Hôm nay 11-11, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Dự luật này được kỳ vọng sẽ thu hút hiệu quả được đầu tư từ khu vực tư nhân; xử lý các khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác; khắc phục tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hợp đồng PPP…
Xung quanh dự luật này, PV có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP?
Ông VŨ TIẾN LỘC: Việc xây dựng luật về PPP là cần thiết vì các văn bản điều chỉnh hoạt động này mới chỉ ở cấp nghị định hoặc nằm rải rác ở nhiều luật khác như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...
Dự luật về PPP nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay. Tuy nhiên, đây là luật khó và cần rất thận trọng khi xây dựng, vì phải cân bằng, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Đâu là những điểm ông băn khoăn khi dự thảo luật trình Quốc hội?
-Tôi băn khoăn mấy điểm và VCCI đã góp ý nhưng chưa được ban soạn thảo tiếp thu. Trong đó, tôi có thể kể ra như: quy định về quy mô tối thiểu dự án PPP; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; nguyên tắc tôn trọng hợp đồng PPP; bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi pháp luật; lấy ý kiến trước khi quyết định chủ trương và ký hợp đồng PPP.
Lấy một vấn đề cụ thể là quy định quy mô tối thiểu dự án PPP. Theo dự thảo, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 200 tỷ đồng. Điều này phù hợp với các dự án lớn nhưng cũng đặt ra một vấn đề là: Các dự án dưới 200 tỷ đồng nếu muốn thực hiện theo hình thức PPP thì làm thế nào? Đặc biệt khi nhiều dự án quy mô nhỏ trong các lĩnh vực: y tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, giáo dục… có mức đầu tư tương đối thấp, tỷ lệ dự án dưới 200 tỷ đồng nhiều.
Dự thảo đưa ra nhiều điều luật có liên quan đến bảo đảm đầu tư, nhưng chưa có quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật. Đây là một nội dung mà các nhà đầu tư rất quan tâm. Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định trong dự thảo song mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư.
Trong khi đó, các dự án PPP luôn đòi hỏi sự ổn định về môi trường đầu tư cao hơn rất nhiều. Hoặc như dự thảo quy định 3 cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và giải thích cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gồm cấp bộ và cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa có quy định phân định thẩm quyền giữa cấp bộ và cấp tỉnh. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ không rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án do tư nhân đề xuất.
Việc đầu tư theo hình thức PPP mà cụ thể như dự án BOT, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, việc công khai là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động. Ông nghĩ sao về điều này?
-Tôi đồng ý quan điểm này. Đối với các dự án có nguồn thu trực tiếp từ người sử dụng thì cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương phải gửi văn bản lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc các tổ chức đại diện của họ. Ví dụ, các dự án đường bộ cần lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải, người dân trong khu vực; các dự án sân bay cần lấy ý kiến các doanh nghiệp hàng không…
Nội dung thông tin cung cấp khi lấy ý kiến phải bao gồm thông tin cơ bản về dự án, những ích lợi mang lại cho người sử dụng; mức phí/giá, thời gian thu; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo hợp đồng… Các ý kiến đóng góp cho dự án phải được tổng hợp, giải trình và gửi kèm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký hợp đồng.
Trong dự thảo luật, tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP đã quy định nhiều thông tin dự án phải công bố, tuy nhiên, theo tôi, vẫn cần công bố thêm các nội dung nữa để bảo đảm quyền giám sát của người dân. Đó là: công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, tài sản trí tuệ (các thông tin này được che mờ hoặc bôi đen); công khai các báo cáo thẩm định dự án; công khai các báo cáo hoạt động của dự án; công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng.
Một trong những điểm quan trọng mà nhiều nhà đầu tư quan tâm với các dự án PPP là cơ chế bảo đảm của Chính phủ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Nếu không có các cơ chế bảo đảm đầu tư thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế bảo đảm này thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ lụy lớn cho ngân sách về dài hạn. Khi đề xuất các biện pháp bảo đảm thì phải có báo cáo đánh giá rủi ro đối với ngân sách, trong đó lập các kịch bản rủi ro, khả năng xảy ra rủi ro và thiệt hại tối đa mà ngân sách phải chịu.
Thiệt hại tối đa theo kịch bản xấu nhất được gọi là giá trị biện pháp bảo đảm. Báo cáo đánh giá rủi ro này phải được Bộ Tài chính thẩm định, được Bộ Tư pháp có ý kiến pháp lý trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Cùng với đó phải có chế độ báo cáo, kiểm tra giám sát đối với các dự án có biện pháp bảo đảm đầu tư, đặc biệt là những nội dung có ảnh hưởng đến nghĩa vụ bảo đảm đầu tư của Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!