Từ khi bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương đang tiếp tục tăng tốc, thích ứng với trạng thái “bình thường mới.” Trong đó, nhiều tỉnh thành ghi nhận trên 90% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, khôi phục chuỗi sản xuất.
Chưa thiếu hụt lao động nghiêm trọng
Tại các địa phương phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng còn thận trọng khi tăng quy mô lao động để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Do đó, tình trạng thiếu hụt lao động sau các “làn sóng” hồi hương tránh dịch của người lao động chưa nghiêm trọng.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết do tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 đã dẫn đến có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100% (hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường). Mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân lao động, thường xuyên giữ mối liên hệ với người lao động nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.
Mặc dù sẽ chưa xảy ra thiếu hụt lao động nghiêm trọng do các doanh nghiệp chưa hoạt động sản xuất trở lại 100% nhưng có thể tăng vào thời gian quý 1 và quý 2/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất. Bởi lẽ bắt đầu từ tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự kiến trong năm 2022, số lao động doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho hay đến thời điểm hiện nay, quy mô lao động để hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp từ 80%-90% tổng số lao động. Từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nâng công suất hoạt động bình thường trở lại, dự kiến sẽ thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng bổ sung cho số lao động ở các tỉnh xa chưa quay lại thành phố.
Theo ông Lê Minh Tấn, qua nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; dự báo nhu cầu nhân lực quý 4/2021 cần khoảng 57.000 lao động. Trong đó, nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp gần 30.000 người tập trung các ngành giày da, may mặc: 13.851 người; cơ khí 3.935 người; điện-điện tử 2.248 người; chế biến thực phẩm 2.796 người, bao bì 1.005 người…
“Quý 1/2022 vừa rơi vào thời điểm đón Tết Nguyên đán vừa là thời điểm hằng năm các doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động để bổ sung lực lượng chuyển đổi việc làm hoặc về quê chưa quay trở lại sau Tết. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt nhất, tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực quý 2/2022 cần khoảng 75.000 chỗ làm việc cho việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh,” ông Lê Minh Tấn cho hay.
Nhu cầu lao động tăng mạnh vào năm 2022
Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết cuối tháng 11/2021 có khoảng hơn 1 triệu người lao động trở lại làm việc. Hiện nay, các doanh nghiệp trở lại sản xuất theo phương án phòng, chống dịch (3 xanh, 3 tại chỗ, 3 tại chỗ chuyển sang 3 xanh) và vẫn chưa sử dụng hết số lao động theo công suất của doanh nghiệp
"Các doanh nghiệp đang tập trung liên hệ và sử dụng nguồn lao động trước đây của doanh nghiệp hiện ở Bình Dương hoặc tuyển dụng người lao động đang ở Bình Dương (được tiêm ngừa theo quy định)," ông Phạm Văn Tuyên cho biết.
Ông Phạm Văn Tuyên dự báo tình hình thị trường lao động tỉnh Bình Dương sẽ không có tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong tháng 12/2021 và quý 1/2022; nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh từ quý 2/2022 để đáp ứng yêu cầu sản xuất (trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả).
Còn ở Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai chia sẻ theo thống kê nhanh tại hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện tại các doanh nghiệp cần khoảng 35.000-40.000 lao động để khôi phục hoạt động sản xuất và đáp ứng các đơn hàng, bù đắp lại thời gian hơn 3 tháng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn ở Đồng Nai là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, một số doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn như Công ty CP Taekwang Vina cần 5.000 lao động; Công ty Chang Shin Việt Nam cần 2.000 lao động; Công ty Longwell cần 3.300 lao động; Công ty Friwo Việt Nam cần 500 lao động. Tình trạng khan hiếm lao động (chủ yếu lao động phổ thông) số lượng lớn tại Đồng Nai sẽ tiếp diễn trong quý 4/2021 và quý 1/2022.