PHÓNG VIÊN: DN trong nước có quy mô vừa và nhỏ được xác định là đối tượng chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng như hiện nay. Để tồn tại, họ phải chuyển đổi sản xuất nhằm tăng khả năng cạnh tranh, nhưng cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ rất thấp. Vậy giải pháp nào để tháo gỡ?
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: - Có đến 90% DN sản xuất trong nước là DN vừa và nhỏ. Họ không chỉ thiếu vốn đầu tư mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất, kinh nghiệm quản trị và công nghệ sản xuất hiện đại. Trong thời gian qua, Chính phủ nói chung và TPHCM nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để gỡ khó cho DN. Đơn cử, thành phố xúc tiến thành lập khu công nghiệp mới với diện tích, giá cho thuê đa dạng, phù hợp với quy mô sản xuất từng DN. Riêng với những DN nằm trong lĩnh vực ưu tiên phát triển, ngành sản xuất chủ lực, thành phố còn có thêm nhiều chính sách ưu đãi khác.
Về việc tiếp cận, từng bước hoàn thiện công nghệ sản xuất tiệm cận với tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối, thành phố cũng đã làm rất hiệu quả khi liên kết để trực tiếp hỗ trợ DN cải tiến hoặc đầu tư mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn này. Riêng việc hỗ trợ vốn vay cho DN, khác với cách làm trước đây là thụ động, chờ các DN có nhu cầu tìm đến để vay, thì đơn vị sẽ chủ động đến từng DN, khảo sát nắm bắt nhu cầu thực tế, từ đó, hoàn thiện nhanh thủ tục giải ngân vốn vay. Trường hợp DN có nhu cầu hợp tác, công ty sẵn sàng cùng xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển, khai thác tiềm năng thị trường và chia sẻ lợi ích trên cơ sở hai bên cùng đạt được mục tiêu đề ra.
Sản xuất sản phẩm nhựa là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố được ưu tiên vốn vay. Ảnh: Cao Thăng
- Nhiều ý kiến DN cho rằng, khó khăn lớn nhất để có thể tiếp cận nguồn vốn vay là tài sản thế chấp. Vậy với những trường hợp không đáp ứng yêu cầu này thì cơ hội được vay vốn sẽ như thế nào?
- Đây là vấn đề không mới và chúng tôi cơ bản đã tính toán đến trường hợp này. Ngay từ đầu, tôi đã nhấn mạnh đến cách làm mới của công ty là chủ động tìm hiểu, tiếp cận công ty để xây dựng giải pháp và mức vốn hỗ trợ phù hợp. Việc chủ động này bao gồm giúp các DN xây dựng kế hoạch sản xuất, chiến lược phát triển thị phần. Chúng tôi cũng sẽ đánh giá mức độ khả thi, tiềm năng phát triển cũng như mức độ rủi ro trong chiến lược phát triển của DN. Từ đó có giải pháp cho vay vốn, sử dụng nguồn vốn vay hoặc cơ chế hợp tác sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn vốn vay mà không cần có tài sản thế chấp.
- DN vay vốn của công ty có ưu đãi nào khác hơn so với những vay vốn từ quỹ tài chính nước ngoài hoặc từ hệ thống ngân hàng?
- Tùy theo loại ngành nghề sản xuất của DN mà mức độ ưu tiên hỗ trợ vay, mức lãi suất vay, thời gian vay cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, phải thấy rằng những nhóm dự án thuộc các lĩnh vực như đầu tư trang thiết bị, hạ tầng phục vụ cho hoạt động giáo dục, khu lưu trú sinh viên; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế (xây dựng bệnh viên, trung tâm y tế, trang thiết bị y tế…); thiết chế văn hóa (trung tâm văn hóa phục vụ cộng đồng…) sẽ được nằm trong nhóm ưu tiên cho vay.
Cùng với đó, đơn vị cũng sẽ tập trung ưu tiên đẩy mạnh vốn vay cho những ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố như: điện - điện tử, dệt may - da giày, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến - chế tạo. Trên thực tế, hiện thành phố có hơn 21.800 cơ sở sản xuất thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, chiếm 39,6% trong tổng số cơ sở ngành công nghiệp của toàn thành phố. Bốn ngành này đóng góp 9,86% GRDP thành phố và có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân 9,22%/năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế thành phố (8,32%/năm). Do vậy, sự tập trung vốn vay cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu này sẽ góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và góp phần vào chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế thành phố.
- Số lượng DN có nhu cầu vay vốn rất nhiều, trong khi nguồn quỹ vốn cho vay lại có hạn. Vậy ông sẽ làm gì để giải quyết hạn chế nguồn vốn cho vay?
- Đúng là nếu chỉ dựa vào nguồn nội lực vốn của đơn vị thì sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu vay của DN. Do đó, đơn vị đã chủ động làm việc với các quỹ đầu tư tài chính trong và ngoài nước để gia tăng nguồn lực vốn cho vay, từ đó tăng cơ hội tái đầu tư, mở rộng sản xuất, từng bước gia tăng khả năng cạnh tranh của DN trong nước. Vấn đề quan trọng là DN cần có những dự án, mục đích vay và kế hoạch sản xuất minh bạch, khả thi là hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn vay.
- Liệu thủ tục hành chính có tiếp tục là rào cản để DN tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn?
- Tôi hoàn toàn khẳng định là không. Nhằm dỡ bỏ rào cản thủ tục hành chính cho DN có nhu cầu vay vốn, công ty thành lập phòng dự án. Chuyên viên phòng này ngoài việc hỗ trợ thuận lợi và nhanh nhất hồ sơ thủ tục hành chính để giải ngân nguồn vốn vay cho DN có nhu cầu tìm đến, họ còn phải chủ động tìm kiếm những DN đang sản xuất để cùng xây dựng giải pháp mở rộng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh lại, năm 2020 quan điểm hỗ trợ vốn cho DN cũng như cách thức triển khai sẽ được thay đổi. Thành phố muốn phát triển cần có những DN “khỏe mạnh”. Và muốn có DN “khỏe mạnh” cần phải có chính sách vốn đầu tư kịp thời, kết hợp với chiến lược đầu tư táo bạo và định hướng bền vững. Do vậy, việc chủ động tìm đến DN có nhu cầu, cùng DN xây dựng chiến lược sử dụng vốn vay để phát triển là giải pháp rất cần thiết, quan trọng và sẽ được triển khai mạnh mẽ.