Trong dự thảo, Bộ này đề xuất các hộ kinh doanh lớn phải kê khai thuế chứ không thực hiện thuế khoán như trước đây. Trên thực tế, việc này khó thực hiện vì nhiều hộ kinh doanh lớn muốn tiếp tục hưởng thuế khoán, không tự giác kê khai doanh thu đúng.
Hộ kinh doanh ngại kê khai thuế vì sợ thủ tục phức tạp
TPHCM có hơn 228.000 hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Năm 2020, nguồn thu này của thành phố là trên 2,65 tỷ đồng. Trong đó, hộ nộp thuế thấp nhấp 540.000 đồng/năm, cao nhất trên 2,2 tỷ đồng/năm. Theo Dự thảo của thông tư này, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản công nghiệp, xây dựng mỗi năm có doanh thu từ 3 tỉ đồng trở lên và hộ kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu từ 10 tỉ đồng/năm trở lên phải thực hiện chế độ kê khai thuế, không thực hiện thuế khoán như trước đây.
Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu thực hiện theo dự thảo này thì TPHCM sẽ tăng nguồn thu rất nhiều từ hộ kinh doanh so với trước đây. Vì TP có nhiều hộ kinh doanh có doanh thu mỗi năm doanh thu từ vài tỷ đến hơn chục tỷ đồng, nhưng vẫn thực hiện thuế khoán.
Ông Phạm Trí Dũng, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM cho rằng, nếu thực hiện chế độ kê khai thuế đối với hộ kinh doanh lớn thì nguồn thu này sẽ tốt. “Quan trọng là phải có tuyên tuyên truyền và chế tài cụ thể hơn. Ngành thuế nên có khảo sát lại một số ngành nghề vì một số hộ kinh doanh cho rằng, mức thuế suất một số ngành nghề còn hơi cao, nếu xác lập mức thuế phù hợp hơn thì hộ kinh doanh sẽ kê khai sẽ thuận lợi hơn, kê khai doanh thu sát thì nguồn thu thuế sẽ tập trung nhiều hơn”, ông Dũng nhận định.
Việc thực hiện chế độ kê khai thuế đối với hộ kinh doanh lớn không chỉ đảm bảo công bằng trong kinh doanh, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn hạn chế tình trạng các hộ kinh doanh mua bán hóa đơn tiếp tay cho việc trốn thuế. Ở TPHCM, hộ kinh lớn có khả năng thuộc diện kê khai thuế tập trung ở những hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, chuỗi quán ăn, karaoke, vũ trường… và các hộ kinh doanh các lĩnh vực nông, thủy hải sản ở các chợ đầu mối. Trước đây, các cơ quan chức năng của thành phố cũng nhắm tới những hộ này yêu cầu kê khai thuế nhưng chưa thực hiện được.
Năm 2017, thực hiện chủ trương chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, thành phố cũng đã thành lập đoàn vận động trực tiếp gặp gỡ các hộ kinh doanh lớn nhưng rất ít hộ muốn lên doanh nghiệp. Cụ thể, tại Quận 10, đoàn vận động chỉ được 5 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nhưng giờ cũng rơi rụng dần. Còn ở Chợ Đầu mối Bình Điền, Quận 8 thì đoàn không vận động được hộ nào.
Một hộ kinh doanh chuỗi 7 quán ăn tại Quận 1, Quận 3, quận Bình Thạnh, mỗi quán có vài chục bàn ăn, buổi tối thường đông nghẹt khách, doanh thu không nhỏ. Nhưng đến nay, hộ kinh doanh này vẫn thực hiện chế độ thuế khoán. Chị Ân, nhân viên làm sổ sách cho hộ này cho biết, do việc chế độ thuế khoán đơn giản nên rất ngại nếu phải chuyển sang chế độ kê khai thuế.
“Nếu sau này có thay đổi thực hiện chế độ kê khai thuế, ngành thuế nên mở khóa hướng dẫn, tập huấn để các hộ tự kê khai cho đúng, vì hiện tại cũng chưa biết cách kê khai và sợ bị phạt””, chị Ân mong muốn.
Cần có lộ trình cho việc chuyển đổi kê khai thuế
Một số hộ kinh doanh cho rằng, không muốn chuyển sang chế độ kê khai thuế vì ngại thủ tục, sổ sách phức tạp…Theo cơ quan thuế, việc kê khai này không quá phức tạp như chế độ số sách của kế toán doanh nghiệp. Hộ kinh doanh chỉ cần kê khai đúng số liệu đầu vào, đầu ra và các chi phí khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Số liệu này thì hộ kinh doanh nào cũng có sổ ghi số thu, chi hàng ngày. Cái khó của hộ kinh doanh là phải có hóa đơn chứng minh đầu vào, nhất là đối với các nhà hàng, chuỗi quán ăn và các tiểu thương kinh doanh ở chợ đầu mối vì nông sản, thực phẩm thường không có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.
Thực tế, nhiều hộ kinh doanh lo ngại, nếu kê khai doanh thu đầy đủ thì có thể mức thuế phải nộp sẽ tăng hơn. Vì vậy, nhiều hộ kinh doanh lớn sẽ cố tình tránh né việc kê khai thuế, khai không đúng doanh thu để “thoát” khỏi diện kê khai thuế. Chính vì vậy, ngành thuế phải có chính sách khuyến khích đủ mạnh, tạo được động lực để hộ kinh doanh lớn tự giác kê khai doanh thu đầy đủ.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ Thuế và kế toán Việt Tín, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thuế TPHCM cho rằng, ngành thuế cần có những chính sách khuyến khích người tiêu dùng khi mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ…phải lấy hóa đơn. Ví dụ như, hóa đơn đó có thể có dãy số quay số trúng thưởng hoặc tích điểm sẽ được một phần thưởng nào đó từ nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, cơ quan thuế yêu cầu các hộ kinh doanh phải có máy in phiếu tính tiền cho khách hàng, phần mềm này phải được kết nối với cơ quan thuế.
“Ngành thuế có thể ưu đãi hoặc miễn, giảm thuế trong giai đoạn đầu để các hộ kinh doanhquen dần lộ trình, quen hình thức để chuyển dần từ hình thức thuế khoán sang thực hiện kê khai thuế để hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh thấy mức thuế mới không ảnh hưởng nhiều, không thay đổi nhiều so với trước đó thì họ sẽ thông hiểu và dần chuyển đổi sang chế độ kê khai thuế”, ông Sơn nêu giải pháp.
Việc thu thuế đúng, đủ không chỉ tránh thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo sự công bằng, minh bạch trong kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển lành mạnh. Để thực hiện được điều này, cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích tốt, đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp cố ý vi phạm.