Đáng chú ý, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới cũng như trong nước đã hạ nhiệt từ hơn 1 tháng qua. Theo đó, giá bắp trên thế giới giảm hơn 20% so với "đỉnh" hồi tháng 5-2022; giá mì thế giới cũng giảm mạnh về tương đương mức giá đầu năm 2022; giá cám gạo trong nước sau khi tăng mạnh lên hơn 10.000 đồng/kg đã quay đầu giảm còn khoảng 8.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi trong nước đến thời điểm này vẫn không "chịu" hạ nhiệt theo đà giảm giá nguyên liệu. Trong khi đó, giá heo hơi bán ra chỉ khoảng 60.000-62.000 đồng/kg nên nông dân vẫn chưa có lãi.
"Do giá thức ăn quá cao nên giá thành chăn nuôi heo lên đến 60.000 đồng/kg, tính ra người chăn nuôi không được lời đồng nào. Khi nghe thông tin giá nguyên liệu giảm, ai cũng mừng và chờ giá thức ăn chăn nuôi giảm nhưng thực tế là chỉ thấy tăng" - ông Trần Quang Thanh, chủ trại chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai, than thở.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho biết tuy giá một số nguyên liệu như cám gạo, bã đậu nành đã giảm vài ngàn đồng/kg nhưng chưa thể giúp nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm giá sản phẩm.
Bởi trước đó, giá nguyên liệu đồng loạt tăng cao trong khi nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ tăng giá sản phẩm ở mức thấp hơn đà tăng giá của đầu vào nên bị lỗ. "Giá nguyên liệu giảm cũng chỉ giúp nhà máy hòa vốn hoặc lãi chút ít" - ông Thiện cho hay.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, mới chỉ có một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm giá, còn trong rổ thức ăn chăn nuôi có đến hàng chục sản phẩm. Chưa kể, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện còn tồn kho nguồn nguyên liệu giá cao đã nhập từ trước đó, đủ sản xuất đến cuối năm. Bởi vậy, giá thành sản xuất trong vài tháng tới vẫn sẽ cao và cần độ trễ vài tháng để giảm giá sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nêu quy luật giá thức ăn chăn nuôi khi đã tăng thì khó giảm xuống. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Ngọc, có thể học hỏi kinh nghiệm của quốc tế nhằm xây dựng nguồn cung ổn định, giá cả hợp lý. Chẳng hạn, ở Thái Lan, các nhà máy giết mổ liên kết với người chăn nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các bên cam kết bảo đảm về số lượng thu mua, giá cả cố định cả năm.
"Muốn làm được, cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, có chế tài cụ thể để ràng buộc trách nhiệm giữa các nhà máy giết mổ, nhà máy thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi. Chỉ khi chuỗi liên kết này hoạt động tốt mới tạo ra được nguồn cung và giá cả ổn định" - ông Ngọc góp ý.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ rõ ngành chăn nuôi còn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chỉ riêng năm 2021, cả nước đã nhập trên 19 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Do đó, ngành chăn nuôi cần hợp tác, phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, tổ chức sản xuất đến giết mổ, chế biến, phân phối. Trong đó, cần chú trọng công nghệ, đổi mới quy trình, tối ưu hóa tài nguyên nhằm giảm chi phí; phát triển trên cơ sở cân đối cung - cầu.