Giải pháp thu hút 'vốn ngoại' chất lượng

(ĐTTCO)-Có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế Việt Nam, trong đó, dẫn đầu về tỉ lệ vốn đầu tư là cộng đồng doanh nghiệp Singapore, kế đến là Nhật Bản và Trung Quốc. Việt Nam còn nhiều tiềm năng-dư địa thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
(Ảnh minh họa: KT)
(Ảnh minh họa: KT)

Các chuyên gia khẳng định “phải khơi thông một số điểm nghẽn, để không chỉ thu hút nhiều hơn, mà vốn FDI chảy vào Việt Nam phải là nguồn chất lượng,hiệu quả, bền vững”.

Từ đầu năm đến ngày 20/4/2023, cả nước có hơn 37 nghìn dự án FDI có hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 446 tỷ USD, vốn thực hiện gần 280 tỷ USD. Các doanh nghiệp tại Singapore đang đầu tư gần 2,2 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn FDI tại Việt Nam; xếp thứ hai là các thương hiệu doanh nghiệp từ Nhật Bản với hơn 22% tỉ lệ vốn đầu tư, tương đương gần 2 tỷ USD; kế đến là Trung Quốc với gần 752 triệu USD, tương đương 8,5%.

Tín hiệu tích cực tiếp tục được gửi đến từ khối doanh nghiệp Châu Âu khi ông Lưu Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) khẳng định, có tới 30% doanh nghiệp Eurocham có dự cảm tích cực về khả năng phát triển tại thị trường Việt Nam, đặc biệt kể từ sau hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1. Và 1/4 số doanh nghiệp Eurocham đang hoạt động tại Trung Quốc thiên hướng dịch chuyển một phần hoặc toàn phần sang Việt Nam.

“Ở Việt Nam, những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang giữ được mức độ khá là tích cực từ những thay đổi tích cực trong khung chính sách của Việt Nam thời gian vừa qua. Đặc biệt là nỗ lực và các cam kết về cải cách, cam kết về đầu tư công trong năm tới… Đấy là động lực khiến cho khối doanh nghiệp châu Âu có phần tự tin hơn trong 2023” - ông Lưu Hải Minh nói.

Đồng tình quan điểm,“lực hấp dẫn mạnh mẽ nhất tới từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”, chuyên gia Trần Toàn Thắng – Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích - chỉ rõ những “điểm nghẽn” cần được khơi thông-cải thiện để Việt Nam tiếp tục hút vốn FDI, cũng là động lực để vốn được hấp thụ hiệu quả.

Lâu nay toàn nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ để thu hút nguồn lực sản xuất kinh doanh và hội nhập chuỗi cung ứng, thì bối cảnh mới đòi hỏi thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, theo ông Trần Toàn Thắng, còn nhiều vấn đề trước mắt, ngắn hạn - phải cải thiện sớm, làm nền tảng cho những chiến lược dài hạn.

“Chúng ta cần nhìn nhận, tư nhân họ đầu tư theo kỳ vọng đầu tư - tức là nó phụ thuộc vào triển vọng kinh tế kể cả bên ngoài và bên trong. Vai trò của Nhà nước là phải gửi được tín hiệu các vấn đề của nền kinh tế ngày càng tốt lên. Thời gian vừa rồi vai trò này đã được Nhà nước làm được - đã gửi được tín hiệu các công trình hạ tầng, kết nối lớn giữa các tỉnh, các vùng kinh tế sẽ được thực hiện. Đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, còn những điểm nghẽn, đó là câu chuyện về vốn tín dụng, về thị trường trái phiếu” - ông Trần Toàn Thắng nói.

Trong bối cảnh phát triển xanh, phát triển bền vững, yêu cầu không chỉ là làm cách nào thu hút vốn FDI nhiều hơn, mà làm cách nào để vốn ngoại “nhập” vào Việt Nam phải thật chất lượng, theo xu thế bền vững toàn cầu?

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhìn nhận: “Muốn nghĩ đến thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút EU, họ hướng nhiều về phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh, chúng ta cần những chính sách cụ thể để thu hút FDI châu Âu vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng cần thu hút đầu tư từ châu Á, bởi vì sau dịch Covid-19, chuỗi cung ứng đã thay đổi rất nhiều và các nước hiện đang hướng đến rút ngắn chuỗi cung ứng, tìm kiếm các chuỗi cung ứng gần hơn”.

“Kinh tế xanh, bền vững” là xu hướng phát triển toàn cầu. Việt Nam là thành viên tích cực trong hầu hết các Hiệp định thương mại lớn, với những chính sách ràng buộc chặt chẽ, hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe. Điều này đòi hỏi không chỉ tư duy quản lý, điều hành, hoạch định chính sách của Việt Nam phải tốt, mà là sự phối hợp mọi khâu đầu-cuối trong chuỗi cung ứng - từ nguyên liệu đầu vào, cách thức sản xuất, cung ứng, phân phối sản phẩm… của mọi thành phần kinh tế phải đảm bảo uy tín thương hiệu tốt nhất – từ Việt Nam.

Đây là những vấn đề quan trọng quyết định Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI tới mức nào, thu hút vốn FDI chất lượng cao nhiều hay ít, ở tất cả các lĩnh vực.

Các tin khác