Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Vạn Phúc Land cho biết, vài tháng qua hầu như các hoạt động mua bán chuyển nhượng tại doanh nghiệp này đều không có giao dịch gì do quy định về phòng chống dịch Covid-19. Công việc chủ yếu trong thời gian qua chủ yếu là chăm sóc khách hàng đã mua sản phẩm trước đó và giới thiệu sản phẩm mới đến khách hàng tiềm năng đã mua sản phẩm của công ty trước đó.
“Thực ra cho đến giờ này giá bán của các dự án từ công ty vẫn không thay đổi, chúng tôi vẫn giữ nguyên kế hoạch. Tuy nhiên sau dịch sẽ có những kế hoạch cụ thể cho phù hợp tình hình mới”- bà Hương chia sẻ.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam cho rằng, ghi nhận tại nhiều dự án cho thấy, trong thời gian dịch giá bán vẫn không có sự thay đổi so với trước đó. Tuy nhiên chủ đầu tư có những chương trình khuyến mãi, kích cầu riêng nhằm hỗ trợ cho khách hàng trong những tháng bị dịch.
“Việc giảm giá, cắt lỗ có thể xảy ra nhưng chỉ đối với những nhà đầu tư thứ cấp do áp lực trả nợ ngân hàng, cũng có thể họ giảm lợi nhuận so với kỳ vọng trước đó trong bối cảnh dịch bệnh nên hạ giá bán xuống. Tình trạng này cũng xảy ra khá phổ biến trong giao dịch nhà, đất riêng lẽ vì nhiều người cần tiền bán nhanh nên phải hạ giá xuống so với trước đó”- ông Lâm Phân tích.
Tuy nhiên theo phân tích của nhiều chuyên gia, sức chịu đựng của doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện nay đang ở mức căng thẳng nhất.
Một thống kê của Công ty DKRA Việt Nam về doanh thu của doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực TPHCM trong 3 tháng gần đây cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10%. Nhóm này được xếp vào nhóm doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao.
Khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động cao với mức doanh thu từ 30-50%. Chỉ 10% doanh nghiệp có mức doanh thu 50-70%, trong khi đó chỉ có 10% doanh nghiệp có doanh thu ổn định.
“Dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại TPHCM với số ca nhiễm lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày khiến tình hình kinh doanh tê liệt. Do vậy, trong thời gian tới nếu chỉ hỗ trợ lãi suất, giản nợ… thì cũng chưa phải là “đúng thuốc”” - ông Lâm nói.
Chính phủ nên có một gói “kích cầu” nào đó đại loại như gói 30.000 tỷ trước kia để “mồi” cho thị trường sống dậy. Nếu chỉ giảm lãi suất, giãn nợ mà thị trường vẫn đứng, không có giao dịch thì doanh nghiệp vẫn “chết” như thường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Thiếu dòng tiền đang là cái khó trực tiếp lớn và đáng quan ngại nhất hiện nay, có thể làm cho doanh nghiệp bị ngộp thở, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy, hỗ trợ, giữ chân người lao động. Do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, công trình xây dựng phải dừng nên doanh nghiệp không có sản phẩm để bán, giao dịch bị sụt giảm mạnh, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.
Hầu hết các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản sau dịch sẽ đối mặt với nhiều khó khăn “lành ít dữ nhiều”, về mặt lý thuyết chi phí thời gian qua rất nhiều, dự án chậm tiến độ nên giá thành cao. Tuy nhiên khi mà hoạt động thu kinh tế, thu nhập của người dân, nhà đầu tư bị “đóng băng” trong thời gian dài không có tích lũy thì họ có dễ dàng chấp nhận với mặt bằng giá mới hay không vẫn là một bài toán khó.