PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến NHNN quyết định giảm trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Có 2 nguyên nhân dẫn đến quyết định giảm lãi suất của NHNN. Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và suy thoái kinh tế, các NHTƯ trên thế giới đang giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như thúc đẩy xuất khẩu, ngay cả Mỹ cũng giảm lãi suất. Với Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng chung hỗ trợ kinh tế và hỗ trợ xuất khẩu.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất nước ta đang quá cao, việc kéo giảm lãi suất được đề cập nhiều năm qua và trong bối cảnh hiện tại càng phải làm mạnh mẽ hơn. Theo đó, vào tháng 9 vừa qua NHNN đã giảm lãi suất điều hành 0,25%. Mới đây, từ ngày 18-11, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm cả trần lãi suất huy động xuống 5%, đồng thời tác động để các NH giảm lãi suất cho vay, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Thứ hai, Việt Nam đang trong bối cảnh thuận lợi là kiểm soát lạm phát tốt, tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan, năm nay có thể vẫn đạt tăng trưởng kinh tế ít nhất 6,8% và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Theo đó, việc hạ lãi suất cũng hợp lý dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô đang ổn định.
Bên cạnh đó, giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn từ 6 tháng trở xuống có thể khách hàng sẽ gửi tiền nhiều hơn ở kỳ hạn dài, giúp NH cân đối nguồn và cho vay trung, dài hạn hỗ trợ nền kinh tế.
- Lãi suất huy động giảm kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất cho vay giảm các khoản vay ngắn hạn cho các lĩnh vực ưu tiên, có đủ sức tác động đến mặt bằng lãi suất nói chung, thưa ông?
- Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất này là cần thiết, nhưng tôi cho rằng điều này tác động đến lãi suất cho vay sẽ không nhiều. Bởi lãi suất ưu đãi NHNN đưa ra chỉ cho những ngành nghề ưu tiên.
Trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện có hơn 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng rất ít doanh nghiệp nằm trong nhóm được ưu đãi. Đối với mặt bằng lãi suất chung, NH nào thanh khoản tốt mới có thể giảm lãi suất huy động, từ đó giảm các mức lãi suất cho vay.
Như vậy, chỉ có thể kỳ vọng điều này diễn ra tại những NH có vốn nhà nước hay NH lớn sớm giảm lãi suất, còn các NH tầm trung và nhỏ vẫn phải chờ. Vì các NH này thường yếu về thanh khoản nên vẫn phải huy động với mức lãi suất cao.
- Theo ông, cần có giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp một cách căn cơ?
Luật các TCTD sửa đổi 2017 đã có chương về phá sản NH, nhưng cho đến thời điểm này Chính phủ cũng như NHNN rất ngần ngại việc áp dụng biện pháp đó. Vì tất cả NH vẫn còn được bảo hộ như vậy nên NHNN phải duy trì cơ chế trần lãi suất. |
Tuy nhiên, để bỏ trần lãi suất phải đi kèm với điều kiện và phải áp dụng Luật Phá sản. Vì khi bỏ trần lãi suất, chắc chắn sẽ có một số NH đẩy lãi suất lên để hút vốn huy động.
Điều này đồng nghĩa với việc đưa ra tín hiệu NH đó yếu kém. Khi NH yếu kém hút vốn huy động vào với lãi suất cao nhưng hoạt động không hiệu quả sẽ bị đào thải, bị đóng cửa, phá sản.
Sau quá trình loại bỏ này, hệ thống sẽ còn lại những NH tốt, uy tín. Và những NH này dù áp dụng lãi suất thấp hơn vẫn hút được tiền gửi vì có sự bảo đảm về tài sản cho khách hàng. Trên cơ sở huy động lãi suất thấp, NH sẽ có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, hiện nay Luật các TCTD sửa đổi 2017 đã có chương về phá sản NH, nhưng cho đến thời điểm này Chính phủ cũng như NHNN rất ngần ngại việc áp dụng biện pháp đó. Vì tất cả NH vẫn còn được bảo hộ như vậy nên NHNN phải duy trì cơ chế trần lãi suất, vì nếu không áp trần các NH sẽ chạy đua lãi suất để hút tiền, trong khi người dân chỉ đến NH có lãi suất cao để gửi, từ đó sẽ đẩy hệ thống NH đi vào trong cơn lốc lãi suất.
Vì thế, muốn giảm lãi suất cho vay trên mặt bằng chung, trước hết các NH cần được hỗ trợ thanh khoản. Tức NHNN phải bơm lượng tiền dồi dào cho các NH để họ không phải chạy đua huy động từ thị trường 1 với lãi suất cao.
Thứ hai, những NH yếu kém phải được giải quyết, bởi những NH này thường đẩy lãi suất lên để cạnh tranh huy động vốn. Thứ ba, giải quyết nợ xấu - nguyên nhân dẫn đến lãi suất cao. Khoản cho vay trở thành nợ xấu trước đó là khoản huy động từ khách hàng.
Nợ xấu không thu hồi được, NH phải nuôi đống tài sản không sinh lời đó, đồng thời phải huy động vốn mới để trả cho vốn huy động cũ đến hạn. Nếu NH xử lý được nợ xấu, bán tài sản thế chấp để tiền trở lại NH, dùng tiền đó trả cho khách hàng, họ có thể giảm được lãi suất.
Nếu các NH đạt được các điều kiện như nợ xấu thấp, bổ sung đủ vốn để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%, người dân sẽ tin tưởng NH, không phải chạy theo lãi suất, chấp nhận lãi suất tiền gửi thấp hơn nhưng tài sản được bảo đảm hơn.
- Xin cảm ơn ông.