Gỡ 'nút thắt' visa để khôi phục du lịch Việt Nam

(ĐTTCO) - Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa sau đại dịch Covid-19, thế nhưng tỷ lệ phục hồi ngành du lịch nước ta lại thấp nhất trong khu vực. Theo các chuyên gia tham dự hội thảo “Mở visa - phục hồi du lịch”, chính sách thị thực cứng nhắc, chưa cởi mở chính là một trong những “điểm nghẽn” gây cản trở lớn nhất.
Gỡ 'nút thắt' visa để khôi phục du lịch Việt Nam

Trình bày quan điểm về những nút thắt khiến du khách quốc tế e ngại đến Việt Nam, TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng có nhiều nguyên nhân, như: sản phẩm du lịch để trải nghiệm, sự đặc thù, khác biệt với các quốc gia khác, yếu tố về môi trường du lịch, văn hóa; tiện ích ở điểm đến bao gồm thủ tục di chuyển, chi phí về thời gian... Trong đó, câu chuyện visa cho khách du lịch quốc tế là thử thách lớn nhất.

“Câu chuyện visa của chúng ta bàn hôm nay là một yếu tố rất quan trọng, đó là yếu tố đầu tiên mà chúng ta phải giải quyết, nhưng không phải sau dịch Covid-19 đâu, mà đã tồn tại trong thời gian rất dài. Đây là câu chuyện mà đứng ở góc độ những người nghiên cứu du lịch, chúng tôi đã nhận thấy và đã đề xuất Chính phủ khi mà quy hoạch Phú Quốc. Với Phú Quốc đây là một điểm đến chúng ta có thể quản lý tốt nên miễn visa hoàn toàn. Thế nhưng, chúng ta chỉ miễn visa cho hơn 20 nước và chỉ có 15 ngày thì là câu chuyện đã từ lâu rồi” - TS Phạm Trung Lương nói.

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, du lịch, đại diện các hãng hàng không, doanh nghiệp dịch vụ lưu trú đều cho rằng chính sách visa của nước ta quá khắt khe so với các quốc gia trong khu vực, khiến tốc độ phục hồi du lịch chưa đạt chỉ tiêu đã đặt ra, thậm chí thấp hơn cả Campuchia và quốc đảo Singapore. Thiếu hụt khách quốc tế, kéo theo nhiều lĩnh vực, ngành nghề khó khăn, như doanh nghiệp dịch vụ lưu trú phân khúc cao cấp thiếu khách hạng sang; ngành hàng không khó khăn vì bay quốc tế chưa phục hồi.

Bà Trần Nguyện - Phó Tổng giám đốc khối Sun World - Tập đoàn Sun Group cho biết trước đại dịch, tỷ lệ lấp đầy hệ thống khách sạn của tập đoàn này khoảng 80%, thế nhưng hiện nay chỉ đang phục hồi ở mức 50-70% so với năm 2019.

"Trước đại dịch, tỷ lệ lấp đầy của khách sạn chúng tôi thường trên 80% và là điểm đến quen thuộc của những tỷ phú thế giới, những ngôi sao và những khách hàng vô cùng đẳng cấp. Họ đến không chỉ chi tiêu ở chỗ của chúng tôi, mà còn góp phần rất lớn ở những điểm đến khác của chúng ta. Thậm chí những KOL hay những ngôi sao thế giới đấy khi họ đến, họ đã giúp chúng ta quảng bá truyền thông cho du lịch Việt Nam và cho những điểm đến", bà Nguyện chia sẻ.

Giải pháp thu hút khách quốc tế

Các chuyên gia cho rằng số lượng quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam còn ít với 24 quốc gia, và thời gian được miễn thị thực rất ngắn chỉ 15 - 30 ngày. Đồng thời, các phương án thay thế như cấp visa điện tử hay cấp visa tại cửa khẩu chưa phát huy được do thủ tục thực hiện còn phức tạp, thiếu nhân lực, công nghệ… Đây là những vấn đề khiến Việt Nam đang gặp bất lợi trong cuộc tranh đua thu hút du khách từ châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.

TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch kiến nghị, Việt Nam cần tăng số nước miễn visa đơn phương. Như Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, và nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày và cho du khách vào ra nhiều lần. Đặc biệt, mở rộng các nước được cấp e-visa; nâng cấp hệ thống e-visa về tính năng, giao diện của trang web và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách e-visa để cạnh tranh với các nước. Phải coi chính sách visa là một "công cụ cạnh tranh thu hút du khách quốc tế của Việt Nam".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings nhận định so với các nước trong khu vực, điều kiện cấp thị thực của nước ta không khó nhưng thủ tục xin cấp mất nhiều thời gian.

Để không phải đánh mất hàng tỷ USD từ khách quốc tế vì chính sách visa, ông Kỳ đề xuất: “Ngoài cá nhân tự xin cấp visa thì chúng ta chấp nhận giống như là Đài Loan (Trung Quốc) rất khó nhưng họ có visa Quan Hồng hay Nhật Bản có visa theo đoàn. Họ chỉ cấp một visa cho trưởng đoàn (tour leader) nhưng áp dụng cho toàn đoàn. Chúng ta đang khuyến khích đưa khách Trung Quốc sang đi theo đoàn, theo tour, vậy chúng ta áp dụng visa đoàn cho cả một đoàn và chỉ một người đứng tên trên một visa thôi”.

Chuyên gia hiểu chưa đúng về visa Việt Nam?

Thế nhưng, Đại tá Đặng Tuấn Việt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an lại cho rằng các vấn đề mà ngành du lịch gặp khó hiện nay không phải hoàn toàn do chính sách thị thực.

Theo Đại tá Đặng Tuấn Việt hiện tại, chính sách thị thực Việt Nam được đánh giá thông thoáng và thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội. Việc đăng ký xin cấp thị thực hoàn toàn có thể thao tác trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, với những thông tin khai báo về nhân thân rất đơn giản. Sau thời gian 3 ngày, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm trả kết quả cho khách hoàn toàn trên môi trường điện tử, người nước ngoài không phải xin, không phải gặp cán bộ nào, và cũng không phải chứng minh tài chính.

Ông Việt khẳng định thị thực du lịch Việt Nam có giá trị 90 ngày chứ không phải 15 ngày hay 30 ngày như các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp du lịch, hàng không đang hiểu lầm. Tuy nhiên, khi vào cửa khẩu thì luật quy định là cán bộ công an hoặc biên phòng cửa khẩu chỉ đóng dấu cho khách được vào tạm trú tại Việt Nam là 30 ngày. Khi hết 30 ngày này, họ có thể xuất cảnh hoặc quay lại để được tạm trú tiếp 30 ngày hoặc yêu cầu doanh nghiệp lữ hành quốc tế gia hạn tạm trú cho đến hết 90 ngày như đúng kỳ vọng.

“Khách lưu trú ở Việt Nam quá 30 ngày rất ít. Tôi có thể khẳng định như vậy. Không có một sự ngăn cản hoặc khó khăn nào trong việc các đơn vị lữ hành quốc tế xin gia hạn tạm trú cho khách du lịch” - ông Đặng Tuấn Việt nói.

VOV

Các tin khác