Theo chia sẻ của bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Bình Định, hiện lượng hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu đang chiếm đến khoảng 70% tổng sản lượng xuất khẩu của công ty. Khi Việt Nam bị thẻ vàng IUU công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trước nhất về nguyên liệu, DN mất nhiều thời gian khi xin giấy xác nhận nguyên liệu tại cảng cá do vướng mắc về quy định trong hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản khai thác theo Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT. Điều này dẫn đến việc DN không đáp ứng được đơn hàng và thời gian giao hàng cho nhà nhập khẩu.
Ngoài ra do bị thẻ vàng nên khi xuất vào thị trường châu Âu, 100% lô hàng bị kiểm tra, phát sinh thêm chi phí rất lớn tại cảng nước ngoài. DN cũng muốn tìm kiếm thị trường thay thế, nhưng việc này không thể làm trong một sớm một chiều. Đó là chưa kể có những mặt hàng chỉ có châu Âu mới có nhu cầu.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho thấy kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU sau khi bị thẻ vàng đã giảm rõ rệt. Cụ thể, 8 tháng đầu năm xuất khẩu hải sản sang EU đạt 252 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ.
Thẻ vàng IUU đã và sẽ gây ra nhiều hệ luỵ như xuất khẩu hải sản khai thác sang EU sẽ giảm. Uy tín, thương hiệu của ngành hải sản khai thác Việt Nam bị ảnh hưởng. Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn. 100% hàng xuất khẩu sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Nếu không cải thiện sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang EU.
Trên thực tế để có thể lấy lại thẻ xanh từ EU không chỉ có cam kết của riêng DN, nỗ lực của Vasep, suốt một năm qua đã có sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, các địa phương, đội ngũ cảnh sát biển, chi cục thú y địa phương, các cảng cá… để tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt hải sản hợp pháp. Về lâu dài chuyển đổi nghề cá từ nghề manh mún, truyền thống thành nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Tại hội nghị, đại diện nhiều cảng cá, chi cục thú y địa phương cũng nêu ra những khó khăn như trang thiết bị còn rất hạn chế, nhất là trang thiết bị cho các tàu cá của ngư dân. Việc viết nhật ký hành trình của ngư dân còn mang tính đối phó. Tại nhiều cảng cá việc thực hiện Thông tư 02 còn nhiều vướng mắc do nhân lực thiếu và yếu về trình độ chuyên môn. Chính khó khăn này khiến việc phối hợp với DN trong việc xác định hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản chưa được thuận lợi…
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep, khẳng định hành trình để gỡ được thẻ vàng của EU là câu chuyện dài hơi, không còn tính bằng tháng mà phải tính bằng năm. Trong năm 2019 tới, Vasep sẽ chú ý đẩy mạnh 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất, khung pháp lý và thực thi trong đó trọng tâm là kiến nghị sửa đổi Thông tư 02.
Thứ hai, cùng chung tay giải quyết vấn đề nhật ký khai thác tàu cá. Giải quyết được vấn đề này mọi chuyện sẽ từng bước được gỡ.
Thứ ba, kết hợp với các cảng cá từng bước tháo gỡ khó khăn, có những phối hợp khoa học nhằm mang đến lợi ích hài hoà cho tất cả các bên.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nghề cá Việt Nam thực sự phát triển bền vững và có trách nhiệm.