Giảm thủ tục rườm rà trong đăng ký tuyến vận tải khách

(ĐTTCO)-Toàn bộ quá trình lựa chọn tuyến vận tải đăng ký khai thác, lựa chọn giờ biểu đồ, nộp và nhận kết quả trên phần mềm trực tuyến dịch vụ công.
Phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định được đưa vào sử dụng từ ngày 1/7. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định được đưa vào sử dụng từ ngày 1/7. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định kể từ ngày hôm nay (1/7) tại địa chỉ https://tuyenvantai.mt.gov.vn.

Chọn được nốt vận tải sau cú click chuột

Theo đó, từ ngày 1/7, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định biểu đồ chạy xe theo tuyến đã công bố được toàn quyền lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến [nốt vận tải-PV] tại các thời điểm chưa có đơn vị khai thác trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến (không nhận hồ sơ gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý tuyến hoặc hồ sơ gửi qua đường bưu điện).

“Toàn bộ quá trình lựa chọn tuyến đăng ký khai thác, lựa chọn giờ biểu đồ, nộp hồ sơ đăng ký, theo dõi tiến trình của hồ sơ, nhận kết quả của đơn vị kinh doanh vận tải và quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ chuyên môn tại các Sở Giao thông Vận tải được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm theo đúng quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Để có thể đưa phần mềm vào áp dụng từ ngày 1/7 theo đúng tiến độ quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, trong hơn một năm qua, Tổng cục Đường bộ cùng với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) đã khẩn trương triển khai nhiều nội dung với một khối lượng công việc rất lớn, đã hoàn thành việc cập nhật và số hóa trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc; chỉ đạo và hỗ trợ 63 Sở Giao thông Vận tải cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

“Việc đưa vào sử dụng phần mềm đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định tiếp tục là bước chuyển đổi số mạnh mẽ, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc đổi mới toàn diện công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, phù hợp với thực tế; thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí và tạo sự thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến vận tải hành khách cố định đồng thời phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.

Về chính sách mới này, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, việc này tương tự như đấu thầu qua mạng, trên cơ sở tiêu chí mời thầu, doanh nghiệp đủ năng lực có thể tham gia, tạo công khai minh bạch trong hoạt động vận tải.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, ông Quyền cho rằng, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ cần có đánh giá, sơ kết tổng kết để các dịch vụ công được thực hiện thực chất hơn để người sử dụng lựa chọn.

Đơn vị vận tải “nhẹ thở” với các thủ tục

Là doanh nghiệp vận tải có hàng trăm đầu xe chạy tuyến Hà Nội-Hải Phòng, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại Đất Cảng cho hay, trước kia, thủ tục xin khai thác tuyến vận tải khách tuyến cố định còn rất rườm rà do phải làm thủ công, nhiều giấy tờ, qua nhiều công đoạn, nhiều cửa.

Ông Hải kể về quy trình thủ tục gồm khi doanh nghiệp muốn đăng ký khai thác tuyến phải trình phương án kinh doanh cho hai Sở Giao thông Vận tải đầu tuyến. Doanh nghiệp muốn khai thác tuyến nào, phải đăng ký với Sở Giao thông Vận tải địa phương. Sau đó, Sở này xin ý kiến với Sở Giao thông Vận tải đầu đối lưu.

Nhận được ý kiến phản hồi, Sở Giao thông Vận tải nơi đầu đăng ký sẽ có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin điều chỉnh quy hoạch hay bổ sung quy hoạch. Sau khi nhận được đồng ý của Bộ, Sở này lại thống nhất lần nữa với Sở Giao thông Vận tải đầu đối lưu về đăng ký khai thác tuyến của doanh nghiệp và phải có văn bản đồng ý thì Sở Giao thông Vận tải sở tại mới công bố chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác. Với quy trình này, doanh nghiệp phải chờ đợi trong vòng 2 tháng

“Việc đăng đăng ký khai thác tuyến vận tải trực tuyến là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính, không mất thời gian đi lại, phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư khi không phải chờ đợi. Đặc biệt, giúp loại bỏ ‘xin-cho” cấp nốt vận tải do doanh nghiệp không phải tiếp xúc trực tiếp với đơn vị quản lý, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay,” ông Hải hồ hởi nói.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đang cung cấp 254 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4. Trong đó, có 90 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 164 dịch vụ công mức 4.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc đưa toàn bộ 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp.

Các tin khác