Giải quyết vướng mắc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp gỗ

(ĐTTCO) - Ngày 26-5, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Giải quyết vướng mắc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp gỗ

Tuy nhiên, nhiều vướng mắc về lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được giải quyết, khiến các doanh nghiệp gỗ lao đao…

Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, 5 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến sâu đã giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng còn tăng trưởng dương, bao gồm: gỗ dán, ván sợi, ván bóc, dăm gỗ và viên nén gỗ. Lao đao về thị trường xuất khẩu đã đành, ở trong nước các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ cũng đang gặp nhiều khó khăn về vốn bởi hàng nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng chưa được các cơ quan thuế giải quyết dứt điểm.

Ngày 7/6, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, số tiền thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả đến nay là 6.100 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm thuộc ngành hàng dăm gỗ khoảng hơn 4 nghìn tỷ đồng (riêng 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5/2023 là 1.105 tỷ đồng); các doanh nghiệp sản xuất gỗ dán hơn 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng thuộc quyền lợi của các doanh nghiệp viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác. Các doanh nghiệp hết sức khó khăn khi không được hoàn thuế, thiếu vốn để xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng.

Đại diện Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng (Thanh Hóa) cho biết, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế VAT vì thời gian hoàn thuế kéo dài, theo quy định thời gian đối với hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau là 40 ngày nhưng hồ sơ hoàn thuế của công ty bị kéo dài tới hơn 6 tháng mà không nhận được quyết định hoàn hay không hoàn. Nguyên nhân là do có quá nhiều bất cập trong truy xuất, xác minh nguồn gốc gỗ vì theo quy định phải xác minh tới tận hộ trồng rừng.

Trong khi đó, một lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp được mua của nhiều hộ trồng rừng tại rất nhiều địa phương khác nhau. Chính vì lẽ đó, công ty phải rút hồ sơ và tạm thời hoãn nộp hồ sơ hoàn thuế để tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tìm đơn hàng mới.

Đại diện Công ty cổ phần cảng Thái Hưng (Quảng Ninh) cho biết, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc trong chính sách hoàn thuế; đồng thời, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, kiểm tra hoàn thuế dựa trên việc hải quan kiểm tra lô hàng tại kho hàng trước khi xuất, có đúng hàng hóa theo khai báo hay không, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định hay chưa (thuế VAT, thuế xuất khẩu...) và hậu kiểm đối với tiền thanh toán từ nước ngoài. Trường hợp khó kiểm tra thì xin đề nghị bỏ thuế giá trị gia tăng đối với ngành dăm gỗ, còn các thuế của phần dịch vụ, logistics thì cho khấu trừ hoặc hoàn thuế.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm gỗ ở Công ty cổ phần lâm sản Nam Định (Nam Định). Ảnh LÂM THANH

Ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội dăm gỗ Việt Nam nhận định: “Cơ quan thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng cũng có những lý do riêng, tuy nhiên, những lý do này chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp”. Do vậy, theo ông cần căn cứ Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế.

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan thuế đang yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng, do đó, thời gian xác minh rất dài. Chi cục thuế các địa phương cũng không có chức năng, quyền hạn đi xác minh, nên nếu xác minh việc này phải nhờ đến đơn vị thứ ba mà cụ thể ở đây là cơ quan công an. Nên chăng, cần phân biệt rõ ai làm đúng và ai làm sai. Doanh nghiệp làm không đúng thì pháp luật quản lý, giám sát họ. Còn các doanh nghiệp làm đúng thì cần tháo gỡ sớm cho họ; đồng thời, cần có cơ chế chính sách quản lý đúng, chặt chẽ để doanh nghiệp thực hiện. Có như vậy, doanh nghiệp mới phát triển được.

Trước những bức xúc của các doanh nghiệp ngành gỗ, VIFOREST đề nghị Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho doanh nghiệp, bảo đảm tài chính để doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện; xem xét và trả lời các hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại thì cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm thì đề nghị thanh, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

VIFOREST cũng đề nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo và hướng dẫn các cục thuế tỉnh, thành phố và các chi cục thuế cấp huyện tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong thời gian tới; đẩy nhanh tiền kiểm các bộ hồ sơ hoàn thuế đang có lịch hẹn do hiện nay có doanh nghiệp có khoản tiền được hoàn thuế vài chục tới vài trăm tỷ đồng trong khi lãi suất đi vay ngân hàng thương mại rất cao; tăng cường hỗ trợ công tác hoàn thuế bảo đảm thực hiện đúng thời gian quy định theo luật hiện hành.

Các tin khác