GDP quý IV tăng trưởng 7,19%

(ĐTTCO) - Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 10-2016 được Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố sáng 28-10 dự báo tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,19% so với cùng kỳ năm trước, đẩy GDP cả năm 2016 lên mức 6,33%. Lạm phát cả năm được dự báo ở mức 4,66%, tăng trưởng xuất khẩu 7,44%, cán cân thương mại ước xuất siêu 4,8 tỷ USD.

(ĐTTCO) - Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 10-2016 được Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố sáng 28-10 dự báo tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,19% so với cùng kỳ năm trước, đẩy GDP cả năm 2016 lên mức 6,33%. Lạm phát cả năm được dự báo ở mức 4,66%, tăng trưởng xuất khẩu 7,44%, cán cân thương mại ước xuất siêu 4,8 tỷ USD.

 

Tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra, nhưng CIEM nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm như vậy khá ấn tượng. Trong bối cảnh hiện nay, không nên quá tập trung vào con số tăng trưởng, cần tập trung vào cách thức tạo ra tăng trưởng. Tăng trưởng phải dựa vào các yếu tố năng suất, hiệu quả sử dụng vốn thay vì dựa vào tăng nguồn lực đầu vào và khai thác tài nguyên.

Không chạy theo mục tiêu tăng trưởng

Trình bày báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), cho biết dự báo IMF về kinh tế toàn cầu không có nhiều thuận lợi, các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản được dự báo suy giảm, đà tăng trưởng kinh tế chậm lại. Kinh tế Hoa Kỳ có sự phục hồi vững chắc nhất, nhưng câu chuyện Hoa Kỳ muốn tăng năng suất hay tiếp tục hạ lại suất trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến đầu tư ra nước ngoài, và Hoa Kỳ có tiếp tục TPP hay không, có ký FTA với EU hay không tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện tích cực trong thời gian qua, theo xếp hạng của WB tăng 9 bậc trong năm nay. Nhưng chỉ số về khởi sự DN vẫn rất khó khăn, thủ tục thuế được cắt giảm nhiều nhưng bảo hiểm còn vướng. Diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 9 tháng tăng trưởng tương đối chậm, nếu nhìn vào hàng quý không thấp (quý II tăng trưởng 5,5%, quý III tăng trưởng 6,4%), nhưng so với cùng kỳ năm trước mức tăng trưởng này thấp. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn cao hơn so với Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... Tư duy tăng trưởng hiện đã thận trọng hơn. Mục tiêu tăng trưởng có thể không đạt nhưng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Xét riêng từng lĩnh vực, công nghiệp xây dựng và dịch vụ là những lĩnh vực có mức tăng trưởng cao, nông nghiệp tiếp tục khó khăn. Nhưng tư duy tăng trưởng hiện nay tương đối dàn trải, ngành công nghiệp xây dựng và bất động sản đang có động thái tiếp tục được bơm vốn. Động thái này tác động bất lợi tới các ngành hàng khác, lợi nhuận ngành này cao nhưng rủi ro cao, lãi suất cao. Việc bơm vốn cho lĩnh vực công nghiệp xây dựng và bất động sản sẽ làm suy giảm nguồn lực các ngành khác, lãi suất các ngành sản xuất khác cũng sẽ lên theo lãi suất cho vay bất động sản.

Tỷ giá trung tâm tăng trong những tuần gần dây, nhưng nhìn mặt bằng thị trường tài chính lại không tăng nhiều, có dấu hiệu cho thấy mặt bằng tỷ giá ổn định hơn, cơ chế tỷ giá trung tâm đã trung hòa giữa các đồng tiền. Biểu hiện như 1 tháng gần đây trên thị trường tài chính quốc tế USD tăng 3,6%, nhưng tỷ giá trung tâm cùng giai đoạn trong nước chỉ tăng 0,4%, thị trường liên ngân hàng mức tăng dưới 0,1%. Do đó cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm đã giảm đáng kể áp lực biến động tỷ giá USD.

Cung tiền và tín dụng có tốc độ tăng các quý không biến động nhiều, mức độ tăng giữa các quý tương đối đều. Nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn cách mục tiêu quá xa, cho thấy mức độ hấp thụ nền kinh tế, thủ tục tiếp cận tín dụng có vấn đề. Tăng cung tiền chưa gây áp lực cho lạm phát, song lo ngại về việc hỗ trợ phát hành TPCP.

“Chúng ta đã thừa thắng xông lên, đầu năm đặt mục tiêu 250.000 tỷ đồng, sau lại nới lên mục tiêu hơn 280.000 tỷ đồng. Và thực tế đến tháng 10 việc phát hành TPCP đã đạt trên 270.000 tỷ đồng. Đây không phải là thành tích mà là Nhà nước đang tận dụng lợi thế của mình. Hệ quả tình hình đầu tư của khu vực tư nhân bị ảnh hưởng khi nguồn lực dồn vào TPCP. Hơn nữa, trên thị trường tài chính, nhà đầu tư đang chuyển hướng quan tâm đến TPCP hơn. Đây là tín hiệu lo ngại cho nền kinh tế, khi DN tư nhân vẫn rất khó cạnh tranh”  - ông Nguyễn Anh Dương nhận định.

Hướng tới mô hình tăng trưởng mới

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, kỳ vọng trong bối cảnh hiện nay nên thảo luận tại sao không đạt được mục tiêu tăng trưởng. Liệu nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng theo kiểu hiện nay nữa không. Cần thay đổi cách điều hành, cách thức tăng trưởng. Cần nhìn dài hạn hơn trong 20 - 30 năm qua (1986 – 2016), trung bình cứ 10 năm Việt Nam giảm 1 điểm % tăng trưởng. Từ 8%, xuống 7% trong thập tiếp theo và hiện giờ tăng trưởng khoảng 6%. Theo đà này, thập niên tới Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 5% với điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững. Ở chiều ngược lại, nếu tăng trưởng tiếp tục giảm mục tiêu ổn định vĩ mô chưa chắc đạt được.

Mô hình, cách thức tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào như gia tăng khai thác tài nguyên, xuất khẩu… mà không nhìn các yếu tố dài hạn như năng suất, hiệu quả. Cách thức tăng trưởng dẫn đến điều hành, sử dụng công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng như tăng huy động, tăng đầu tư, tăng tín dụng. Tăng đầu tư là cách tăng trưởng dễ nhất nhưng chi trong khi thu ít đi dẫn đến phải đi vay trong nước, ngoài nước và dẫn đến bội chi, nợ công tăng lên.

“Từ cách tăng trưởng dẫn đến cách điều hành vĩ mô như vậy. Bất ổn vĩ mô đang nằm chờ trực trong đó nên không thể bền vững về vĩ mô được. Vì tư duy ngắn hạn nên quên đi những cải cách dài hạn. Muốn tăng trưởng dài hạn phải tái cơ cấu kinh tế theo hướng thị trường hơn, nhưng ta đang làm ngược lại. Không ai đủ nguồn lực cho nhu cầu được nên phải tìm chỗ nào tốt nhất để phân bố nguồn lực. Tái cơ cấu là phân bố lại nguồn lực hiện có, chẳng hạn lấy tiền từ Sabeco, Vinamilk để làm Sân bay Long Thành” - TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Phân tích về xu hướng công nghiệp xây dựng tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định công nghiệp xây dựng đang tăng trưởng theo hướng nâu (dễ dãi) chứ không tăng theo xu hướng xanh. Chẳng hạn như dự án làm thép của Fomosa, hay Hoa Sen, Hòa Phát thời gian qua đều dựa vào các ưu đãi đầu tư. Hay tại ĐBSCL đưa vào đầu tư 14 dự án điện than như dự kiến sẽ phá hủy cả vùng đồng bằng này, trong khi than đã phải nhập khẩu 9 triệu tấn/năm rồi.

Riêng vấn đề tiếp cận tín dụng, khu vực kinh tế nông nghiệp, tư nhân đang rất thiếu vốn nhưng phải chăng hệ thống ngân hàng và DN không gắn kết được với nhau. Hay tại ngân hàng mải chạy theo TPCP và các dự án lớn như thép Cà Ná - Hoa Sen, dù biết có nhiều rủi ro khi đổ vốn vào đó.

Các tin khác