Hiện Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch nên nhiều đơn hàng dài hạn đã quay trở lại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo tình trạng khó khăn với ngành còn kéo dài đến hết năm 2021.
Chuyển đổi hoạt động sản xuất để thích ứng
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân, chuyên gia dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ (do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), cho biết ngành da giày đã chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Khi đó, phần lớn doanh nghiệp chỉ đủ vật tư sản xuất đến tuần đầu của tháng 3-2020. Từ tháng 3 trở đi, dịch lây lan từ Ý sang toàn châu Âu, đồng thời lan sang Hoa Kỳ và đánh sập thị trường này. Gần như toàn bộ cửa hàng từ châu Âu đến Mỹ đều đóng cửa, doanh thu rơi tự do.
Một vấn đề khác, dịch kéo dài đã làm thay đổi xu hướng cũng như thói quen tiêu dùng trên thị trường. Hơn 60% người tiêu dùng cắt giảm mua sắm hàng thời trang. 65% người tiêu dùng chuyển từ hàng thời trang nhanh sang hàng cơ bản, lâu bền và 67% người tiêu dùng quan tâm tới chất lượng môi trường làm việc của doanh nghiệp sản xuất. Đến lúc này, doanh nghiệp gặp khó do thiếu đầu ra cho sản phẩm và chưa chuyển đổi sản xuất kịp thời nhằm đáp ứng sự thay đổi mới của thị trường.
Để giảm thiểu khó khăn trên, doanh nghiệp chỉ có một con đường, đó là phải chuyển đổi hoạt động sản xuất. Trong đó, tăng đầu tư vào tự động hóa, tăng năng suất giúp giảm chi phí, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, tự chủ nguyên vật liệu… Thế nhưng, như bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Trưởng phòng Chiến lược và chính sách hội nhập, Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, cho biết, trong 3.000 doanh nghiệp da giày thì chỉ 17 doanh nghiệp có hoạt động thiết kế, 400 doanh nghiệp gia công các công đoạn trung gian (hoặc sản xuất phụ liệu, phụ kiện), 20% sử dụng thiết bị tự động hóa…
Hỗ trợ liên kết hình thành chuỗi
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của ngành công nghiệp da giày trong nước. Trước hết về thương mại, phần lớn doanh nghiệp sản xuất theo hình thức gia công (CMT). Do xuất khẩu qua trung gian nước ngoài nên chưa xây dựng được thương hiệu. Các doanh nghiệp cũng thiếu nhân lực có mối liên hệ cũng như nắm bắt thông tin về xu hướng thị trường, khách hàng nên vẫn bị động sản xuất. Hầu hết doanh nghiệp chỉ sản xuất theo đơn hàng đối tác đưa ra.
Còn với chuỗi giá trị, doanh nghiệp trong nước đang bị mất cân đối giữa các công đoạn. Trong đó, tập trung nhiều ở khâu gia công sản phẩm giày dép, túi xách nhưng ít ở công đoạn về thiết kế, thời trang, sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, phát triển thương hiệu. Nguồn cung đầu vào phụ thuộc lớn nhập khẩu nên không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Những doanh nghiệp Việt thương hiệu lớn trong nước có vai trò dẫn dắt, hình thành chuỗi cung ứng trong nước cũng rất ít.
Ở góc độ khác, công nghiệp thời trang hiện chưa được quan tâm đúng mức, thiếu liên kết để hình thành chuỗi. Về tính bền vững, việc thẩm định doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chí bền vững chưa được triển khai đầy đủ. Hoạt động liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch chưa được xây dựng một cách hệ thống, triển khai đầy đủ. Cơ quan chức năng chưa có tiêu chí cụ thể để theo dõi, đánh giá, làm căn cứ xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Khắc phục nhanh được những nhược điểm trên sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng tốc phát triển. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, cho biết, trung bình mỗi năm, toàn thế giới sản xuất 20 tỷ đôi giày dép. Trong đó, Trung Quốc chiếm 60%. Việt Nam chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn khoảng 5%. Thế nhưng, trong bối cảnh các đơn hàng từ Trung Quốc đang đổ mạnh sang Việt Nam, cơ hội mở rộng thị phần da giày Việt Nam đang rất lớn. Được biết, từ cuối năm 2020 đến nay, những đơn hàng dài hạn đã trở lại ổn định. Các doanh nghiệp đã chủ động kế hoạch sản xuất đến cuối năm nay.