Phát biểu tham luận tại tọa đàm, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đang duy trì sự tăng trưởng tốt. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Việt Nam cũng đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) nếu chỉ tính đến nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Theo ông Hoài, sản phẩm gỗ Việt xuất khẩu sang 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Trong đó, đáng chú ý thị trường Mỹ khi chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
“Nếu Mỹ nhập khẩu 10 chiếc ghế thì trong đó có 4 chiếc là của Việt Nam. Ngoài ra, ngành gỗ còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Đây là 5 thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam”, ông Hoài thông tin.
Tuy nhiên, theo vị đại diện Viforest, chi phí logistics tăng cao thời gian qua đang là trở ngại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hiện nay. Theo đó, sản phẩm gỗ khác với sản phẩm khác như hàng điện tử, giày da, dệt may khi hàng thường rất cồng kềnh. Trong khi đó, chi phí vận tải biển đang ở mức rất cao. Ông Hoài nêu thực tế, như hiện nay một container sản phẩm gỗ vận chuyển tới Mỹ thì cước vận tải lên tới từ 7.000-8.000 USD. Đôi khi giá trị sản phẩm gỗ trong container chỉ tương đương số tiền trên.
Đại diện Viforest cũng cho rằng, chuyển đổi xanh trong ngành logistics là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành bại của ngành công nghiệp gỗ. Hiện nay các doanh nghiệp gỗ đang tích cực kiểm kê phát thải khí nhà kính để tuân thủ các quy định về phát thải.
Trong khi đó, đề cập đến việc “xanh hoá” ngành logistics, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay, ngành logistics cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Theo ông Vinh, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải. Khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.