Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo đà tích cực cho việc mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm truyền thống của làng nghề địa phương. Tuy nhiên, trước yêu cầu về phát triển bền vững, giảm thiểu những tác động về môi trường và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng cũng đặt ra những áp lực cho việc tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Nếu như trước đây, người dân làng nghề truyền thống bún Phú Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) phải sống chung với không khí đặc quánh vì ô nhiễm, đường sá làng nghề nhem nhuốc vì phơi than. Thì nay, nhờ nỗ lực chuyển đổi, thông qua áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường, đã giúp các cơ sở sản xuất tại làng nghề bún Phú Đô không chỉ tăng năng suất, mà còn giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô Nguyễn Văn Họa cho biết trước đây các hộ thường đốt lò bằng than, sản lượng sản xuất ra chỉ đạt 1-2tạ/ngày, nhưng bây giờ sản lượng đã đạt 1,5-2 tấn/ngày, có cơ sở đạt 3 tấn/ngày nhờ thay thế bằng năng lượng điện.
Tương tự nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn, một số doanh nghiệp mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã thu được nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Khi chưa áp dụng sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Hóa chất tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt. Khi thực hiện sản xuất sạch hơn, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh, doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường.
Sản phẩm lồng bàn "màn tuyn" của người dân làng Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đặc biệt phải kể đến làng gốm Bát Tràng, trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.
Đến nay, Bát Tràng đã có gần 1.000 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Đặc biệt, nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia.
Theo bà Hà Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, việc đầu tư công nghệ hiện đại đã giúp hạ giá thành sản phẩm của công ty trên 30%, quan trọng hơn nhờ độ chính xác cao nên tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng đã giảm đáng kể và kiểu dáng của sản phẩm cũng đa dạng hơn.
"Hướng đi này đã giúp sản phẩm của công ty có sức cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ đó tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm," bà Hà Thị Vinh cho hay.
Xu hướng xanh là tất yếu
Hiện nay, kinh tế làng nghề đã đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế là không nhỏ. Hiệu quả từ việc sử dụng nhiên liệu thay thế cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển bền vững làng nghề đã được minh chứng. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi cũng còn nhiều rào cản đối với các cơ sở, như điều kiện mặt bằng sản xuất, trình độ kỹ thuật, nguồn vốn…
Đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, nhiều thiết bị được sử dụng tại các làng nghề là máy móc, trang thiết bị còn đơn giản. Số máy móc hiện đại chỉ tập trung tại một số làng với những ngành nghề như dệt, may, gốm sứ. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu vực làng nghề vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đúng mức.
Các làng nghề đổi mới công nghệ để phát triển bền vững. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án, trong đó, Sở Công Thương Hà Nội triển khai thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng thay thế để giảm chi phí, cải thiện môi trường làng nghề. Nhờ chuyển đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đời sống của người dân nhiều làng nghề đã được nâng lên.
Đề cập giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, cần thiết quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, quy hoạch lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; quy hoạch tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn...
Nội dung quy hoạch cần bao gồm quy hoạch lại không gian sản xuất, quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải; xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường và các cơ sở có đầu tư bảo vệ môi trường hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập quỹ bảo vệ môi trường.
Từ năm 2016 đến nay, Chương trình khuyến công thành phố đã hỗ trợ nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất hầu hết đều phát huy được hiệu quả, do trung tâm đã có sự khảo sát, chọn lựa kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng, những đề án mang tính khả thi, trong đó ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn.Hoạt động này cũng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho hay cùng với đầu tư đổi mới công nghệ thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống cũng là hướng đi bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho các làng nghề truyền thống.
Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường sự kết nối lại để tìm ra được sức mạnh chung trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, thông qua đó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và thị trường.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần trở thành cầu nối giữa các hộ làng nghề trong việc đặt hàng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề cải tiến công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại.