Điều đáng lo ngại là tăng trưởng sẽ còn thấp hơn nữa trong quý II/2020.
Tổng cung
1. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có tỷ trọng lớn nhất trong GDP (19%) sẽ không còn bệ đỡ của công nghiệp điện tử. Trong quý I, ngành điện tử (tăng 14,3%) là ngành hiếm hoi được hưởng lợi do các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa.
Tuy vậy khi các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc được nối lại, sản lượng điện tử tại Việt nam rất có thể sẽ giảm. Yếu tố mạnh hơn kéo giảm ngành điện tử cũng như toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo là nhu cầu. Trong quý I/2009, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0.3% do suy thoái kinh tế, trong khi quý I/2020, ngành này vẫn còn tăng 7,12% nhờ điện tử có tỷ trọng cao.
2. Ngành có tỷ trọng lớn thứ 2 là nông nghiệp (10%) cũng sẽ rất khó khăn. Diện tích lúa Đông Xuân vụ 2020 cả nước đã giảm 3%. Xuất khẩu nông thủy sản quý I (gồm thủy sản, rau quả, gạo, hạt tiêu, chè, cà phê, hạt điều, sắn) đã giảm 48%, từ 9,5 tỷ USD xuống còn 4,9 tỷ USD. Tình trạng xâm nhập mặn và giảm cầu chắc chắn sẽ kéo dài và vì vậy tăng trưởng của quý II khả năng cao sẽ tiếp tục âm.
3. Chỉ số bán lẻ trong tháng 3 đã giảm xuống 1,6% từ mức 7,2% của tháng 1. Với việc siết chặt nhiều hoạt động kinh doanh để ngăn chặn dịch bệnh, chỉ số bán lẻ chắc chắn sẽ giảm âm trong một vài tháng của quý II, từ đó kéo giảm GDP bán buôn bán lẻ, ngành có tỷ trọng lớn thứ 3 trong GDP (chiếm 9,8%). Trong quý 1I ngành này tăng 5,69%, mức thấp nhất 6 năm.
4. GDP xây dựng, ngành lớn thứ 4, chỉ tăng 4,37%, thấp hơn cả thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính 2009. Nguyên nhân do tăng trưởng chậm của vốn đầu tư toàn xã hội và thị trường bất động sản. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I chỉ tăng 2,2% (cùng kỳ tăng 8,8%). Thị trường bất động sản đang chịu sức ép ở cả phía cung (các thủ tục cấp phép kéo dài khiến số dự án mới giảm mạnh) và phía cầu (kinh tế giảm tốc, cách ly diện rộng dẫn đến giảm giao dịch).
5. Một số ngành như tài chính ngân hàng bảo hiểm (ngành lớn thứ 5), giáo dục đào tạo hay nghệ thuật giải trí, nhiều khả năng không duy trì được đà tăng trưởng như quý I khi các hoạt động kinh tế chậm lại và việc cách ly, hạn chế tập trung đông người được áp dụng rộng rãi. Tuy vậy, khác với giai đoạn 2013-2014, khi ưu tiên ổn định vĩ mô dẫn đến thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, năm nay cả tài khóa lẫn tiền tệ đều phải tích cực hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế. Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm vì vậy được kỳ vọng vẫn sẽ có tăng trưởng tương đối cao.
6. Khai khoáng, ngành lớn thứ 6, sẽ rất khó khăn vì giá dầu. Sản lượng khai thác dầu thô tháng 3 giảm 16% và tính chung quý I giảm 11%. Với giá dầu giảm nhanh về chỉ còn 1/3 trung bình năm 2019, việc khai thác dầu tại Việt Nam sẽ khó có lãi và tránh được việc tiếp tục giảm sản lượng.
Như vậy có thể thấy 6 ngành lớn nhất trong GDP sẽ giảm tốc hoặc tiếp tục tăng trưởng âm do dịch bệnh và những tác động khách quan khác như khô hạn mặn và cuộc chiến giá dầu. Nông nghiệp, khai khoáng, lưu trú ăn uống và vận tải kho bãi gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng âm trong quý II.
Tổng cầu
1. Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho tăng trưởng, nhưng vì diễn biến dịch bệnh quá khắc nghiệt, các hoạt động đầu tư khác bị ngưng trệ dẫn đến một mình đầu tư công đã không thể cứu vãn được tình hình. Tăng trưởng vốn đầu tư FDI giảm 5,4% và vốn tư nhân chỉ tăng 4,2%, trong khi 2 nguồn vốn này chiếm tới 69% tổng vốn đầu tư. Việc giảm giải ngân FDI là tín hiệu rất đáng lưu tâm bởi vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn quý I vẫn tăng 29%. Chỉ riêng có vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh 65% do xu hướng dịch chuyển sang các tài sản an toàn trên phạm vi toàn cầu.
2. Nhập siêu dịch vụ tăng lên 930 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với cùng kỳ do nhập khẩu dịch vụ giảm chậm hơn nhiều so với xuất khẩu. Trong quý I, người Việt Nam vẫn chi 1,4 tỷ USD cho du lịch quốc tế, chỉ giảm 2,9%, trong khi xuất khẩu du lịch giảm 18,6%. Tương tự, nhập khẩu và xuất khẩu dịch vụ vận tải giảm 4,9% và 31,9%. Nếu như nhập khẩu dịch vụ vận tải có liên quan đến nhu cầu thiết yếu (vận chuyển nguyên vật liệu cho sản xuấ)t thì nhập khẩu du lịch cần có giải pháp hạn chế nhằm hướng dòng tiền cho kích cầu nội địa.
3. Xuất siêu hàng hóa quý I là 2,8 tỷ USD, tăng mạnh 68%. Năm 2012, Việt Nam xuất siêu do thắt chặt tài khóa và tiền tệ, dẫn đến sụt giảm nhu cầu trong nước. Năm 2020 nhu cầu cũng giảm mạnh do dịch bệnh nên nhập khẩu hàng hóa giảm 1,9%, trong đó nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm 10,6%. Tiêu dùng sẽ còn giảm rất mạnh không chỉ do tình trạng cách ly mà còn vì 2 lý do đáng lo ngại hơn, là suy giảm thu nhập và niềm tin người tiêu dùng. Xuất khẩu quý I tăng 0,5%, nhiều khả năng sẽ giảm âm trong quý II.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô
Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và chống đỡ cho nền kinh tế, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi hơn so với giai đoạn khủng hoảng và suy thoái 2009 và 2012, tuy nhiên, cũng có một số thách thức lớn hơn.
Thuận lợi
1. Lạm phát thấp
CPI quý I so với cuối năm 2019 (YTD) tăng 0,34%, là quý I có chỉ số CPI (YTD) thấp nhất 5 năm. Ngoài giá dầu đã giảm rất sâu, giá thịt lợn nhiều khả năng cũng sẽ giảm nhờ dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế. Thực phẩm và nhiên liệu là 2 nhóm hàng hóa có tác động lớn đến CPI nên CPI năm 2020 chắc chắn sẽ tăng thấp. Lạm phát thấp là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Trước khi nổ ra dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế của thế giới và Việt Nam đều đang trên đà tích cực. Các chính sách điều hành kinh tế lớn của Việt Nam đa phần đều đi đúng hướng. Điều này rất khác so với giai đoạn 2009 và 2012, khi những sai lầm trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa thời gian trước đó, đã dẫn đến khủng hoảng và hao tổn rất lớn nguồn lực và sức chống đỡ cho nền kinh tế.
Trong 5 năm trở lại đây, cùng với sự vươn lên của khối FDI và tư nhân, Việt Nam đã xuất siêu với giá trị xuất siêu tăng dần. Xuất siêu mang đến một lượng lớn ngoại tệ, giúp gia tăng cung tiền và ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng. Nhờ xuất siêu dự trữ ngoại hối hiện tại đã đạt 85 tỷ USD, bằng 4 tháng nhập khẩu, trong khi vào cuối năm 2008 và 2012, dự trữ ngoại hối 4 tỷ và 26 tỷ USD, tương đương 3,6 và 2,7 tháng nhập khẩu.
Vốn đầu tư công giải ngân chậm trong năm 2018 và 2019 vô hình chung đã để lại số dư tiền lớn trong ngân sách, ước tính xấp xỉ 500.000 tỷ đồng, bằng 8% GDP. Với lượng tiền này, dù thu ngân sách 2020 có giảm mạnh, nguồn vốn cho hệ thống y tế cũng như các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ không bị ảnh hưởng.
Năm 2009, xuất khẩu của khối FDI chiếm 55% tổng xuất khẩu, năm 2019, tỷ lệ này 68%. Kể từ khi Nghị quyết 10/2017 ra đời, kinh tế tư nhân trong 3 năm qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư của khối tư nhân trong giai đoạn 2017-2019 đã tăng trung bình 18%/năm, cao hơn nhiều giai đoạn 2014-2016 là 12%. Ngược lại, khối doanh nghiệp nhà nước giảm từ 12%/năm xuống 2%/năm.
4. Dịch bệnh có thể kiểm soát được trước hoặc trong mùa hè (trong kịch bản cơ sở)
Dịch bệnh đang lan truyền sang các quốc gia với độ trễ khác nhau nhưng tất cả nước lớn đều đã bị ảnh hưởng nặng. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngặt nghèo đã được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc sau 2 tháng kể từ khi phong tỏa Vũ Hán (tháng 1/2020) đã gần quay trở lại bình thường.
Như vậy có thể kỳ vọng các nước khác cũng cần 2-3 tháng, tức khoảng tháng 5-6. Đây cũng là tháng đầu hè nên xác xuất kiểm soát được dịch bệnh sẽ cao hơn. Kinh tế thế giới có cơ hội hồi phục nhanh vào nửa cuối 2020 nhờ hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế vô cùng mạnh mẽ.
Khó khăn
1. Độ mở kinh tế lớn
Năm 2019 kim ngạch xuất nhâp khẩu của Việt Nam bằng 2 lần GDP, năm 2009 tỷ lệ này là 1,2 lần. Cú sốc suy thoái từ bên ngoài sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đến Việt Nam trong năm nay so với năm 2009. Trong bối cảnh này, Việt Nam phải đặc biệt trú trọng vào nội lực bao gồm đầu tư công, giảm lãi suất, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, bảo hộ sản xuất trong nước …
2. Dịch bệnh là nhân tố phi kinh tế, khó dự đoán, dư địa giảm lãi suất trên thế giới không còn nhiều
Mặc dù kịch bản cơ sở là dịch bệnh sẽ kết thúc vào mùa hè nhưng không thể chắc chắn về điều này. Khi dịch bệnh kéo dài, nguy cơ suy thoái, đổ vỡ hệ thống tài chính ngân hàng sẽ tăng cao, kéo theo những hệ lụy lâu dài. Khác với năm 2009, dư địa giảm lãi suất của NHTW các nước phát triển trong năm nay không lớn.
Với những thuận lợi và khó khăn như trên, việc ứng phó với dịch bệnh trong năm 2020 sẽ khác với 2 đợt khủng hoảng 2009 và 2012. Việt nam không cần đặt ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà nên tiếp tục cân bằng thực hiện cả 2 mục tiêu chiến lược là thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Song song với kiểm soát dịch bệnh, Việt nam cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu sau:
i. Thúc đẩy đầu tư công, tập trung các dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa cao
ii. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém để chặn đứng cuộc đua lãi suất, tạo tiền đề cho giảm lãi suất một cách lâu dài.
iii. Phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ các tập đoàn tư nhân lớn, có sức cạnh tranh mạnh, tạo dựng 30 “con sếu lớn” làm đầu tàu kéo tăng trưởng.
iv. Sửa đổi luật đất đai, nhanh chóng giải phóng sức sản xuất ngành nông nghiệp nhằm xây dựng ngành nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn và hướng đến xuất khẩu.
v. Bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước, trong đó đặc biệt chú ý nhập siêu từ ASEAN.
Mặc dù dịch bệnh đang mang đến rất nhiều khó khăn nhưng có thể chắc chắn rằng dịch bệnh sẽ đến thời điểm kết thúc. Cần phải biến nguy thành cơ, lấy dịch bệnh là động lực, quyết tâm để tái cơ cấu triệt để nhằm tạo nền tảng tốt hơn nữa cho việc phục hồi kinh tế hậu dịch.