Nhu cầu của Trung Quốc
Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng tới 76% đối với nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của thế giới. Trong nửa cuối năm 2021, thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu do các biện pháp siết chặt của chính phủ từ đầu năm, kéo theo sự cố vỡ nợ của tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande vào tháng 12-2021. Nhu cầu đối với quặng sắt bị ảnh hưởng và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2021 giảm 4% so với cùng kỳ 2020. Điều này đã làm giá quặng sắt bắt đầu đợt suy giảm kể từ 19-7-2021.
Tuy nhiên, trước các lo ngại về việc thị trường bất động sản sẽ là gánh nặng kìm hãm tăng trưởng GDP trong năm nay, chính phủ Trung Quốc đã có động thái hỗ trợ bằng cách gia tăng chi tiêu vào đầu tư các công trình xây dựng. Dự kiến, Trung Quốc sẽ phát hành khoảng 3.800 tỷ NDT trong năm nay để chi tiêu vào các dự án hạ tầng trong nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nới lỏng các hạn mức và quy định tín dụng đối với thị trường bất động sản, nhằm tạo động lực tăng trưởng trở lại cho nhu cầu thị trường.
Theo khảo sát định kỳ của Mysteel, từ ngày 24-2 đến 2-3 mức tiêu thụ hàng ngày đối với tinh quặng sắt nhập khẩu tại 64 nhà máy thép ở Trung Quốc đã tăng tuần thứ 3 liên tiếp, đạt 511.800 tấn/ngày, tương ứng tăng 8,2% so với cùng kỳ tuần trước đó. Mysteel cho biết, sự gia tăng này bởi các nhà máy thép đã hoạt động mạnh trở lại sau khi Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 kết thúc vào 20-2, bởi họ đã bị hạn chế sản xuất theo yêu cầu từ chính quyền nhằm tạo bầu khí quyển trong lành trong suốt quá trình diễn ra sự kiện này.
Sự hồi phục mạnh mẽ nhất đến từ các nhà máy ở miền Bắc và miền Đông Trung Quốc. Nhờ động lực từ các dự án hạ tầng và kỳ vọng vào thị trường bất động sản phục hồi, giá thép thanh và thép cán nóng trên sàn Thượng Hải đã tăng trở lại, là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng giá ấn tượng của giá quặng sắt giai đoạn vừa qua. Tính đến ngày 8-3, giá thép thanh hợp đồng tháng 4 đã đạt mức cao nhất 5.121NDT/tấn, tương ứng tăng 33,4% so với mức đáy hồi tháng 11-2021.
Ngoài kỳ vọng đến từ ngành xây dựng - bất động sản, chỉ số công nghiệp PMI của nước này cũng cho thấy dấu hiệu khả quan khi ghi nhận xu hướng tăng kể từ mức đáy 49,2 trong tháng 10-2021. Do đó, giá quặng sắt tăng trong vài tháng vừa qua phản ánh bởi thị trường kỳ vọng vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ cao hơn so với các dự báo trước đó, và nhu cầu sẽ tăng đối với các nguyên liệu sản xuất nói chung và quặng sắt nói riêng.
Yếu tố nguồn cung và dự báo giá
Theo dữ liệu báo cáo bởi Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), ước tính sản lượng quặng sắt toàn cầu khai thác vào năm 2021 và có thể đưa vào sử dụng 2,6 tỷ tấn quặng, cao hơn 5,3% so với mức 2,47 tỷ tấn của năm 2020. Trữ lượng quặng sắt toàn cầu vẫn không thay đổi là 180 tỷ tấn với hàm lượng sắt ước tính 85 tỷ tấn. Theo tin tức từ Xinhua, tính đến ngày 7-3, tồn kho quặng sắt tại 33 cảng chính tại Trung Quốc ghi nhận ở mức 148,04 triệu tấn, giảm 0,35% so với con số ghi nhận tại ngày 28-2. Tuy nhiên, mức tồn kho này cao và không có dấu hiệu nguồn cung bị ảnh hưởng. Trong khoảng thời gian đó, ghi nhận giá quặng sắt nhập khẩu tăng, tuy nhiên khối lượng hàng đến cảng có xu hướng giảm và khối lượng giao hàng cho nhà máy tiêu thụ tăng.
Giai đoạn tăng giá vừa qua của quặng sắt không bắt nguồn từ thiếu hụt nguồn cung, mà động lực tăng giá chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu thụ của các nhà sản xuất thép. Do giá thép xây dựng tăng đã thúc đẩy các nhà máy gia tăng sản lượng, và sẵn lòng chi trả giá cao hơn để mua nguyên liệu đầu vào là quặng sắt. Nếu tính mức chênh lệch giữa giá thép thanh và giá quặng sắt, hiện tại mức chênh lệch này khoảng 639USD/tấn, cao hơn so với mức chênh 519USD/tấn hồi tháng 11-2021. Với mức chênh lệch hiện tại, có thể thấy các nhà máy thép sẵn lòng trả giá cao hơn cho quặng sắt bởi lợi nhuận đang rất tốt.
Nếu triển vọng ngành xây dựng - bất động sản tại Trung Quốc vẫn sáng sủa, giá quặng sắt sẽ khó trở thành xu hướng giảm. Tuy nhiên, đối với tiềm năng tiếp tục xu hướng tăng, cần hiểu rằng nguồn cung không có dấu hiệu thiếu hụt. Trong khi đó, giá các loại nhiên liệu như dầu thô và than đá đang tăng nhanh chóng mặt có thể dẫn đến sự suy giảm rõ rệt đối với nhu cầu tiêu thụ quặng sắt. Dù vậy, nhu cầu suy giảm sẽ không diễn ra đột ngột (trừ khi có các sự cố nghiêm trọng tương tự như đại dịch Covid), nên xu hướng tăng giá của quặng sắt vẫn được hỗ trợ trong thời gian tới. Một sự đảo chiều sang xu hướng giảm giá sẽ diễn ra từ từ và có thể quan sát được.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4 trên sàn SGX đạt mức cao nhất 171USD/tấn, tương ứng tăng 40% so với mức giá 122USD/tấn mở cửa hồi đầu năm, tăng tới 107% nếu so với mức đáy 82,55USD/tấn thiết lập ngày 10-11-2021. |