Lãi suất diễn biến “lạ”
Tín dụng tăng chậm khiến nhiều người cho rằng, NH đang “ế” vốn. Thực tế không hẳn vậy. “Thông thường, khi thanh khoản dư thừa, các NH ồ ạt đẩy lên thị trường liên NH, lãi suất cho vay qua đêm chỉ khoảng 2-2,5%/năm. Hiện tại, lãi vay trên thị trường liên NH vẫn gần 3,3%/năm, chứng tỏ thanh khoản không quá dư thừa”, tổng giám đốc một NHTMCP cho biết.
Theo các NHTM, thị trường đang có một số dấu hiệu “lạ”, chứng tỏ NH không quá thừa tiền. Cụ thể, lãi suất liên NH không hạ sâu. Trên thị trường liên NH, các giao dịch tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm, chứng tỏ các NH đang bị “hụt” nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Ngoài ra, lãi suất cho vay giảm mạnh, nhưng lãi suất huy động lại giảm rất chậm, thậm chí từ đầu tháng 4/2020, một số NH còn tăng lãi suất huy động 0,2%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cuối tháng 3/2020, tín dụng tăng gần 0,7% (cùng kỳ tăng 1,9%), song huy động vốn tăng chậm hơn, chỉ khoảng 0,5% (cùng kỳ tăng 2,2%). Huy động vốn tăng chậm hơn cả tín dụng là điều khá bất ngờ.
Huy động vốn tăng chậm không phải do tiền chảy qua các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản… mà do người dân gia tăng tâm lý phòng thủ. Hơn nữa, dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay khiến thu nhập và doanh thu của cá nhân, doanh nghiệp sụt giảm, buộc họ phải rút tiền tiết kiệm để chi tiêu.
Tuần qua, khi một số NH nâng nhẹ lãi suất tiền gửi, NHNN đã ngay lập tức bơm tiền ra qua thị trường mở OMO để hỗ trợ, 4 NH quốc doanh cũng tiên phong hạ lãi suất huy động để định hướng thị trường.
Mặc dù vậy, với tình trạng huy động vốn dân cư tăng chậm như hiện nay, liệu NH có đủ “lực” để kéo tiếp mặt bằng lãi suất giảm xuống, nhằm hỗ trợ nền kinh tế?
“Bóng lãi suất” vẫn trong chân NHNN
Dù một số người dân, doanh nghiệp phải rút tiền tiết kiệm để trang trải trong mùa dịch, song theo các chuyên gia, hiện tượng này không phổ biến và không phải do lãi suất thấp. Việc NHNN bơm tiền dè dặt qua kênh OMO cho thấy, cơ quan điều hành nhận định, thị trường vẫn vận động bình thường.
Thực tế, nhiều NH thời gian qua có tăng nhẹ lãi suất, nhưng tập trung ở NH nhỏ, đang tái cơ cấu. Các NH tầm trung tăng lãi suất tiền gửi trực tuyến, nhưng mức tăng cũng không lớn.
Các chuyên gia phân tích đều nhận định, xu hướng lãi suất huy động thời gian tới không thể tăng mà chỉ có giảm xuống. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng, nếu diễn biến dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, tín dụng giảm, lãi suất huy động sẽ còn giảm nhẹ để NH có điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi vay cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia NH, cho rằng: “Lãi suất huy động sẽ giảm, mức giảm phụ thuộc vào lạm phát và cầu tín dụng. Nếu lạm phát ở mức 3-4% trong năm nay, cầu tín dụng thấp, lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,5% từ nay đến cuối năm”.
Trong điều kiện các NHTM không quá dư giả vốn, việc giảm thêm lãi suất huy động đòi hỏi trợ lực của NHNN. Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, với mức cắt giảm lãi suất điều hành tháng 3/2020, NHNN còn để lại dư địa để có thể tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất, nếu cần. Song mức cắt giảm sẽ không lớn vì lạm phát đang khá cao.
Dư địa giảm thêm lãi suất huy động là có, song mức giảm chỉ khoảng 0,25% trong năm nay. Để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, cùng với chính sách tiền tệ, cần triển khai nhanh các chính sách tài khóa.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính)
Phân tích 6 công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nhiều chuyên gia tin rằng, NHNN còn nhiều dư địa để giúp nhà băng giảm thêm lãi suất đầu vào. Thí dụ, NHNN có thể hạ một loạt lãi suất điều hành (tái cấp vốn, tái chiết khẩu), có thể bơm vốn qua thị trường OMO, tăng hạn mức tin dụng, thậm chí sử dụng dự trữ bắt buộc. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, NHNN chưa phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá, đây cũng là dư địa để nhà điều hành vừa ổn định tỷ giá, vừa hạ mặt bằng lãi suất.
Trước đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), khẳng định NHNN giảm các lãi suất điều hành thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp vốn.
Trong bối cảnh hiện nay, người gửi tiền cũng phải hy sinh một phần lợi ích để hỗ trợ nền kinh tế. Về phía NHTM, việc giảm lãi suất huy động không chỉ là tiền để cứu doanh nghiệp, còn là bài học sống còn để cứu mình. Khi các kênh đầu tư đều rủi ro, khó có chuyện tiền gửi sẽ chảy sang kênh khác, nếu lãi suất huy động giảm nhẹ.