Chỉ hai tuần sau khi Thành phố Hồ Chí Minh không còn áp dụng giãn cách xã hội, từ ngày 1/10-15/10, 92% lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại khu vực phía Nam đã quy trở lại làm việc. trong 65.000 lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại các tỉnh phía Nam thì chỉ có 1.200 người không giữ được mối liên hệ. Nhờ ổn định được lực lượng lượng nên sản xuất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam phục hồi nhanh chóng.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động là yếu tố sống còn để duy trì và phục hồi sản xuất. Một số doanh nghiệp dù có lực lượng lao động “khủng,” áp lực duy trì sản xuất lớn nhưng đã vượt qua khó khăn nhờ những “bí kíp” chăm lo, quản trị lực lượng lao động tốt.
“Bí kíp” vượt khó trong đại dịch
Tại buổi Tọa đàm về giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch mới được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Từ tháng 3/2020, khi bắt đầu có dịch bệnh ở Việt Nam, chúng tôi đã xác định đối với ngành dệt may chỉ có hai tài sản rất quan trọng cho phát triển bền vững là nguồn lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mất hai tài sản này sẽ rất khó phục hồi và phát triển trở lại khi dịch bệnh qua đi.”
“Ngay từ đầu chính sách chỉ đạo xuyên suốt của tập đoàn và các đơn vị là chăm lo và giữ gìn lực lượng lao động của mình, nhất là người lao động tay nghề cao,” ông Trường nhấn mạnh.
Khi làn sóng dịch thứ tư xảy ra tập trung ở 19 tỉnh phía Nam, các tỉnh này không cho phép tổ chức sản xuất hoặc chỉ tổ chức sản xuất "3 tại chỗ," "1 cung đường 2 điểm đến." Trong tổng số 155.000 lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì có đến 65.000 lao động nằm ở khu vực này. Ở thời điểm cao điểm nhất có tới 56.000 lao động không thể đến làm việc tại doanh nghiệp. Thực tế này đã gây khó khăn rất lớn cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường chia sẻ ngay từ tháng Năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã phân tích, xác định rằng việc thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” đối với ngành dệt may là rất khó, vì một doanh nghiệp may quy mô khoảng 3.000-5.000 lao động nằm trên một khuôn viên đất khoảng 3-5 hecta thì không thể bố trí “3 tại chỗ” được. Thêm vào đó, nếu bố trí mật độ khoảng 20-30% lao động thì cũng không đủ để giải quyết đơn hàng về mặt tiến độ, số lượng.
“Chúng tôi xác định phải sàng lọc và thảo luận với khách hàng ngay. Những khách hàng và đơn hàng ưu tiên thì chỉ duy trì 10-20% lao động làm ‘3 tại chỗ’ và phục vụ trọn gói nhóm này, còn lại những nhóm khác phải chấp nhận rút lui ra khỏi thị trường đó trong thời gian bị đóng cửa,” ông Lê Tiến Trường cho biết.
Nhớ lại những giải pháp đã giúp Tập đoàn Dệt may Việt Nam vượt qua khó khăn trong đợt dịch lần thứ 4, ông Lê Tiến Trường chia sẻ trong bối cảnh sản xuất bị gián đoạn, để bảo đảm giữ được lao động chúng tôi cũng đã triển khai các giải pháp như thành lập các nhóm Zalo đến tận từng khu ở của người lao động.
Ngoài ra, bản thân lực lượng cán bộ cũng phải phân loại lao động để ở thành từng cụm và bố trí từng truyền sản xuất theo tuèn cụm này để nhỡ có một người trong một cụm mắc COVID-19 thì chỉ một dây chuyền đấy phải nghỉ, tránh tình trạng lao động ở cùng một khu trọ nhưng rải ra 20 dây chuyền khác nhau, một người nhiễm COVID-19 thì cả 20 dây chuyền phải đóng cửa.
Cũng là một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất Việt Nam nhưng vẫn duy trì được sản xuất ổn định trong suốt thời gian dịch bệnh, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết trong khoảng thời gian 3 tháng đầu tiên của làn sóng COVID-19 lần thứ 4, Samsung đã tuân thủ theo phương án phòng chống dịch “3 tại chỗ.”
Công ty đã duy trì hoạt động sản xuất không gián đoạn thông qua việc cho nhân viên ở tại ký túc xá trong công ty hoặc trong nội bộ nhà máy, trường học gần công ty… Tất cả 110.000 công nhân viên của Samsung Việt Nam đều tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc 5K, duy trì khoảng cách, công ty đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân viên an tâm làm việc.
Mặt khác, ban lãnh đạo của Samsung cũng thường xuyên thăm các công ty cung ứng để thăm hỏi động viên công nhân viên, cố gắng để cùng các công ty cung ứng vượt qua thời kỳ khó khăn bằng cách chỉ đạo áp dụng thống nhất các biện pháp phòng chống dịch, hỗ trợ một phần kinh phí phòng dịch COVID-19… Nhờ đó, Samsung vẫn có thể duy trì năng suất sản xuất và đạt được tăng trưởng tốt hơn so với năm ngoái.
Giải pháp "giữ chân" lao động
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng các doanh nghiệp cần tập thực hiện các biện pháp nhằm "giữ chân" lao động như: Chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua lập các nhóm trên mạng xã hội, internet với người lao động.
“Các doanh nghiệp nên thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động (trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương), áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để ‘giữ chân’ lao động…” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động, Chính phủ và tổ chức công đoàn đang thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động yên tâm trở lại làm việc.
Các chính sách tập trung vào đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; hướng dẫn người lao động hoàn thiện các giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ; tiếp tục các chính sách hỗ trợ về nhà ở, phòng trọ, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19….
Gần đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu Liên đoàn lao động các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh hỗ tợ lao động quay lại doanh nghiệp làm việc. Đối tượng nhận hỗ trợ là đoàn viên và người lao động đã về quê, có nhu cầu quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Theo đó, tổ chức công đoàn hỗ trợ 50% tiền tổ chức phương tiện vận chuyển (ô tô, tàu hỏa, máy bay) đón người lao động quay lại làm việc, thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/11 đến 31/12.