Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam đang khiến nhiều doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình thế khó khăn chưa từng thấy từ trước đến nay.
Để tồn tại, duy trì được sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh ưu tiên cao nhất cho phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận lỗ, nhưng để có thể “vượt bão” thành công, có hướng phục hồi sau đại dịch, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía.
Thiệt hại nặng nề
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tác động trực tiếp đến người lao động, các doanh nghiệp trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ, đợt bùng phát của dịch COVID-19 lần thứ tư trong 3 tháng 6, 7 và 8 đã khiến gần 10.000 doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long rút khỏi thị trường, trong khi 6 tháng đầu năm, con số này tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ là 6.000 doanh nghiệp.
Cũng từ tháng 6 đến hết tháng 8 năm nay, gần 90% doanh nghiệp trong khu vực đã tạm ngưng hoạt động. Doanh thu trong quý 2 vừa qua của hầu hết doanh nghiệp đã bị giảm sút 40-50%. Khoảng 50% doanh nghiệp mặc dù đáp ứng được kế hoạch kinh doanh sản xuất, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng ở mức 50% công suất. Việc nuôi trồng nông thủy sản tại các hộ dân, hợp tác xã nông nghiệp cũng gần như “đóng băng.”
Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng nhiều khả năng sau những đợt giãn cách, nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nông thủy sản bị thiếu hụt nghiêm trọng, có thể dẫn đến khủng hoảng về lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông thủy sản của vùng.
Từ góc độ cụ thể của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 12.000ha trồng thanh long, vốn mang lại giá trị kinh tế cao.
Thời gian qua, nhiều nhà vườn đã áp dụng trồng thanh long theo công nghệ mới, tiêu chuẩn sạch, chất lượng cao và đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khá khó tính như Australia, Nhật Bản.
Nhưng dịch COVID-19 kéo dài đang gây khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước áp lực thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng phải chịu nhiều chi phí như vận chuyển khó khăn hay thực hiện test nhanh 3 ngày/lần cho lượng lớn công nhân đóng vai trò nòng cốt đi thu mua thanh long cho nông dân.
Còn theo ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, COVID-19 là một “cú đòn” giáng lên toàn bộ các tỉnh phía Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” và với tình hình dịch như hiện nay, dự báo ít nhất cho đến giữa quý 4 năm nay, các doanh nghiệp vẫn sẽ rất khó khăn.
Cũng theo ông Tâm, khó khăn lớn nhất trong việc lưu thông hàng hóa là do toàn bộ các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, một số địa phương còn có thêm các điều kiện quy định riêng khiến hoạt động vận tải hết sức khó khăn.
Tình trạng dừng hoạt động của ngành vận tải khiến hàng triệu tấn lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long bị ùn ứ, trong khi nhiều tàu hàng nước ngoài lại đang đợi ở phao số 0 để chờ hàng. Nông sản, thủy sản không được vận chuyển kịp thời, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí vận chuyển rất cao, gấp 2-3 lần so với thời điểm bình thường.
Còn với những doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ,” nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất nhằm giữ đơn hàng song cũng có một số doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Hiện nay, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có kế hoạch cụ thể, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp duy trì sản xuất, đặc biệt là từng bước khôi phục, đẩy mạnh sản xuất ngay khi từng địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch về việc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, kế hoạch này gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; giai đoạn 2 là khi tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định (sau giãn cách) và giai đoạn 3 là khi dịch bệnh được kiểm soát, ổn định và bước vào giai đoạn bình thường mới
Tỉnh cũng quy định đối tượng doanh nghiệp, phạm vi hoạt động, quy định áp dụng cụ thể đối với từng giai đoạn và quy định chung để tạo sự thống nhất trong thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Còn tại Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh đã yêu cầu các sở, ngành phối hợp doanh nghiệp xây dựng các phương án sản xuất an toàn, lộ trình mở dần hoạt động doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục dần sản xuất, nhất là ngành hàng thiết yếu.
Với mong muốn được nhận thêm trợ lực để có thể vượt qua được “bão COVID-19,” Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục có các hình thức chỉ đạo thực hiện rốt ráo các chính sách tài chính, tín dụng tốt, tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, song đại diện các doanh nghiệp vẫn mong muốn thời gian tới Nhà nước có các chính sách mạnh mẽ hơn; tiếp tục có các chỉ đạo quyết liệt hơn để đẩy mạnh việc khai thông lưu chuyển hàng hóa, đảm bảo duy trì “mạch máu” kinh tế.
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ kiến nghị một trong những giải pháp quan trọng là các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, nhất là lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm sản xuất được liên tục, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời tạo tâm lý an tâm cho người lao động.
Kiến nghị mở rộng những hỗ trợ
Ở góc độ hiệp hội, mới đây, 14 hiệp hội, ngành hàng Việt Nam; trong đó có các hiệp hội lớn như Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), … đã đồng gửi thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét mở rộng thêm một số nội dung hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Theo đó, kiến nghị sửa đổi Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tại các doanh nghiệp đã và đang thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ,” “1 cung đường 2 điểm đến” và doanh nghiệp ngừng sản xuất theo hướng, nếu doanh nghiệp có trụ sở ở địa điểm không áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng địa điểm kinh doanh, chi nhánh, nhà xưởng ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc ở các khu vực, địa phương mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” để đảm bảo phòng chống dịch của địa phương thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định này.
Hai là kiến nghị được miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8/2021-31/12/2021 cho các doanh nghiệp và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ba là dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn cho doanh nghiệp và người lao động trước mắt đến 30/6 năm sau với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất. Và cuối cùng là cho phép doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp để trả chi phí xét nghiệm cho người lao động và hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.
Với các hỗ trợ này, các hiệp hội hy vọng các doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để trụ vững vượt bão và đảm bảo có được lực lượng lao động phục hồi sản xuất ngay sau khi đại dịch được kiểm soát.