Điều này mở ra triển vọng hạ nhiệt đối với căng thẳng trong cán cân cung - cầu suốt 5 tháng qua trên thị trường ngũ cốc toàn cầu nói chung và với lúa mì nói riêng. Tính tới ngày 3-8, giá lúa mì kỳ hạn gần nhất trên sàn CBOT giao dịch quanh mức 784 cent/giạ, tương đương với mức giá hồi đầu năm nay, và đã giảm khoảng 42% kể từ đỉnh hồi tháng 3. Tuy nhiên, mức giá trung bình từ đầu năm đến nay khoảng 1.048,8 cent/giạ, vẫn cao hơn 43% so với mức giá giao dịch trung bình năm 2021.
Cơ cấu cung-cầu mùa vụ 2022-2023
Cơ cấu cung-cầu mùa vụ 2022-2023
Trong báo cáo ban hành đầu tháng 7 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu tiêu thụ lúa mì dự kiến đạt 784,2 triệu tấn, giảm nhẹ 0,8% so với mùa vụ trước. Trong đó, nhu cầu của Trung Quốc khoảng 144 triệu tấn, chiếm 18,4% toàn cầu, giảm 2,7% so với mùa vụ 2021-2022. Sức tiêu thụ của khu vực EU cũng yếu đi khoảng 2,1%, ở mức 107,5 triệu tấn. Nhu cầu của Ấn Độ dự kiến đạt 104,5 triệu tấn, giảm 3,2%. Nhu cầu giảm nhẹ 0,9% ở Mỹ, ở mức 30,3 triệu tấn. Nhìn chung, tiêu thụ lúa mì toàn cầu có sự suy yếu do triển vọng kinh tế chậm lại ở nhiều quốc gia/khu vực kinh tế chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ…
Về nguồn cung, báo cáo trên cho biết sản lượng lúa mì mùa vụ 2022-2023 chỉ đạt 771,6 triệu tấn, giảm 7,4 triệu tấn so với sản lượng mùa vụ trước và thiếu hụt 12,6 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Trong đó, sản lượng của khu vực EU chỉ đạt 134,1 triệu tấn, giảm 3,1% so với mùa vụ 2021-2022. Sản lượng lúa mì của Trung Quốc cũng giảm 1,4%, chỉ đạt 135 triệu tấn. Sản lượng của Ấn Độ giảm 3,3%, đạt 106 triệu tấn trong mùa vụ năm nay. Đặc biệt, sản lượng của Ukraine chỉ đạt 19,5 triệu tấn, giảm 41% so với mùa vụ trước do cuộc chiến kéo dài.
Nguyên nhân của sản lượng lúa mì sụt giảm đến từ nhiều yếu tố cộng hưởng trực tiếp và gián tiếp. Sản lượng giảm trực tiếp do chiến tranh tại Ukraine và vấn đề thời tiết nắng nóng trên thế giới ảnh hưởng tới năng suất mùa vụ. Nguyên nhân gián tiếp đến từ việc giá dầu thô ở mức cao, ảnh hưởng tới chi phí vận hành thiết bị nông trại. Giá khí tự nhiên càng quan trọng hơn đối với nông dân, vì thành phần chủ yếu trong phân bón Amoniac và Ure là khí Nitơ được sản xuất từ khí tự nhiên. Giá khí tự nhiên tăng cao do Nga hạn chế cung cấp cho châu Âu, dẫn tới giá phân bón tăng theo. Các chi phí nguyên liệu tăng cao, thậm chí thiếu hụt đã ảnh hưởng tới khả năng mở rộng diện tích của nông dân trồng lúa mì.
Do sản lượng thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ, đây là mùa vụ thiếu hụt thứ 3 liên tiếp nên mức tồn kho cuối vụ tiếp tục giảm 4,5% so với vụ trước, chỉ đạt 267,5 triệu tấn. Tỷ lệ tồn kho cuối kỳ trên nhu cầu tiêu thụ tiếp tục giảm xuống còn 34,1%, thấp hơn mức 35,4% của mùa vụ 2021-2022.
Các yếu tố ảnh hưởng giá trong thời gian tới
Các yếu tố ảnh hưởng giá trong thời gian tới
Từ giữa tháng 5 đến nay, giá lúa mì có xu hướng giảm nhanh do thị trường kỳ vọng vào việc nông sản của Ukraine quay trở lại xuất khẩu. Tuy nhiên, kế hoạch hiện tại chỉ cho phép mỗi ngày 1 con tàu rời cảng. Như vậy, có thể thấy việc lúa mì Ukraine có cơ hội quay trở lại thị trường quốc tế đã được thị trường định giá trong thời gian gần đây. Mức giá hiện tại của lúa mì hầu như đã phản ánh bởi sự kiện này. Nhưng tốc độ xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine rất chậm. Đây là yếu tố sẽ hỗ trợ cho xu hướng giá tăng của lúa mì trong thời gian tới.
Năng suất cây trồng giảm kết hợp với chi phí nguyên liệu cao sẽ hạn chế nguồn cung lúa mì trong thời gian tới. Ngay cả khi giá tăng đến 1.200 cent/giạ, nhiều cánh đồng ở phía Tây Kansas (Mỹ) sẽ không thể hòa vốn. Dự kiến ít nhất một nửa cánh đồng lúa mì thu hoạch lỗ do sản lượng thấp. Vấn đề thời tiết khô hạn đã làm giảm mạnh năng suất của khu vực này nói riêng và nhiều nơi khác trên thế giới. Năng suất dự kiến 27 giạ/mẫu ở Kansas, thấp hơn nhiều so với năng suất 43 giạ/mẫu trước đây. Giá lúa mì hiện tại chỉ 784 cent/giạ, do dó doanh thu của khu vực 212 USD/mẫu, kém xa so với mức doanh thu 330 USD/mẫu của mùa vụ trước, khi có mức giá 767 cent/giạ và năng suất đạt 43 giạ/mẫu.
Về mặt định tính, điều duy nhất có thể tác động giảm lên giá lúa mì, là nguy cơ suy thoái kinh tế có khả năng diễn ra làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, yếu tố này không có nhiều tác dụng, bởi lúa mì là mặt hàng thiết yếu đối với xã hội, thường không chịu ảnh hưởng bởi việc thu nhập người dân giảm trong suy thoái kinh tế. Vì vậy, với việc thị trường đã định giá phản ánh sự kiện Ukraine quay trở lại xuất khẩu, đồng thời yếu tố thời tiết và chi phí nguyên liệu hạn chế khả năng giảm giá thêm của lúa mì. Kỳ vọng mặt hàng này sẽ có sự hồi phục xu hướng tăng giá trong thời gian còn lại của năm nay.