Gia tăng độ bền cơ chế xử lý nợ xấu

(ĐTTCO) - Tỷ lệ nợ xấu đa số ở ngân hàng thương mại (NHTM) trong 2 quý đầu năm ở mức thấp, nhưng nhiều NH chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng. Điều này cho thấy NH đã nhìn thấy nên thận trọng về nợ xấu khi dịch Covid-19 tiếp tục tác động nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp (DN). 
Báo cáo tài chính (BCTC) quý II-2021 của các NHTM, cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến 30-6 ở đa số nhà băng giảm so với cuối năm 2020. Ghi nhận ở 27 NH niêm yết có 5 NH có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, 14 NH có tỷ lệ nợ xấu từ 1% đến dưới 2% và 7 NH có tỷ lệ nợ xấu từ 2% đến dưới 3%.
Tuy nhiên, có đến 19/27 NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong nửa đầu năm, từ vài trăm tỷ đồng (ở những NH yếu kém) đến hơn 15.000 tỷ đồng (như BIDV, tăng 48% so với cùng kỳ 2020).
Những con số trên cho thấy các NH đang có sự thận trọng với nợ xấu, tăng trích lập để ứng phó với những khó khăn trong tương lai. Cũng dễ hiểu, nợ xấu là điều không thể tránh khỏi sau thảm họa dịch covid và  đang được che đậy dưới “tấm thảm” cơ cấu nợ, khoanh nợ. Và khi hết thời hạn cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021, nợ xấu sẽ lộ diện, khả năng sẽ rõ hơn vào cuối quý IV-2021 trở đi.
Hiện số nợ được cơ cấu lại khoảng 350.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 30% nợ cơ cấu tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu. Cần lưu ý, do NH là ngành đặc biệt nên tác động của dịch bệnh tới sẽ chậm hơn so với nhiều lĩnh vực khác. 
Dịch bệnh khiến nợ xấu tăng thì khả năng sinh lời của NH năm nay cũng như vài năm tới sẽ giảm hoặc tăng trưởng thấp hơn. Theo ước tính với Thông tư 03, năm nay các NH sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro thêm 40.000-44.000 tỷ đồng, tức lợi nhuận ngành NH sẽ chỉ tăng khoảng 15%.
Và dự báo nợ xấu năm 2021 sẽ tăng 8-10% so với cuối năm 2020. Thực tế ghi nhận từ BCTC, tỷ lệ nợ xấu của các NH đã giảm so với đầu năm, nhưng nợ nhóm 4, 5 tại thời điểm cuối tháng 6 có xu hướng tăng mạnh. 
Trước thực trạng này, một lần nữa đặt ra vấn đề về xử lý nợ xấu trong tương lai. Giai đoạn trước, khi để xử lý khối nợ xấu đã có nhiều giải pháp được đưa ra, như thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), đặc biệt là Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Giai đoạn này, để ứng phó với việc nợ tái cơ cấu có thể chuyển thành nợ xấu, các NH cũng phải tiếp tục trích lập dự phòng. Như quy định tại Thông tư 03, tỷ lệ trích lập cho các khoản được cơ cấu thời hạn trả nợ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung vào cuối năm 2021, tăng lên tối thiểu 60% và 100% vào cuối 2022 và 2023. 
Tuy nhiên, hậu trích lập các NH phải xử lý khối tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn. Để xử lý vấn đề này, từ đầu năm nhiều chuyên gia đã đề xuất luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội, thay vì chỉ gia hạn khi thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 kết thúc vào năm tới.
Trong đó có một số vấn đề cần tập trung, như quy định về quyền thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo để NH sớm thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu, tránh nguy cơ tiềm ẩn cho NH và nền kinh tế; đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để sàn giao dịch mua bán nợ xấu vận hành thông suốt. 
Mới đây NHNN đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN thay thế Thông tư 02 về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các TCTD. NHNN cũng đang lấy ý kiến với đề nghị xây dựng luật về xử lý nợ xấu của TCTD trong bối cảnh cơ chế xử lý nợ theo Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực.
Song song đó, việc sửa đổi bổ sung Thông tư 01 và 03 về cơ cấu nợ cũng đang được xem xét. Động thái này cho thấy NHNN đang tìm cách hỗ trợ DN và NH. 

Các tin khác