GMD còn lại gì sau khi bán ‘con cưng’ Nam Hải - Đình Vũ?

(ĐTTCO) - Theo Nghị quyết số 117, GMD thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại cảng Nam Hải - Đình Vũ (NHĐV). Báo cáo tài chính quý IV-2022 của GMD đã ghi nhận khoản đặt cọc trị giá 1.000 tỷ đồng cho thương vụ này.
Nam Hải - Đình Vũ là một trong những cảng chính của GMD ở khu vực phía Bắc với sản lượng gần 600.000 TEU/năm và hiện đang vận hành 100% công suất
Nam Hải - Đình Vũ là một trong những cảng chính của GMD ở khu vực phía Bắc với sản lượng gần 600.000 TEU/năm và hiện đang vận hành 100% công suất

Hoạt động cốt lõi kém tích cực

Kết quả kinh doanh quý IV-2022 của CTCP Gemadept (GMD) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 1.066 tỷ đồng và 189 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động cảng biển ghi nhận doanh thu đạt 788 tỷ đồng, đi ngang so với quý trước, dù quý IV thường là mùa cao điểm của hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo báo cáo tài chính, sản lượng tại khu vực phía Nam tăng trưởng âm so với quý trước do sự suy yếu của dòng thương mại với các đối tác là Mỹ và EU ước đạt 426.000 TEU (giảm 16% so với quý trước). Nguyên nhân là do tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu bằng container sang 2 thị trường này giảm 4,5%.

Trong khi đó, cụm cảng Hải Phòng duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định do khu vực phục vụ các tuyến đi Trung Quốc và nội Á. Do số chuyến tàu từ Trung Quốc tới các cảng tại khu vực Hải Phòng của GMD vẫn đảm bảo trên 40 chuyến mỗi quý và sản lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng dương 6%. Sản lượng hàng hóa thông qua cụm cảng tại Hải Phòng ước đạt 289.000 TEU (tăng 6% so với quý trước).

Hoạt động logistics và dịch vụ khác là động lực tăng trưởng chính của GMD trong quý IV vừa qua khi ghi nhận doanh thu đạt 278 tỷ đồng (tăng 31% so với quý trước) do doanh nghiệp phát triển hệ thống chuỗi giá trị gia tăng khép kín, kết nối từ cảng tới các trung tâm phân phối giúp nâng cao cước phí trên mỗi container.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 23% so với quý III do GMD ghi nhận chi phí nhân công tăng 113% liên quan tới hoạt động thưởng cuối năm có tính chất thường niên và ghi nhận khoản lỗ 22 tỷ đồng từ công ty liên kết là Gemalink (trong khi quý III lãi 35 tỷ đồng).

Kỳ vọng GML và NĐV

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), có chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo tài chính quý IV-2022 của GMD là việc ghi nhận khoản đặt cọc 1.000 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại NHĐV và kỳ vọng có thể hoàn tất thương vụ trong quý I này. Nguồn tiền thu được sẽ được phục vụ cho mục đích đầu tư mở rộng 2 cảng Nam Đình Vũ (NĐV) giai đoạn 3 và Gemalink (GML) giai đoạn 2.

Nhận định về quyết định thoái vốn khỏi NHĐV của GMD, các chuyên gia phân tích của VDSC, cho rằng kế hoạch thoái vốn tại NHĐV không chỉ giúp GMD có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư cảng NĐV giai đoạn 3 và GML giai đoạn 2 mà còn nâng cao được công suất hoạt động của cảng NĐV (công suất hoạt động năm 2022 ước tính đạt 70%) khi sẽ tiếp nhận hàng hóa container từ cảng NHĐV.

Cảng NĐV giai đoạn 2 đã chính thức đi vào hoạt động và đón con tàu đầu tiên trong tháng 2 với tổng công suất thiết kế được nâng lên 1.000 TEU/năm. GMD kỳ vọng có thể lấp đầy 100% công suất trong năm 2023 nhờ dịch chuyển nguồn hàng từ cảng NHĐV sau khi thoái vốn thành công. NĐV giai đoạn 3 dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai vào cuối năm 2023 sau khi giai đoạn 2 được lấp đầy.

Trong khi đó, dự án GML giai đoạn 2 vẫn đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng (thời gian xin cấp phép kéo dài do công ty mở rộng công suất của giai đoạn 2, từ 0,9 triệu TEU lên 1,5 triệu TEU/năm). GMD kỳ vọng sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý cho giai đoạn 2 trong năm 2023 và có thể đưa vào vận hành từ cuối năm 2024, đầu năm 2025. Qua đó, nâng tổng công suất thiết kế của cảng GML lên 3 triệu TEU/năm.

Năm 2022, sản lượng hàng hóa đã lấp đầy khoảng 70% công suất thiết kế GML giai đoạn 1, ước tính đạt 1,15 triệu TEU (tăng 44% so với năm ngoái) nhờ thời gian hoạt động ổn định dài hơn một quý so với 2021 và GMD đặt mục tiêu lấp đầy toàn bộ vào năm 2023.

Tuy nhiên, VDSC đánh giá kỳ vọng tối đa công suất hoạt động tại GML giai đoạn 1 trong năm 2023 sẽ khó để hoàn thành. Do đây là khu vực phục vụ chính cho những tuyến đi Mỹ và EU, nền kinh tế suy yếu và lạm phát cao tại hai khu vực này đã có những tác động rõ rệt lên GML trong quý IV-2022. Cụ thể, sản lượng hàng hóa container trong kỳ ước tính chỉ đạt 200.000 TEU (giảm 33% so với quý trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái).

Đánh giá chung về kế hoạch đầu tư, VDSC cho rằng GML giai đoạn 2 vẫn sẽ là dự án trọng tâm của GMD thay vì NĐV giai đoạn 3. Nguyên nhân là do GML nằm ở khu vực cảng nước sâu có thể đón các tàu trẻ có trọng tải ngày càng lớn, phù hợp với nhu cầu phát triển của vận tải biển.

Các tin khác