Nan giải chi phí sản xuất tăng
Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã thực hiện khảo sát các DN để có đánh giá nhanh về giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, phát triển kinh tế tại TPHCM. Qua đó, chúng tôi cũng kịp thời phản ánh các vấn đề cơ bản, cấp bách từ thực tiễn và phản hồi chính sách một cách cụ thể.
Nhằm đánh giá tiêu chuẩn an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, TPHCM đã ban hành bộ tiêu chí gồm 10 nhóm. Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Đây là những việc làm cần thiết để DN phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, nhiều DN đánh giá thực tế, nhiều tiêu chí có tính khả thi thấp.
Cụ thể là các vấn đề: xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi vào làm việc; mật độ 4m2/người lao động (NLĐ) và khoảng cách 2m/NLĐ tại nơi làm việc; có hợp đồng với đơn vị y tế hoặc nhân lực y tế chuyên trách hay mô hình “3 tại chỗ”; kiểm soát lưu thông và nơi lưu trú của NLĐ... Các yêu cầu trên đã làm tăng chi phí sản xuất quá mức hoặc yêu cầu khó đáp ứng trên thực tế; đồng thời phản ảnh cách tiếp cận an toàn nhưng ít chú trọng đến hiệu quả sản xuất và các điều kiện thực tế của DN khi áp dụng bộ tiêu chí.
Về hiệu quả của chính sách hỗ trợ DN, đa số DN cho rằng, các hỗ trợ về sinh phẩm và quản lý dịch bệnh như nhập khẩu vaccine Covid-19, thiết bị xét nghiệm, tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh và nhóm hỗ trợ chuỗi cung ứng thì chưa đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, hầu hết DN tại TPHCM bị tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng chỉ có gần 17% số DN được khảo sát đã nhận được hỗ trợ về tài chính. Hơn nữa, các hỗ trợ trên hầu hết chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi DN rất cần các khoản vay mới để đầu tư trong giai đoạn phục hồi, phát triển.
Nhìn chung, khó khăn của DN trải rộng từ phòng chống dịch đến các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, nguyên liệu, chuỗi cung ứng đến các điều kiện tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ. Vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với DN là chi phí sản xuất tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trở ngại trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động…
Giúp người lao động an cư
Đại dịch Covid-19 là tình thế đặc biệt phải đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi việc cải thiện năng lực phối hợp, quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cần được đặc biệt quan tâm, nhằm thích ứng an toàn với Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, chính quyền các cấp cần đứng ở góc độ của DN, xem DN là một đối tác đầy đủ. Trên cơ sở tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao ở TPHCM hiện nay và để đảm bảo mục tiêu kép, bộ tiêu chí an toàn cần điều chỉnh mạnh theo hướng “an toàn và hiệu quả, phù hợp với thực tế”. Bởi hơn ai hết, DN sẽ chịu trách nhiệm đầu tiên và gánh hậu quả trực tiếp nhất về các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những khó khăn bức bách của NLĐ trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 và các đợt di cư để phòng chống dịch cũng đã bộc lộ những bất cập trong chính sách an sinh xã hội cùng tâm lý bất an của NLĐ. Thực tế này cho thấy cần xây dựng các chính sách an sinh xã hội căn cơ và lâu dài hơn là các gói hỗ trợ ngắn hạn đối với NLĐ. Bên cạnh việc giữ chân NLĐ bằng phúc lợi và duy trì mối quan hệ bền chặt, để thu hút NLĐ quay lại làm việc, chính quyền và DN cần phối hợp tổ chức đón NLĐ trở lại làm việc.
Trong các hành động thu hút NLĐ di cư quay lại làm việc cũng cần hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19, xét nghiệm, hỗ trợ nhà trọ cho NLĐ và quan tâm tới nhà trẻ, trường học cho con em NLĐ. Đặc biệt là quyết liệt cải thiện điều kiện sống của NLĐ, trong đó nhà ở xã hội là yếu tố quan trọng nhất để họ an cư. Đây là vấn đề trước hết thuộc về các cơ quan nhà nước, song cần huy động sự tham gia của các DN mạnh và khu vực tư nhân để tăng diện tích nhà ở đồng thời cải thiện chất lượng các khu vực hiện hữu.
Hiện tượng “cát cứ” ở một số địa phương, sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và hàng hóa vừa qua cũng đặt ra yêu cầu liên kết vùng thông qua đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; kết nối giao thông để tái phân bố lực lượng lao động hiệu quả hơn.
Kinh tế TPHCM nói chung và các DN nói riêng đang phải đối mặt với nhu cầu rất lớn về vốn đầu tư trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều DN không còn tài sản để tiếp tục thế chấp cho khoản vay mới. |