Gỡ ngay nút thắt, khơi thông dự án “đóng băng“

(ĐTTCO) - Tại phiên họp tình hình kinh tế-xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhận định điểm nghẽn về thủ tục hành chính là thách thức lớn nhất cho sự phát triển của TP thời gian qua. Một trong những lĩnh vực bị tác động mạnh nhất là đầu tư- kinh doanh bất động sản (BĐS). Chủ tịch TP yêu cầu các sở ngành liên quan phải tháo gỡ ngay những nút thắt này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp kêu khó, BĐS tăng trưởng âm
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai, cho biết hiện nay nhiều quy định mới ban hành gây chồng chéo khiến việc triển khai các dự án nhà đang rất chậm. Cụ thể, tất cả dự án được thực hiện theo Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực năm 2021) phải đền bù 100%. Điều này hoàn toàn khác với trước đây được tiến hành thủ tục theo Luật Nhà ở, tức khi trúng thầu dự án mới thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, không nhất thiết phải đền bù 100% mới được nộp hồ sơ xin thủ tục dự án như quy định của Luật Đầu tư hiện nay.
“Chúng tôi đang triển khai dự án ở Nhà Bè quy mô gần 100ha từ trước năm 2017. Trong quá trình xin giao đất năm 2019 để xây dựng hạ tầng dự án trước, do chồng chéo giữa Luật Nhà ở và Luật Đầu tư, các sở ngành họp rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa chốt được” - bà Loan chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn TP có hơn 100 dự án nhà ở đang bị vướng thủ tục chờ các cơ quan chức năng tháo gỡ để chủ đầu tư triển khai tiếp.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), cho biết 6 tháng đầu năm tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, từ mức giảm sâu ở quý III và IV-2021, trong 6 tháng đầu năm 2022 GRDP của TPHCM đã tăng 3,82%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Tuy nhiên, có một số nhóm ngành giảm, trong đó hoạt động kinh doanh BĐS giảm 5,82%. 
 Thị trường BĐS ngưng trệ, nếu các cơ quan, ban ngành không có giải pháp xử lý hiệu quả các điểm nghẽn hiện nay về thủ tục pháp lý, doanh nghiệp BĐS còn gặp khó khăn, nguy cơ phá sản do không cân bằng được tài chính.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho biết thị trường BĐS bị sụt giảm về nguồn cung dự án cũng như sản phẩm nhà ở. Ngoài ra, nhiều dự án bị dừng do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai, bị ách tắc do vướng luật.
Hiệp hội đã có báo cáo các vướng mắc để tháo gỡ hơn 100 dự án BĐS trên địa bàn. Có những dự án kéo dài cả 10 năm chỉ vì vướng thủ tục hoán đổi tiền sử dụng đất đến nay vẫn chưa được giải quyết.
 “Thị trường BĐS ngưng trệ, nếu các cơ quan, ban ngành không có giải pháp xử lý hiệu quả các điểm nghẽn hiện nay, doanh nghiệp BĐS còn gặp khó khăn, nguy cơ phá sản do không cân bằng được tài chính” - ông Châu nhận định.

Phải khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả
Sự trì trệ trong đầu tư xây dựng nhà ở khiến doanh nghiệp khốn đốn do phải gánh nhiều chi phí như lãi vay, bộ máy hoạt động… trong khi dự án bị đóng băng. Tình trạng trên cũng khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, nhiều dự án bỏ hoang từ năm này sang năm khác và chưa có hồi kết. Những tồn tại này có từ nhiều năm qua nhưng chưa được gỡ vướng, xử lý dứt điểm.
Một phần do luật chồng luật, nhất là các quy định tréo ngoe về đóng tiền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai rắc rối, khiến hàng loạt dự án BĐS trên địa bàn TP bế tắc.
Ngoài ra, một số sở, ban ngành có liên quan và địa phương có tư tưởng “sợ ký, sợ trình”, dẫn đến hồ sơ dự án kéo dài hoặc bị “đá qua đá lại” giữa các cơ quan, không bên nào chịu giải quyết dứt điểm.
Nguồn lực đất đai có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết bình quân 1 tháng TPHCM giải quyết trên 45.000 hồ sơ liên quan đến đất đai. 6 tháng đầu năm, nguồn thu từ việc làm thủ tục mua bán BĐS đạt trên 9.800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so cùng kỳ 2021.
Cụ thể, đối với việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính các nội dung về đất đai trong 6 tháng đầu năm, riêng hồ sơ đất đai của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức đã khoảng 44.500 hồ sơ, đây là số lượng hồ sơ cực lớn. Trong thời gian qua, dù các thành viên của cơ quan đã rất nỗ lực, nhưng việc giải quyết hồ sơ nhóm thủ tục này còn chậm và chưa đạt yêu cầu. Điều này cho thấy nhu cầu đưa đất đai vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội rất lớn. 
Trước yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi về việc báo cáo giải pháp tháo nghẽn cho lĩnh vực đất đai, ông Thắng cho biết, Sở TN-MT cùng các sở, ngành của TP đã trình Tổ công tác của Thủ tướng, đặt vấn đề tháo gỡ vướng mắc đối với những dự án trên địa bàn. Tổ công tác cũng đã có một số nội dung trình Thủ tướng, nếu vượt thẩm quyền Thủ tướng sẽ trình Bộ Chính trị xem xét. Đây là vấn đề quan trọng nhằm giải quyết một số dự án đang khó khăn, vướng mắc trên địa bàn.
Trong công văn gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu phân tích: “Nếu không bị ách tắc, 126 dự án nhà ở nêu trên bình quân mỗi dự án đầu tư 1.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư lên đến 126.000 tỷ đồng. Nhà nước đã thất thu tiền sử dụng đất khoảng 10.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 15% giá thành), thất thu tiền thuế giá trị gia tăng 10% tương đương 12.600 tỷ đồng.
Nếu các doanh nghiệp thực hiện dự án đạt lợi nhuận 20% tương đương 25.000 tỷ đồng, Nhà nước đã thất thu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 20% khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp phải vay 70% tổng mức đầu tư tương đương vay 88.000 tỷ đồng, với lãi suất 9%/năm trong 5 năm qua phải trả lãi vay lên đến khoảng 40.000 tỷ đồng.
Do vậy, việc ách tắc dự án đầu tư nhà ở thương mại dẫn đến cả doanh nghiệp và Nhà nước, cũng như thị trường BĐS và người tiêu dùng đều bị thiệt hại.

Các tin khác