Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cho biết sẽ áp dụng Luật Công bằng tài chính (FFP) để trừng phạt những câu lạc bộ (CLB) bóng đá ở châu Âu, các gã “trọc phú” như Manchester City và Paris Saint-Germain (PSG) là những đội đầu tiên chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các đội được quyền điều đình đến hết tuần này.
Mục đích cơ bản của FFP là để đảm bảo các CLB về lâu dài chỉ chi tiêu những gì họ kiếm được, trong khi nộp thuế và trả nợ đúng hạn. FFP còn có mục đích thúc đẩy bóng đá trẻ, đã được đưa ra bàn luận lần đầu năm 2009 và mất 5 năm để đưa ra các lệnh trừng phạt đầu tiên. Theo quy định của UEFA, một đội bóng chỉ được thua lỗ tối đa 45 triệu EUR (37,2 triệu bảng) ở mùa 2012-2013 và 2013-2014, 2 mùa giải đầu tiên áp dụng FFP.
Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của những ông chủ giàu có đến từ Trung Đông, Man City lẫn PSG đều chi tiêu rất mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng nhằm nhanh chóng vươn tới đẳng cấp của những thế lực lớn nhất châu Âu. Manchester City chi ra tới 149 triệu bảng để chiêu mộ Sergio Aguero, Samir Nasri, Gael Clichy, Javi Garcia và Matija Nastasic. Trong khi đó, PSG ném tới hơn 200 triệu bảng để đưa về sân Công viên các Hoàng tử những siêu sao thượng thặng như Ibrahimovic, Pastore, Lavezzi hay Cavani...
Vào tháng 7-2011, sân vận động (SVĐ) City of Manchester được đổi tên thành SVĐ Etihad sau khi ký thỏa thuận 10 năm với hãng hàng không Etihad Airways ở Abu Dhabi. Đáng chú ý, Chủ tịch Etihad Airways là anh em cùng cha khác mẹ với ông chủ Manchester City. Trong khi đó, PSG - đội bóng thuộc sở hữu của Hoàng gia Qatar - có một thỏa thuận với Cơ quan Du lịch Qatar cho đến năm 2016.
Vì vậy, cả 2 giao dịch đều bị xếp vào diện cảnh báo trong mục “giao dịch tài chính của các thành viên gần gũi trong gia đình” của FFP. Theo quy định, UEFA sẽ phải xem xét liệu dòng tiền từ các giao dịch này có phải đổ vào các CLB theo kiểu trợ cấp cửa sau hay không.
![]() |
Manchester City đang điều đình với UEFA về các khoản phạt. |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng FFP rất khó đạt được các mục tiêu đề ra. Các quy định trong FFP vẫn đầy rẫy kẽ hở để giúp các CLB giàu có tránh được sự trừng phạt. Đầu tiên, định nghĩa các thuật ngữ như doanh thu, chi phí "sai lệch chấp nhận được từ hòa vốn", "giao dịch với bên liên quan" và "giá trị hợp lý"… làm các quy định trong FFP trở nên phức tạp, gây nhiều tranh cãi và khó khăn trong áp dụng thực tế.
Thứ hai, các CLB vi phạm như Manchester và PSG có thể mặc cả với UEFA về lệnh trừng phạt - điều họ đang làm cho đến hết tuần này. “Tôi nghĩ một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất của FFP là thủ tục hòa giải, các CLB có thể mặc cả hiệu quả với UEFA về các lệnh trừng phạt họ phải đối mặt” - chuyên gia luật Daniel Geey của Công ty Luật Field Fisher Waterhouse nói.
Ông Geey cho biết thêm quy định điều đình chỉ mới được thêm vào FFP từ đầu năm nay và điều này có thể giúp các CLB tránh được lệnh cấm hoàn toàn khỏi giải đấu châu Âu. Thay vào đó, họ có thể thương lượng các biện pháp trừng phạt khác như phạt tiền nặng, kiểm soát ngân sách, giới hạn đội hình hoặc treo tạm thời.
Chuyên gia tài chính Harry Philp của Công ty Tư vấn thể thao và hạ tầng Portland Advisers cho biết các thỏa thuận đều có giá trị rất lớn, thỏa thuận của PSG có giá trị 165 triệu bảng/mùa, trong khi Manchester City 350 triệu bảng/10 năm. Vì thế, nếu các CLB bị xử phạt không chấp nhận hình phạt, hoặc các CLB khác cho rằng hình phạt không đủ nghiêm ngặt, lúc đó vấn đề cần được xét xử bởi các thẩm phán cấp cao từ bên ngoài UEFA.