Với công suất 100.000 xe/năm, Thaco Mazda được xem là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda có quy mô lớn nhất, cho thấy doanh nghiệp trong nước đang thể hiện quyết tâm viết lại giấc mơ về những chiếc ô tô do chính người Việt sản xuất.
Thai nghén từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng 20 năm qua dáng dấp của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thành hình. Và dù đã có 2 bản chiến lược và quy hoạch phát triển, cũng như sau hàng loạt chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức sơ khai. Doanh nghiệp phải bán nhà, bán xưởng để trả nợ, Bộ Công Thương thẳng thắn nhận thất bại.
Với quyết tâm không thể để ngành công nghiệp ô tô chưa lớn đã chết yểu, trước khi thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN về bằng 0%, Chính phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy, chính sách thuế nhằm đảm bảo sự công bằng giữa ô tô nhập khẩu nguyên chiếc và sản xuất lắp ráp trong nước. Một trong những chính sách có tác động lớn, định hướng sự phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới, là việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.
Tiếp đến vào tháng 11-2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Nghị định đã thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu, đồng thời hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 125, trong đó ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0% trong 5 năm (2018-2022) đi kèm một số điều kiện về sản lượng, sản phẩm. Đây được cho là giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước khi thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN về 0%. Ngoài khung pháp lý, nhiều cơ chế khuyến khích khác cũng đang được áp dụng để vực dậy sản xuất trong nước.
Những bước đi đột phá về cơ chế, chính sách trên đã thổi luồng gió mới, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Đó là việc Thaco đã mạnh dạn định hướng trở thành tập đoàn đa ngành của Việt Nam mang tầm khu vực, trong đó sản xuất kinh doanh ô tô là chủ lực. Sau nhiều năm phát triển chuẩn bị nguồn lực, Thaco đang tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các nhà máy lắp ráp sản xuất ô tô, xe tải, xe bus, xe chuyên dụng theo hướng tự động hóa, tổ chức sản xuất theo tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0, đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, phấn đấu chiếm 30-45% thị phần trong nước và hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN.
Kế đến Tập đoàn Thành Công, đầu năm 2017 đã ký với Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc mở rộng sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Nhà máy này được đặt tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình), công suất 40.000 chiếc sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm nay. Tham vọng của Thành Công khi đầu tư, mở rộng sản xuất không chỉ để phục vụ các sản phẩm trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Sự kiện đang gây đình đám nhất trong lĩnh vực công nghiệp ô tô phải kể đến việc cuối năm ngoái, Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD, đồng thời tuyên bố sẽ làm ra ô tô thương hiệu Việt.
Theo đó, trong vòng 12 tháng sẽ đưa ra thị trường xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô. VinFast - thương hiệu xe của Vingroup - sẽ ra đời dòng xe Sedan và SUV. Xe mẫu của 2 dòng xe này sẽ được trình làng tại triển lãm ô tô Paris vào tháng 10 tới. Đó là những mẫu xe có kiểu dáng đẹp và thiết kế mạnh mẽ với biểu tượng chữ “V” gắn trên lưới tản nhiệt. Vingroup cũng đang tạo nên dấu ấn đặc biệt, khi chiêu mộ những chuyên gia cấp cao, tầm cỡ quốc tế về làm quản lý, tổ chức bình chọn xe cho người Việt…, khiến nhiều người tin tưởng chiếc ô tô nội địa ra đời là khả thi. Thắp lên khát vọng công nghiệp ô tô sẽ trở thành một ngành công nghiệp sản xuất tạo sức bật cho nền kinh tế.