Nắm trong tay cơ nghiệp của gia đình, Francois-Henri Pinault đã có một cuộc lột xác ngoạn mục, thoái vốn hầu hết các công ty con và thâu tóm hàng loạt thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci, Alexander McQueen, Saint Laurent, biến ông trở thành tỷ phú thời trang lớn thứ 2 tại nước Pháp, chỉ sau “ông hoàng” Bernard Arnault của LVMH (Moet Hennessy Louis Vuiton).
Hổ phụ sinh hổ tử
Sau thời gian khám phá và trải nghiệm bản thân tại vị trí thực tập ở Tập đoàn máy tính HP và tại một công ty dịch thuật tiếng Pháp ở Thung lũng Sillicon, Francois-Henri Pinault đã chính thức làm việc tại PPR năm 1987 trên cương vị trưởng bộ phận kinh doanh. Chỉ trong thời gian ngắn đảm nhiệm vị trí này, Francois-Henri Pinault đã không ít lần khiến bố mình bất ngờ vì tài năng.
Francois-Henri Pinault
Hàng loạt thương vụ sáp nhập mạnh tay đã giúp Francois-Henri Pinault bước chân vào thế giới hàng hiệu và thời trang xa xỉ, đánh dấu một cuộc “lột xác” mới của PPR. Năm 1999, Francois-Henri Pinault đã nhắm đến mục tiêu đưa “viên ngọc quý” Gucci, thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới của Italia nằm dưới quyền kiểm soát của PPR. Tuy nhiên, Gucci cũng là mục tiêu của ông chủ LVMH Bernard Arnault để làm phong phú hơn bộ sưu tập các thương hiệu xa xỉ dành cho giới thượng lưu.
Cuộc chiến giành quyền sở hữu Gucci giữa 2 người đàn ông giàu nhất nước Pháp vào thời điểm đó đã thu hút sự chú ý và quan tâm rất lớn của công chúng. Riêng Francois-Henri Pinault, ông buộc phải giành chiến thắng vì 2 lý do, đưa PPR bước chân vào thế giới thời trang xa xỉ và chứng minh với Chủ tịch Francois Pinault rằng xứng đáng với vị trí CEO của tập đoàn trong tương lai.
Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 5-1-1999, khi CEO của Gucci, Domenico De Sole trên chuyến bay từ New York (Mỹ) đến London (Anh) đã bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người bạn cũ Yves Carcelle, Giám đốc chiến lược LVMH, thông báo Bernard Arnault đã mua lại 5% cổ phần của Gucci. Yves khẳng định khoản đầu tư này của LVMH được thực hiện trên tinh thần thiện chí và sẵn sàng hợp tác với Gucci trong tương lai. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau thông tin LVMH sở hữu 5% cổ phần của Gucci đã bất ngờ xuất hiện trên các mặt báo lớn của nước Pháp.
Ban lãnh đạo Gucci nhanh chóng tổ chức cuộc họp khẩn để đưa ra những phương án đối phó với động thái của LVMH trong tương lai. Gucci cho rằng LVMH đòi hỏi thỏa thuận hợp tác mua lại 34% cổ phần của Gucci và yêu cầu giữ 3 vị trí then chốt trong bộ phận lãnh đạo là quá đáng. Cuộc đàm phán bị điều đình khi Gucci chỉ chấp nhận cho LVMH sở hữu 2 vị trí trong ban lãnh đạo. Đứng trước tình thế này, Francois-Henri Pinault nhận thấy đây là thời cơ để PPR tham gia vào cuộc chiến này để giải cứu Gucci.
Để tạo được ấn tượng tốt với Gucci, Francois-Henri Pinault đã lựa chọn tiếp cận Gucci theo cách ôn hòa hơn, ông đã đưa ra lời đề nghị hợp tác với Gucci rằng PPR sẽ điều hành Gucci như một công ty độc lập. Ngược lại, Gucci xem đây là giải pháp hữu hiệu nhất để thoát khỏi “nanh sói” của Bernard Arnault, cũng như có thể hợp tác và phát triển độc lập và tự do trong tương lai.
Francois-Henri Pinault bí mật tiếp cận Gucci bằng cách mua lại 42% cổ phần thương hiệu với giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, để tránh sự cạnh tranh của LVMH, Francois-Henri Pinault đã yêu cầu ban lãnh đạo Gucci công khai số cổ phần dưới hình thức cổ phiếu ESOP (hình thức sở hữu cổ phiếu của nhân viên).
Bên cạnh đó, Francois-Henri Pinault cũng yêu cầu ban lãnh đạo Gucci cố gắng kéo dài các cuộc đàm phán với LVMH để PPR có thể có đủ thời gian hoàn thiện các vấn đề pháp lý sở hữu cổ phần của Gucci. Với việc sở hữu 42% cổ phần của Gucci, PPR đã có khả năng làm tê liệt tất cả các cổ đông khác tham gia sở hữu Gucci bao gồm cả LVMH. Nhưng cũng chính điều này đã khiến cuộc chiến giữa các bên ngày càng căng thẳng hơn.
Trong lúc LVMH và Gucci đang đàm phán về việc hợp tác, thông tin về việc PPR sở hữu 42% cổ phần của Gucci đã khiến LVMH bất ngờ. LVMH đã tấn công Gucci và PPR mạnh mẽ hơn. Một mặt, họ đã đưa ra mức đề nghị sở hữu đến 100% cổ phần của Gucci (nhưng không thành công) bao gồm 81USD/cổ phiếu và nâng lên 85 USD/cổ phiếu, nhiều hơn 10USD so với mức giá 75USD/cổ phiếu của Francois-Henri Pinault đề nghị.
Mặt khác, LVMH đã đệ đơn kiện Gucci tại tòa án Tối cao Hà Lan đã vi phạm các điều luật về M&A và để PPR tham gia vào việc sở hữu cổ phiếu của Gucci. Đợt tấn công này của LVMH mang đến hiệu quả tức thời khi thương vụ sở hữu 42% cổ phần Gucci trị giá 3 tỷ USD của PPR phải bị đình hoãn.
Tuy nhiên, sau các cuộc điều tra, Tòa án Tối cao Hà Lan đã tuyên bố việc sở hữu 42% cổ phần của PPR là hợp pháp vì thương vụ giữa Gucci và PPR đã hoàn thành trước khi LVMH hoàn tất đàm phán với Gucci. Cuộc tranh giành giữa 2 ông lớn thời trang LVMH và PPR chính thức khép lại vào năm 1999 với việc PPR hoàn toàn chiến thắng trong việc sở hữu Gucci từ tay LVMH.
Ngay sau khi sở hữu Gucci, hàng loạt các thương hiệu khác lần lượt cũng bị thâu tóm dưới sự chỉ đạo của Francois-Henri Pinault đó là Yves Saint Laurent, Balenciaga, Alexander McQueen… Đến năm 2004, PPR đã sở hữu toàn bộ cổ phần và trở thành người nắm quyền duy nhất của Gucci với giá mua mỗi cổ phiếu lên đến 101,5USD.
Tái cơ cấu và phát triển
Tái cơ cấu và phát triển
Sau thành công vang dội, Francois-Henri Pinault đã được chính thức bổ nhiệm làm Chủ tịch của Tập đoàn Artemis, tập đoàn đầu tư của gia tộc Pinault, nắm giữ cổ phần lớn nhất của PPR. Tuy nhiên, điều mà ông muốn hướng đến đó là vị trí lãnh đạo của PPR hiện đang nắm giữ bởi Serge Weinberg.
Với vị thế chủ tịch của Artemis, Francois-Henri Pinault nghiễm nhiên nắm trong tay toàn bộ quyền điều hành các công ty thuộc quyền sở hữu của Artemis, kể cả PPR. Năm 2005, Francois-Henri Pinault đã tuyên bố công khai loại bỏ CEO đương nhiệm Serge Weinberg và trở thành CEO kiêm chủ tịch của PPR. Sau khi nhậm chức, Chủ tịch Francois-Henri Pinault đã thay đổi toàn bộ định hướng phát triển của PPR, thoái vốn hàng loạt công ty tầm trung để hướng đến phát triển các thương hiệu xa xỉ trong ngành thời trang cao cấp.
Ông đã đổi tên tập đoàn PPR trở thành Kering, trong đó tiền tố “Ker” mang ý nghĩa là “nhà” trong tiếng Pháp của vùng Brittany và phát âm của cụm từ này giống với caring (chăm sóc) trong tiếng Anh. Sau đợt khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008, Kering của Francois-Henri Pinault phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt phải kể đến việc Kering đã thành công trong việc đưa Gucci đặt chân đến Trung Quốc.
Sau năm 2010, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Francois-Henri Pinault nhận thấy Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới cùng với nhu cầu cao của tầng lớp trung lưu đang lên trong xã hội Trung Quốc chính là mảnh đất màu mỡ để Gucci phát triển mạnh mẽ. Và để Gucci “cắm rễ” sâu tại thị trường Trung Quốc, Francois-Henri Pinault đã đưa ra 3 chiến lược chính dành cho Gucci tại thị trường Trung Quốc đó là hài hòa các chi tiết phân biệt giới tính trong các sản phẩm, thế hệ trẻ giàu có mới nổi tại Trung Quốc ưa chuộng sự phá cách và độc đáo, các trang phục nam cũng có thể thêm thắt các họa tiết nữ tính và ngược lại, các trang phục của nữ có thể kết hợp với một số chi tiết nam tính.
Tiếp theo đó, để chiếm trọn cảm tình của người tiêu dùng tại Đại lục, Gucci đã quyết định phát triển các sản phẩm của họ lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử của Trung Quốc, điển hình như sử dụng sắc đỏ trong hầu hết các sản phẩm tại thị trường Trung Quốc hoặc pha trộn các thiết kế từ các trang phục truyền thống của Trung Quốc cùng những đường nét hiện đại của Gucci. Điều quan trọng nhất để Gucci có thể bán được các sản phẩm tại Trung Quốc đó là các thiết kế phải phù hợp với số đo của người châu Á.
Nhờ các chính sách phù hợp, Gucci đã trở thành thương hiệu thời trang cao cấp được ưa chuộng số 1 tại Trung Quốc. Theo các số liệu công bố, chỉ trong quý I-2018, riêng doanh thu của Gucci tại Trung Quốc đã đạt được 6 tỷ USD, cao nhất trong hầu hết các thương hiệu mà Kering sở hữu. Sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu xa xỉ mà Kering sở hữu đã mang lại tổng giá trị tài sản lên đến 31,8 tỷ USD và doanh thu của tập đoàn vào năm 2019 đã đạt trên 18 tỷ USD.
Riêng Francois-Henri Pinault, ông trở thành tỷ phú giàu thứ 2 của nước Pháp với tổng tài sản lên đến 33,2 tỷ USD, bên cạnh đó là hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật của các danh họa nổi tiếng trên thế giới. Ông đã dự định sẽ xây dựng một bảo tàng riêng để trưng bày các sản phẩm nghệ thuật mà ông đang sở hữu nhưng dự định này đã tạm thời bị đình hoãn vì Covid-19.
Ngoài đế chế hàng thời trang xa xỉ, gia đình Pinault cũng là chủ sở hữu của một hãng rượu và nắm cổ phần tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Vail Ski Resort ở bang Colorado, Mỹ. Pinault cũng là chủ của 1 trong 2 hãng đấu giá nổi tiếng nhất thế giới Christie's thông qua Công ty Groupe Artemis - còn được gọi là Artemis, S.A. Christie's được thành lập vào năm 1766 bởi James Christie, hiện có cơ sở lại London, New York, Paris và nhiều thành phố lớn khác. |