Xăng dầu liên tục tăng giá, doanh nghiệp vận tải chật vật xoay xở
Từ 15h ngày 11/2, xăng E5 RON92 tăng 976 đồng, giá trần là 24.571 đồng/lít; xăng RON95-III là 25.322 đồng/lít (tăng 962 đồng). Ngoài ra, dầu diesel 0.05S có giá trần là 19.865 đồng/lít (tăng 962 đồng). Mức tăng này đã vượt đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 7/2013 với xăng RON95-III là gần 1.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải khách và nhiều đơn vị vẫn đang nghe ngóng, tính toán để chiều chỉnh cơ cấu giá thành vận tải. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá cho biết đã hết sức chịu đựng và buộc tăng giá cước vận tải mới có thể duy trì hoạt động.
Đối với hoạt động vận tải hành khách, ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc.
Trong khi đó, xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Ông Hùng dự báo, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.
"Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất. Nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng khi tăng giá cước lại ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Điều này sẽ khiến khách sụt giảm mạnh hơn", ông Hùng nói.
Là đơn vị chạy tuyến cố định, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho rằng, số xe của đơn vị mới hoạt động được 30% lượng phương tiện dù hoạt động du lịch, đi lại đang từng bước khôi phục.
“Giá nhiên liệu tăng liên tục càng làm đơn vị vận tải khó khăn hơn. Nếu doanh nghiệp vận tải tăng giá là không chia sẻ với người dân, không phù hợp với tình hình hiện tại, trong khi giá nhiên liệu không ngừng leo thang", ông Bằng nói.
Tương tự, ông Đỗ Văn Hùng - nhà xe Việt Anh chạy tuyến Lai Châu – Thái Bình cho biết, giá xăng dầu tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn thêm chồng chất. Lượng khách hiện chưa nhiều, nhưng để bù chi phí doanh nghiệp đang phải tính đến phương án tăng giá vé.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, lượng khách sụt giảm nhiều, có chuyến vài 3 khách nên doanh thu vẫn đang phải bù lỗ. Doanh nghiệp đang “tiến thoái lưỡng nan” chưa biết chọn đường nào để tồn tại. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ phải tăng giá vé để bù chi phí”, ông Hùng bày tỏ lo lắng.
Tương tự, đối với vận tải hàng hóa đường bộ, ông Nguyễn Đức Chính - Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đức Chính cho biết, hiện một số tuyến của doanh nghiệp đã phải thông báo tăng giá cước.
"Với hàng hóa đi đường dài liên tỉnh, ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu rất lớn. Còn các chuyến trong nội thành 20-30 km thì không đáng kể. Với việc vận tải vẫn đang chịu hậu quả của dịch COVID-19 chưa phục hồi, thêm cú bồi tăng giá xăng dầu nữa thì sẽ rất khó khăn. Công ty cũng tính toán để điều chỉnh mức tăng phù hợp.…", ông Chính chia sẻ.
Cân nhắc mần miễn, giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô Việt Nam, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước để cân đối thu chi.
“Khi mặt bằng giá cước mới sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này", ông Quyền nhìn nhận.
Đưa ra con số mức thu loại thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng/lít, ông Quyền kiến nghị Nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm loại thuế này, qua đó sẽ giảm được giá loại nhiên liệu. Đây là giải pháp cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, trên thị trường hiện nay đang có 2 loại xăng cụ thể: Xăng E5 Ron 92 là xăng sinh học và xăng Ron A95 (xăng khoáng). Nhà nước đang khuyến khích người dân sử dụng xăng E5 thì phải có biên độ giá chênh lệch cao để người dân lựa chọn.
"Bản thân xăng E5 là xăng sinh học, bảo vệ môi trường, vậy tại sao lại thu thuế bảo vệ môi trường loại xăng này. Chính vì thế cần phải miễn hoặc tạm dừng việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xăng E5, như vậy mới có thể ổn định được giá cước vận tải", Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất.
Đặc biệt, hiện nay bản thân ngành vận tải nhiều tỉnh vẫn đang dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng...trong khi đó Nghị quyết 128 đã chỉ đạo là cần thích ứng với dịch bệnh, chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Ông Hùng đề nghị Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho các doanh nghiệp vận tải.
"Nhà nước đã ban hành nhiều gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, lao động thì Liên Bộ Công Thương - Tài Chính cũng phải vào cuộc tích cực, như vậy mới mong phục hồi được sản xuất, kinh tế. Các Bộ ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh", ông Hùng nói.
Trước sức ép từ dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao, được biết các đơn vị vận tải đã áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng xe tải đời mới nhằm tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát các chi phí.
Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp vận tải, logistics phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ.