Bùng nổ trả nhà thuê
Từ khi dịch xảy ra, nhiều căn nhà mặt tiền ở trung tâm TPHCM bị đóng cửa hoặc trả mặt bằng, đến nay tình trạng này vẫn chưa có chiều hướng dừng lại.
Tuyến đường mua sắm thời trang Nguyễn Trãi từ quận 5 sang quận 1, chỉ tính một đoạn chưa tới 3km đã có hàng loạt nhà mặt tiền dán bảng cho thuê nhà. Tại khu vực quận 5 có 5 căn nhà trả mặt bằng, còn sang quận 1 có khu vực dán bảng trả nhà liên tiếp, như đoạn số nhà 69, có đến 7 mặt bằng đóng cửa, căng băng rôn cho thuê.
Một bảo vệ cửa hàng thực phẩm tại khu vực này cho biết, việc đóng cửa xảy ra từ tháng 3, vì hàng không bán được, trong khi giá thuê quá đắt đỏ; nghe nói một số trường hợp đã cho thuê lại, nhưng không thấy sửa sang để khai trương.
Chủ một tiệm kính mắt trên đường Lê Thánh Tôn, kế bên chợ Bến Thành, than vãn: “Khách hàng chủ yếu là khách du lịch, nhưng hơn 2 tháng nay, không có khách du lịch nên không bán được cái nào”.
Chủ tiệm kính thuê căn nhà này (nguyên căn) đã hơn 30 năm, là bà con với chủ nhà nên giá thuê thấp - 60 triệu đồng/tháng, vừa rồi mặc dù được chủ nhà giảm 30% giá thuê nhưng vẫn sợ sẽ không gồng nổi nếu tình trạng này kéo dài.
Không chỉ ở trung tâm, tình trạng đóng cửa và treo băng rôn cho thuê ở những căn nhà mặt tiền xảy ra khắp nơi trong thành phố. Tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, tính từ quận 1 lên quận Tân Bình có gần 30 căn nhà đóng cửa và dán bảng cho thuê. Tình trạng làm ăn ế ẩm nên buộc phải trả lại mặt bằng xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, từ kinh doanh quần áo, giày dép, trà sữa, bún đậu mắm tôm đến dịch vụ như nha khoa… Hai bên đường Lê Văn Sỹ, đoạn gần ngã tư Đặng Văn Ngữ, “một cụm” 5 căn nhà mặt tiền đồng loạt đóng cửa treo bảng cho thuê.
Trên đường Phan Đăng Lưu, đoạn gần ngã tư Phú Nhuận, nhiều căn nhà cũng rơi vào tình trạng “chờ” chủ thuê mới. Có lẽ con đường lập “kỷ lục trả mặt bằng” ở TPHCM là đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận).
Trên đoạn đường chưa đầy 1km, lúc trước là hàng quán bán buôn tấp nập, nhưng nay có đến 16 căn nhà đóng cửa, tìm khách thuê mới. Những mặt bằng đóng cửa đã từng kinh doanh nhiều dịch vụ, mặt hàng thời thượng như trường dạy Anh văn, karaoke, spa, quán phở, sushi, quán nướng Hàn Quốc, nước ép trái cây, cà phê… Xịch ra vùng ven, con đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) cũng “thoái trào”, với những tấm bảng cho thuê nhà mọc lên chi chít.
Không chỉ nhà mặt tiền cho thuê mà ngay cả thị trường căn hộ cho thuê cũng biến động mạnh. Trước đây, việc mua vài căn chung cư có giá trung bình để cho thuê lấy “tiền chợ” hàng ngày và bảo toàn vốn là trào lưu của những người có thu nhập khá, nhưng khi dịch Covid-19 thổi qua, nguồn thu nhập này cũng sút giảm hẳn.
Chị Thủy, sở hữu một số căn hộ chung cư cho thuê tại khu Nam, cho biết đã bị biến động mạnh trong đợt dịch. Khách hàng đang thuê căn hộ tại chung cư New Saigon (huyện Nhà Bè) đã yêu cầu giảm tiền thuê 30% vì “cửa hàng đóng cửa, đưa con về quê, không buôn bán gì được”.
Một khách khác thuê căn hộ của chị cũng yêu cầu tương tự, vì việc buôn bán ở phố Tây quận 1 bị đóng cửa nên không có thu nhập. “Dịch Covid-19 xảy ra làm ăn khó khăn, nên mình phải thông cảm với khách hàng, giảm giá cho thuê để làm ăn lâu dài”, chị Thủy nhận xét.
Bán nhà chậm
Trước Tết năm ngoái, anh Nguyễn Sinh đã tìm được khách để bán căn nhà hơn 100m2 tại quận Thủ Đức. Hai bên chốt giá trên 3 tỷ đồng, sẽ đặt cọc sau Tết. Tuy nhiên, đến hẹn thì dịch bùng phát, khách hàng lần lữa, rồi đòi hạ giá. Cuối cùng thương vụ đổ bể vì hai bên không đạt được thỏa thuận.
Chị Thảo, chuyên môi giới bán nhà tại các chung cư Hồng Lĩnh, Mia, Nam Sài Gòn, Hoàng Tháp, Him Lam… thuộc khu vực quận 7 và Bình Chánh, cho biết, vừa ra Tết âm lịch, khách hàng nườm nượp đi xem nhà, những căn nhà có diện tích nhỏ, giá trị dưới 2 tỷ đồng giao dịch mạnh; còn hiện nay gần như không có giao dịch, cũng không có khách đi xem nhà.
Trong khi đó, theo khảo sát trực tuyến của trang mạng batdongsan.com.vn, thị trường chung cư thứ cấp TPHCM lại ghi nhận mức giảm giá 5% - 10%. Hiện tượng giảm giá của thị trường thứ cấp sẽ tiếp tục gia tăng, do người mua thật và giới đầu tư không chịu được áp lực từ các kỳ hạn thanh toán trong bối cảnh thu nhập giảm sút vì dịch bệnh.
Mặt bằng lớn giảm giá sâu, có khách thuê Trước thực trạng “nhà chờ khách”, nhiều chủ nhà đã giảm giá nhà cho thuê buôn bán, làm văn phòng, nhưng vẫn không có khách. Lý do, khách hàng không dám thuê vì thuê mặt bằng phải làm ăn lâu dài, trong khi hoạt động xã hội hiện vẫn còn cầm chừng. Ngược lại, đối với các mặt bằng lớn, việc giảm giá sâu lại được đón nhận. Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh công bố giảm 20% - 40% tiền thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại các dự án nhà chung cư như Moonlight Plaza (Thủ Đức), Saigon Mia (Bình Chánh), VungTau Melody (TP Vũng Tàu), đã ký được đơn hàng cho thuê dài lâu. Giá nhà có thể giảm 30%, nhưng có độ trễ Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, trước đây những căn nhà mặt tiền có giá là nhờ vào dịch vụ thương mại phát triển. Nay kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên bị trả mặt bằng, giá cho thuê giảm xuống. Ví dụ, đường Phan Xích Long là một trung tâm mới về thương mại, dịch vụ, ăn uống của quận Phú Nhuận, lại có thêm lợi thế sát bên quận 1. Thời thịnh vượng, giá nhà mặt tiền ở đây 200 - 250 triệu đồng/m2, nếu mua xây nhà cho thuê sẽ có thu nhập từ 50 triệu đồng/tháng. Nay rất nhiều mặt bằng bị trả lại, mất nguồn thu, sẽ kéo theo việc giảm chi tiêu. Thương mại, dịch vụ giảm dẫn tới giá thuê nhà giảm, hậu quả giá nhà sẽ giảm. Tất nhiên, giá nhà không phải giảm ngay mà thường có độ trễ, từ 3 tháng hoặc 6 tháng, có khi một năm. Sỡ dĩ độ trễ kéo dài là vì chủ nhà thường cầm cự một thời gian, đến lúc nào “đuối”, “ngộp” sẽ buông tay. Khi đó sẽ kéo theo mặt bằng giảm giá nhà chung, từ nhà phố cho đến chung cư, dự báo có thể giảm đến 30%. Hà Nội: Gần 50% khách thuê trả lại mặt bằng Theo bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vắng khách thuê của bất động sản bán lẻ mặt phố, đặc biệt tại các khu vực kinh doanh sầm uất của Hà Nội hiện nay là hệ quả của 2 nguyên nhân chính: sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê. Những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, thường được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao. Tuy vậy, dịch Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng. Hơn nữa, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng tới nguồn cung cấp hàng cho các hoạt động kinh doanh tại khu phố trung tâm, khiến cho việc tiếp tục bán là gần như không thể. Hiện, chuỗi cửa hàng phục vụ khách du lịch đang phải tái cấu trúc, chọn ra những cửa hàng có doanh thu tốt và vẫn còn bán được để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh dịch xảy ra, việc mua bán trực tuyến trở nên phổ biến, dự báo tương lai sẽ gây nhiều khó khăn cho các mặt bằng bán lẻ, do với cách buôn bán truyền thống lâu nay, tiền thuê mặt bằng chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Đặc biệt, với sự xuất hiện của những “ông lớn” thương mại điện tử, thời gian tới, dự báo sẽ có sự “đào thải” về giá cả rất lớn trong việc cho thuê mặt bằng. |