Festival Nghề truyền thống Huế: Nâng tầm vị thế cố đô

(ĐTTCO)-Tiếp nối thành công của 8 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế từ năm 2005 đến nay và triển khai Đề án Festival bốn mùa, UBND thành phố Huế tiếp tục tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023 lần thứ 9 - 2023 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 28-4 đến 5-5.
Công tác chuẩn bị cho các điểm diễn ra các hoạt động tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023 cơ bản hoàn tất.
Công tác chuẩn bị cho các điểm diễn ra các hoạt động tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023 cơ bản hoàn tất.

Đây là một trong những sự kiện lớn để thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế gìn giữ, phát huy giá trị nghề truyền thống, tăng cường quảng bá tới du khách, kích cầu du lịch; đồng thời, nâng tầm hình ảnh và vị thế của Huế...

Nhiều lễ hội lần đầu tổ chức

Hiện công tác chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống Huế 2023 đã cơ bản hoàn tất. Ngoài các chương trình truyền thống như: Lễ tế tổ bách nghệ, Không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế và một số địa phương tiêu biểu trong cả nước... Festival Nghề truyền thống Huế 2023 còn có các chương trình, sự kiện chính lần đầu tiên tổ chức, như: Lễ hội ẩm thực chủ đề "Tinh hoa nghề Bún", Lễ hội Quảng diễn đường phố, Lễ hội Tri ân dòng Hương - thuyền hoa đăng trên sông, xác lập một kỷ lục mới liên quan đến nghề truyền thống được thực hiện tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Đặc biệt, kỳ Festival này nhấn mạnh đến tính quốc tế với chương trình giao lưu Văn hóa - Nghệ thuật giữa các thành phố trên thế giới, trong nước kết nghĩa, hợp tác với Huế...

Festival Nghề truyền thống Huế 2023 quy tụ 21 nhóm nghề, gồm dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; bánh tét bánh chưng; mè xửng… tham dự. Ngoài ra, còn có các hình thức khám, chữa bệnh và phô diễn tài năng cho các thầy thuốc Đông y của ngành y học cổ truyền.

Đây chính là cơ hội để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo các sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống đến gần hơn với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống 2023 diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 28-4 tại quảng trường trước trường THPT chuyên Quốc học Huế

Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống 2023 diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 28-4 tại quảng trường trước trường THPT chuyên Quốc học Huế

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 tiếp tục phát huy những hiệu quả mà các kỳ Festival trước đây đã mang lại, đồng thời tiếp tục khoác lên mình Huế "một tấm áo mới" - đó là đổi mới sáng tạo về nghề truyền thống để phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như tiếp tục xây dựng Huế dần trở thành thành phố văn hóa sáng tạo trong tương lai. Góp phần cùng với tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Nói đến hiệu quả của Festival Nghề truyền thống Huế, không thể không kể đến những tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế. Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn, thành phố Huế đang ưu tiên việc phát triển nghề và làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế kết hợp dịch vụ văn hóa, du lịch: Phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn. Hỗ trợ đào tạo các nghệ nhân tạo được nhiều mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, kết hợp sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách”, ông Võ Lê Nhật chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP Huế Trương Đình Hạnh (bìa trái) kiểm tra các cơ sở nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu trên địa bàn tham dự Festival Nghề truyền thống Huế 2023

Phó Chủ tịch UBND TP Huế Trương Đình Hạnh (bìa trái) kiểm tra các cơ sở nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu trên địa bàn tham dự Festival Nghề truyền thống Huế 2023

“Cú hích” cho du lịch Cố đô Huế

Thành phố Huế đã xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023, trong cơ cấu phát triển kinh tế Huế, du lịch là một trong những lĩnh vực phát triển trọng tâm. Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án khu du lịch, nghỉ duỡng sinh thái, dự án khu vui chơi giải trí, khu trưng bày và biểu diễn văn hoá Huế kết hợp khu mua sắm, góp phần làm phong phú các dịch vụ du lịch, tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến Huế.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh nhóm dự án thúc đẩy ngành kinh tế đêm, cụ thể như: Dự án phát triển dịch vụ homestay trong khu vực thành nội (kêu gọi các đơn vị uy tín chuyên quản lý vận hành dịch vụ homestay). Hoàn thành dự án Phố đêm Hoàng Thành Huế để hoàn thiện các hoạt động gắn liền với dự án án đêm Hoàng cung để biến khu vực Ðại Nội thành một Hoàng Cung sống động về đêm. Chọn lọc một số chương trình của Festival để tổ chức luân phiên ngay tại Ðại Nội.

Sau Festival, thành phố sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan sử dụng một số chương trình văn hóa nghệ thuật phù hợp để tiếp tục duy trì phục vụ du lịch, như: Dự án may đo áo dài, trưng bày, trình diễn áo dài; dự án nhạc nước, các show diễn tại các địa điểm công cộng... Từ đó để du lịch phát triển hơn nữa, xứng tầm là ngành kinh tế “mũi nhọn” của Huế.

Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cho rằng, với chủ trương tổ chức lễ hội để phục vụ các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề cũng như người dân Huế và khách du lịch - chủ thể chính của Festival Nghề truyền thống Huế, gắn với xây dựng hình ảnh Huế - điểm du lịch hấp dẫn, lý tưởng, thân thiện và an toàn, tại các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, thành phố Huế luôn chú trọng đến việc xây dựng các chương trình theo hướng xã hội hóa về khâu tổ chức, chú trọng tính hấp dẫn, cộng đồng, đáp ứng yêu cầu cao về nghệ thuật và trải đều liên tục trong suốt thời gian diễn ra Festival.

“Sau gần 20 năm tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế năm nay tiếp tục hy vọng sẽ để lại nhiều dấu ấn đặc sắc và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề có cơ hội tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại giữa các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống với các doanh nghiệp và địa phương được khẳng định. Bên cạnh đó, thành phố Huế rất kỳ vọng về lượng khách du lịch đến Huế tăng trở lại sau khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát”, ông Hạnh kỳ vọng.

Thông qua không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở nghề và làng nghề quảng bá hiệu quả thương hiệu kinh doanh, đồng thời qua đó các doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều hợp đồng lớn, các doanh nghiệp và cơ sở nghề ngoài tỉnh sẽ có nhiều dự án đầu tư và xây dựng chi nhánh, cơ sở đại diện tại Huế để phục vụ người dân.

Festival Nghề truyền thống Huế 2023 bên cạnh mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa của vùng đất cố đô, đồng thời còn thể hiện trách nhiệm của chính quyền thành phố Huế trong việc phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm doanh nghiệp, cơ sở nghề, tạo điều kiện để các làng nghề tiếp tục hồi sinh và phát triển.

Chương trình Festival Nghề truyền thống Huế 2023.

Chương trình Festival Nghề truyền thống Huế 2023.

Khôi phục và phát triển làng nghề gắn kết với du lịch

Festival nghề truyền thống Huế nhằm mục tiêu khôi phục, phát triển nghề và làng nghề truyền thống, chính vì vậy thành phố Huế xác định phát triển nghề truyền thống phải gắn với phát triển du lịch. Theo đó, thành phố Huế sẽ ưu tiên phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng và hình thành nhiều tour du lịch về các cơ sở nghề, làng nghề trên địa bàn thành phố, tập trung mọi nguồn lực xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận nghề, làng nghề truyền thống theo quy định.

Ðể phát triển loại hình du lịch làng nghề, thành phố Huế tiếp tục đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau, nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có làng nghề truyền thống; chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công phát triển hậu Covid-19: Ưu đãi nguồn vốn vay, tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, giúp đỡ tạo đầu ra cho sản phẩm, xây dựng mối liên kết các đơn vị du lịch với các làng nghề, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của du khách.

Các tin khác