Về tổng thể, nội hàm của dự thảo Luật PPP vừa là luật thủ tục, vừa là luật nội dung. Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều là cần thiết, đáp ứng khá tốt mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP.
Dự thảo đã kế thừa được các quy định hiệu quả; xử lý các khác biệt, thiếu đồng bộ giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác, trên tinh thần tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai; phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường và hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước với nhà đầu tư.
Về phân biệt giữa PPP và xã hội hóa, cả về ngữ nghĩa và thực tế, đều cho thấy khái niệm xã hội hóa rộng hơn khái niệm đầu tư theo phương thức PPP. Nói cách khác, đầu tư theo phương thức PPP chỉ là một biểu hiện cụ thể của xã hội hóa.
Vì thế, cần làm rõ hơn cả định tính và định lượng khi đề nghị xem xét định hướng áp dụng xã hội hóa (sau khi có quy định đầy đủ về trình tự thủ tục) cho các dự án ở quy mô nhỏ, đơn giản; áp dụng PPP với dự án quy mô lớn, phức tạp, cần ràng buộc trách nhiệm giữa các bên thông qua hợp đồng dài hạn.
Về quy mô đầu tư dự án PPP (quy định tại Khoản 2 Điều 5), dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo Luật, và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực (như dự thảo hiện nay).
Phương án 2 không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật, và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực, phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, cần bổ sung phương án thứ 3 khả thi và phối hợp cả 2 phương án trên. Đó là nên quy định mức vốn ngân sách nhà nước tham gia tối thiểu trong dự án PPP. Đồng thời, cho phép Chính phủ chủ động xử lý điều chỉnh mức tối thiểu này theo quy mô lạm phát và thực tiễn phát triển kinh tế -xã hội cụ thể, thí dụ sau 5-10 năm.
Các trường hợp chỉ định nhà đầu tư được thu hẹp tại Điều 32 dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem lại quy định tại Khoản 6 Điều 40 của dự thảo Luật: “Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, không áp dụng nhóm hợp đồng, mà doanh nghiệp dự án được kinh doanh thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng”.
Việc quy định như vậy chưa chặt chẽ, dễ phát sinh lạm dụng, tranh chấp giữa nhà đầu tư và người sử dụng. Thực tiễn thu phí BOT các dự án giao thông đường bộ thời gian đã qua cho thấy rõ điều này.
Về cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP (Mục 1 Chương VI dự thảo Luật). Nguồn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP có 2 phương án. Một là hình thành Quỹ phát triển dự án PPP. Hai là hình thành dòng ngân sách riêng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nên thực hiện phương án 2 nhằm giảm bớt số quỹ cần lập và những chi phí quản lý quỹ không cần thiết. Trong cách thức sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP có quy định 2 hình thức quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP: (1) tách thành 1 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; (2) giải ngân cho doanh nghiệp dự án theo hạng mục cụ thể (có thể tách thành các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công) với tỷ lệ, giá trị, tiến độ giải ngân được quy định tại hợp đồng.
Trong đó, phương án 2 sẽ thuận lợi triển khai và giảm chi phí quản lý. Tuy nhiên, cần tăng thêm quy định về giám sát và kiểm toán tránh lạm dụng và thất thoát vốn ngân sách.
Dự thảo quy định doanh nghiệp dự án PPP không được phát hành cổ phiếu đại chúng, nhưng được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp, sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng, hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.
Vốn huy động thông qua hoạt động phát hành trái phiếu không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào, ngoài mục đích phục vụ dự án PPP. Tuy vậy, cần có giải thích rõ hơn thế nào là “mục đích phục vụ dự án PPP” và các quy định và chế tài xử lý sai phạm kèm theo để tránh lạm dụng.
Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ (Điều 76 dự thảo Luật), ban soạn thảo cần xem lại căn cứ tính hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ 30% doanh thu của dự án bằng VNĐ, sau khi trừ số chi tiêu bằng VNĐ đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Cần dựa trên căn cứ không vượt quá mức cụ thể vốn ngân sách tham gia dự án PPP.
Đồng thời, cũng cần áp dụng căn cứ mức vốn ngân sách góp trong dự án PPP để làm căn cứ tính tỷ lệ cam kết trong cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư (Điều 77 dự thảo Luật).