Giữ nguyên nhóm nợ, biện pháp nhất thời

(ĐTTCO)-Từ vài năm trước, tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã bắt đầu được NHNN siết lại vì nhìn thấy loại dự án này tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn (các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay dài, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế). Tuy vậy, cho đến nay ngành NH vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi có đến 53.000 tỷ đồng chảy vào BOT có nguy cơ phát sinh nợ xấu.
Hầu hết các dự án BOT đều tập trung vào hạ tầng giao thông và nợ phải trả từ nguồn thu phí. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hầu hết các dự án BOT đều tập trung vào hạ tầng giao thông và nợ phải trả từ nguồn thu phí. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trao đổi với ĐTTC, TS. VÕ TRÍ THÀNH, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng việc NHNN kiến nghị Chính phủ giữ nguyên nhóm nợ đối với dự án BOT Quốc lộ 19 nói riêng và các dự án BOT nói chung có doanh thu sụt giảm, chỉ là giải pháp nhất thời để xử lý cho các NH và doanh nghiệp (DN) đầu tư BOT. 
PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhìn nhận như thế nào về kiến nghị này của NHNN gửi đến Chính phủ do những nguyên nhân khách quan? 
TS. VÕ TRÍ THÀNH: - Hệ thống tài chính Việt Nam có đặc thù là vẫn dựa chủ yếu vào các NH. Nguồn lực của các DN tham gia vào dự án BOT khá hạn hẹp và vốn NH vẫn giữ vai trò quan trọng trong các dự án này.
Do vậy phải rất thận trọng đối với việc cho vay BOT. Đây không phải là câu chuyện mới, mà ngay từ nhiều năm trước cũng đã có những cảnh báo được đưa ra. Bởi cho vay phát triển hạ tầng là cho vay nguồn vốn lớn và đây là khoản vay dài hạn. 
Điều này dẫn đến 2 vấn đề rủi ro. Thứ nhất, sai lệch về cơ cấu thời hạn. Bởi các NHTM cơ bản huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay dài hạn. Không phải ngẫu nhiên mà ngành NH trong nhiều năm trở lại đây đã phải tuân thủ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đó chính là để giảm thiểu rủi ro sai lệch về cơ cấu thời hạn huy động và cho vay.
Thứ hai, việc sai lệch trong bảng cân đối tài sản của NH, sai lệch cơ cấu thời hạn có thể dẫn đến nguy cơ thanh khoản. Nguy cơ thanh khoản xảy ra nếu dự án hạ tầng vay vốn nhưng không hiệu quả, hoặc do nhiều lý do khác mà thiếu hụt dòng tiền dẫn đến nợ xấu. Về cơ bản, NHNN đã nhìn ra gốc rễ của vấn đề từ lâu khi yêu cầu các NH cẩn trọng trong việc cho vay các dự án BOT giao thông. 
Trở lại với việc NHNN đề xuất giữ nguyên nhóm nợ đối với dự án BOT Quốc lộ 19 nói riêng và các dự án BOT nói chung có doanh thu sụt giảm bởi những nguyên nhân khách quan, tôi cho rằng đây là nỗ lực trong cuộc chiến để giảm nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống NH.
Nếu không giải quyết như vậy, không những không lành mạnh hóa được hệ thống NH mà ngưng trệ cả tiến độ phát triển các dự án hạ tầng, nên phải giải quyết hài hòa.
Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp nhất thời, cực chẳng đã trong lúc các NHTM còn vất vả lành mạnh hóa. Muốn giải quyết căn cơ vẫn phải nhìn vào gốc rễ vấn đề và NHNN cũng đã nhìn thấy.
- Sau những rủi ro đã phát sinh như vậy, theo ông cần có giải pháp nào để các dự án cơ sở hạ tầng được phát triển thành công thông qua BOT?
 Biện pháp nhất thời là do trong lúc các NHTM còn vất vả lành mạnh hóa, còn muốn giải quyết căn cơ vẫn phải nhìn vào gốc rễ vấn đề và NHNN cũng đã nhìn thấy.
- Trước hết, để các dự án cơ sở hạ tầng được phát triển thành công thông qua BOT, cần phải có những tiêu chí đánh giá chuẩn hơn về chủ đầu tư, về tính khả thi, hiệu quả của dự án và phải những phương án liên quan đến rủi ro phát sinh để hạn chế rủi ro. Đó là giải pháp về kỹ thuật. Còn muốn phát triển hơn nữa cần xem xét 2 vấn đề. 
Thứ nhất, nhà đầu tư là ai. Hiện nay những chính sách tốt, chính sách tích cực đều dành cho DN trong nước. Nhưng DN trong nước có nhiều DN yếu kém, chưa đủ năng lực, dẫn đến dự án BOT gặp nhiều khó khăn. Vì vậy nên mở rộng diện các nhà đầu tư, thí dụ như thông qua đấu thầu quốc tế (mặc dù để tiến hành đấu thầu quốc tế có thể liên quan đến vấn đề địa chính trị hay các vấn đề khác, nhưng đó là một cách để có lựa chọn nhà đầu tư tốt hơn).
Trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực, và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký vào tháng 6-2019, đều có quy định mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ. Đó là ý tưởng để Việt Nam có thể lựa chọn được nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tốt về vốn, về công nghệ và quản trị. 
Thứ hai, nhà đầu tư thực hiện dự án BOT phải mở rộng các kênh huy động. Nhà đầu tư có thể phát hành trái phiếu DN, kêu gọi vốn các quỹ đầu tư, các định chế tài chính khác… thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng NH.
- BOT nói riêng và đầu tư theo hình thức PPP nói chung lâu nay chỉ quy định ở cấp Nghị định, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Luật PPP. Ý kiến của ông như thế nào khi sắp có một đạo luật dành riêng cho hình thức PPP?
- Tôi hy vọng qua Nghị định PPP và qua thời gian triển khai rút ra những bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ học được nhiều hơn để có những chính sách không những có thông lệ tốt mà còn phù hợp bối cảnh, tình hình của Việt Nam. Hiện hệ thống tài chính còn chưa phát triển đủ độ đa dạng, trước nay chúng ta cũng có đấu thầu quốc tế nhưng chủ yếu là dự án ODA.
Bây giờ trong các Hiệp định đã cam kết những vấn đề liên quan mua sắm Chính phủ, Việt Nam cũng có thể xem bài học kinh nghiệm của những nước khác để lọc và đưa vào Luật và hy vọng hình thức đầu tư này sẽ tốt hơn. 
Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh hình thức PPP giải quyết được nhu cầu hạ tầng cần thiết, nhưng cũng không phải là liều thuốc vạn năng để phát triển cơ sở hạ tầng, bởi trên thế giới số nước gặp thất bại khi triển khai các dự án PPP cũng không ít. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác