Có thể khẳng định, trong việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn thì hội nhập kinh tế quốc tế là một điểm sáng - rất ấn tượng trong điều hành của Chính phủ giai đoạn 2016-2020.
Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết 5 Hiệp định thương mại với các đối tác lớn, chủ yếu là các FTA thế hệ mới, chất lượng cao như CPTPP, EVFTA, EVIPA, UKVFTA và RCEP - được ví như một “siêu hiệp định” - bởi sự tham gia của một Việt Nam trong ASEAN với các đối tác có đa dạng các nền kinh tế cả trình độ cao, những quốc gia giàu có và cả những nền kinh tế còn nghèo, chậm phát triển.
Hiệu quả từ các FTA
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam ngày càng có được nhiều lợi thế từ hội nhập. Thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi có hiệu quả các FTA, Việt Nam đã cải thiện đáng kể việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.
“Việt Nam trong những năm qua có điểm rất lợi về thế trận hội nhập, đó là ký kết được nhiều FTA, nhiều đối tác chiến lược, đi nhanh về FTA, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với xu thế chung của thế giới rất tốt, đó là hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị, những thị trường rộng lớn nhất, những nhà đầu tư và kinh doanh tốt nhất. Do đó là điều kiện tốt để Việt Nam tham gia học hỏi, nắm bắt và đây là lợi thế của Việt Nam đã có được”, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Với 14 FTA đã có hiệu lực và cho các kết quả hết sức nổi bật trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa - được định danh bằng những con số thực, đưa Việt Nam từ một nền kinh tế phải nhập siêu trong suốt nhiều thập niên đã cân bằng được cán cân thương mại và có thặng dư - liên tục xuất siêu trong cả giai đoạn 5 năm qua. Trong đó, năm 2019 Việt Nam xác lập tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD, và năm 2020 vừa qua tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu “kỷ lục” với hơn 19 tỷ USD, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt qua con số hơn 540 tỷ USD.
Tính chung trong suốt giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng XNK luôn ở mức từ 8-10%/năm. Với một nền kinh tế có độ mở lớn, giá trị xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP, chỉ riêng các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm tới trên 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, thì kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu còn cho thấy nhiều điều về nội lực của nền kinh tế Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, đã có rất nhiều cơ hội cả trực tiếp và gián tiếp đến từ hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia vào các FTA thời gian qua, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Đáng kể, đã có sự chuyển biến vượt bậc, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường, tuân thủ luật pháp quốc tế đến tư duy quản lý của doanh nghiệp và ý thức của từng người lao động… Cũng nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp có sự thay đổi rõ rệt.
Lấy dẫn chứng từ việc tham gia vào CPTPP từ năm 2018, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tác động gián tiếp từ thực thi các FTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong hội nhập.
“CPTPP tác động gián tiếp chung cho tất cả các ngành, trong đó có ngành phân phối, ngành logistics và thương mại điện tử, đó là môi trường đầu tư thuận lợi hơn, có những cam kết về thể chế trong CPTPP giúp môi trường được minh bạch, thuận lợi, an toàn hơn và thị trường hấp dẫn hơn”, bà Trang nói.
Chiến lược hội nhập mang tính toàn diện
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thông qua việc ký kết và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” Việt Nam đã thể hiện rất rõ vai trò, hình ảnh, uy tín và vị thế của một “Việt Nam mới” trên trường quốc tế.
Từ chỗ là quốc gia tham gia vào các khung khổ hội nhập trước kia như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) của ASEAN, giờ đây chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia dẫn dắt, chủ động trong các khung khổ hội nhập và đưa các hiệp định thương mại tự do đa biên này đến thành công. Việc chủ động trong đàm phán và ký kết “siêu Hiệp định RCEP” giữa ASEAN với các đối tác trong năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 là một minh chứng thực tế.
Theo ông Trần Tuấn Anh, những con số về kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu và xuất siêu trong cả giai đoạn 2016-2020 không chỉ có giá trị trong đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước; đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 22 trên thế giới về kim ngạch XK và đứng thứ 26 trong quy mô của thương mại quốc tế hiện nay… mà còn rất có ý nghĩa trong bối cảnh của thế giới giai đoạn 2016-2020 rất phức tạp.
“Kết quả XNK giai đoạn 2016-2020 gắn chặt và được đặt trong một nền tảng của Chiến lược hội nhập của Việt Nam mang tính toàn diện. Đảng đã nêu ra quan điểm hội nhập một cách chủ động với thế giới nhưng lấy nền tảng, dựa trên nền tảng của hội nhập kinh tế và thương mại. Vì vậy, Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ mở cửa thực hiện hội nhập mang tính chủ động, sâu và rộng trong kinh tế và thương mại để làm nền tảng để thực hiện thành công Chiến lược hội nhập”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu “bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đặt ra nhiều nhóm giải pháp từ bao quát - vĩ mô, đến vi mô - cụ thể.
Trong đó, Chính phủ xác định “đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước. Nâng cao năng lực hội nhập, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do”…
Rõ ràng, trong bối cảnh của CMCN 4.0, thế giới đang chuyển động không ngừng bằng việc ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, người máy/rô-bốt, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật… hội nhập kinh tế quốc tế thông qua kết nối phi truyền thống, như thương mại điện tử, thương mại “không biên giới”… đã cho thấy rất hiệu quả thời gian qua, nhất là kể từ khi đại dịch covid-19 xuất hiện. Điều đó càng cho thấy yêu cầu của chuyển đổi số, đẩy mạnh các ứng dụng mới trong hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Đồng thời, trước những tác động của đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn ảnh hưởng lâu dài tới thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, cùng với đó là rất nhiều các tác động từ bên ngoài tới nền kinh tế đất nước trong giai đoạn tới đây, đòi hỏi Việt Nam cần phải có những quyết sách mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt và thận trọng trong thực thi các chính sách kinh tế, kể cả trong các cam kết hội nhập thông qua các FTA.
Bởi, theo nhiều chuyên gia, hiện mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc sâu vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương trước biến động xấu toàn cầu. Việt Nam “phải có một khả năng chống chịu rất tốt bởi thế giới luôn có những biến động và sự tổn thương của Việt Nam với môi trường thế giới là rất lớn”.