuy nhiên, người này cũng nói rằng vì luật của Australia chưa có hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa nội dung tin tức nên mạng xã hội này quyết định tự đưa ra định nghĩa rộng để "tôn trọng luật như những gì đã nêu trong dự thảo". Phía Facebook cũng tuyên bố sẵn sàng đảo ngược quyết định đối với bất cứ trang nào vô tình bị ảnh hưởng.
Theo Reuters, nhiều trang trong số những trang bị ảnh hưởng đã được khôi phục chiều 18/2 theo giờ địa phương.
Dẫu vậy, nếu so sánh với những gì Google đang làm, Facebook rõ ràng đã có một động thái khiến nhiều người thất vọng. Gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm cho biết họ đã đạt được thỏa thuận chia sẻ doanh thu với tập đoàn truyền thông News Corp của Úc. Đây là công ty sở hữu các hãng truyền thông bao gồm The Wall Street Journal và New York Post. Ngoài ra, họ cũng đang thảo luận với AP và AFP về vấn đề này.
Hồi đầu tháng này, Google cũng đã có nỗ lực nhằm giải quyết dự thảo luật gần như chắc chắn sẽ được thông qua bởi Quốc hội Australia. Ngày 4/2, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có cuộc họp trực tuyến với Giám đốc toàn cầu của Google Sundar Pichai để thảo luận về đề xuất yêu cầu họ và Facebook phải trả phí để chia sẻ các nội dung tin tức mà truyền thông nước này sản xuất. Nếu Google không chấp nhận, Australia sẽ sẵn sàng chặn trang tìm khiếm của Google.
Đây được xem là nỗ lực đàm phán phút chót của Google và Australia. Với những gì đang diễn ra, rõ ràng Google đã gặt hái được thành tựu và lợi bỏ được một mối quan ngại. Khi vẫn còn những khác biệt, Microsoft đã tuyên bố họ sẵn sàng thế chân Gooogle tại Australia trong trường hợp gã khổng lồ tìm kiếm này bị chặn.
Trước đó, lãnh đạo cấp cao nhất của Microsoft cũng đã gặp Thủ tướng Australia để thông báo rằng họ "hoàn toàn ủng hộ" về dự thảo luật mới mà nước này gần như chắc chắn sẽ thông qua. Microsoft đang duy trì công cụ tìm kiếm Bing và nó có thể thay thế được trong trường hợp Google bị cấm cửa.
Chủ tịch Microsoft, ông Brad Smith cho biết ông và Giám đốc điều hành toàn cầu Satya Nadella đã gặp Thủ tướng Australia vào tuần trước để thông báo rằng Microsoft "hoàn toàn ủng hộ" dự luật mới của Australia.
Microsoft khẳng định đủ tiềm lực "lấp khoảng trống" nếu Google thực hiện lời khuyến cáo của doanh nghiệp này tại Australia và công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft hoàn toàn có khả năng thay thế cho Goolge Search.
Những gì xảy ra ở Trung Quốc, nơi Facebook và Google bị cấm cửa, có thể khiến các gã khổng lồ công nghệ phải cân nhắc về vai trò của mình ở một quốc gia.