Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng xây dựng Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa 15 xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, trong đó dự kiến mức bội chi tương ứng 4% GDP (bằng tỷ lệ dự toán 2021). Trao đổi với ĐTTC, TS. TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế, nhận định:
Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần có gói hỗ trợ đủ mạnh từ Nhà nước giúp doanh nghiệp (DN), người dân gặp khó khăn vì đại dịch. Vì vậy, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, khoảng 800.000 tỷ đồng, tức gần 10% GDP mà Bộ KH-ĐT đưa ra là cần thiết.
Các quốc gia chịu tác động của đại dịch ít tổn hại hơn Việt Nam vẫn hỗ trợ ở quy mô này hoặc lớn hơn để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế.
Chúng ta cũng rất cần có gói như vậy để xử lý các vấn đề như an sinh xã hội, cấp bù lãi suất, giảm miễn các loại thuế phí, kể cả giảm thuế VAT, các khoản dành cho các chương trình khác như hỗ trợ tái cơ cấu, các gói liên quan đến hỗ trợ nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội… Gói này kéo dài trong năm 2022-2023, được biết có những phần sẽ sử dụng tiền mặt, phần quan trọng đến từ việc miễn, giảm thuế phí… giống như năm 2021.
Nhân dịp này, chúng ta dùng công cụ NS để không chỉ hỗ trợ tái cơ cấu bình thường sau đại dịch, mà còn đặt cả mục tiêu tái cơ cấu gắn với nâng cao chất lượng nền kinh tế, khắc phục những tồn tại về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia, giúp DN đổi mới công nghệ, tổ chức lại cơ cấu thị trường…
Từ đó, chúng ta thực hiện mục tiêu nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Cách tính toán, cách tìm nguồn đặt mục tiêu và cân đối các loại nguồn, trong đó có phần bội chi NS (kể cả vay).
Về nguồn lực, Bộ KH-ĐT cũng tính toán huy động từ nhiều nguồn, trong đó có phần bội chi NS, kể cả vay nước ngoài…
Tuy nhiên, theo dự toán NSNN năm 2022, dự kiến bội chi ở mức 4% GDP, tức khoảng 373.000 tỷ đồng. Vì sao trong tình hình khó khăn này mức bội chi vẫn chỉ 4%? Nguyên nhân do khi tính toán bội chi NS, một trong những yếu tố lâu nay vẫn được cân nhắc là trần nợ công so với tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Trước đây, với cách tính GDP cũ, trần nợ công 65%. Sau này, cách tính GDP mới đưa trần nợ công giảm xuống 60%. Như vậy nếu so với trần này, tỷ lệ nợ công năm 2022 khá thấp so với quy định.
Vẫn biết nợ công là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ hàng năm so với tổng nguồn thu NSNN, là yếu tố rất quan trọng cần tính toán để tránh nguy cơ vỡ nợ. Nghĩa vụ trả nợ đã tiếp cận gần 25% tổng thu NS, là ở mức bắt đầu báo động. Đây là điểm luôn được cân nhắc để không có bội chi lớn.
Song vấn đề đặt ra, trong điều kiện bình thường chúng ta đã bội chi mức 4%. Năm 2022 chúng ta cần thiết thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh, mức trần bội chi này không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Vì thế, trong 2 năm 2022 và 2023, cần thiết phải có mức bội chi cao hơn ngưỡng 4% GDP mới có nguồn thực hiện các gói hỗ trợ. Nếu chúng ta đứng trên dự toán NS nêu trên sẽ chưa gắn với chương trình phục hồi kinh tế mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, với TPHCM, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét nâng tỷ lệ điều tiết phần NS địa phương được hưởng trong năm 2022 lên 21%, thay vì 18% như 5 năm qua. Ông đánh giá gì về đề xuất này?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Nâng tỷ lệ điều tiết NS cho TPHCM là hợp lý và cũng đã có kết luận của Trung ương. Lâu nay, TPHCM đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết phần NS lên mức 23% so với mức 18%, và Bộ Tài chính đề nghị 21%.
Tuy nhiên, phải thấy rằng nếu điều tiết 23%, năm 2022 TPHCM được tăng thêm khoảng 9.000 tỷ đồng. Còn nếu điều tiết 21% chỉ tăng thêm khoảng 6.000 tỷ đồng. Dù ở mức nào cũng không đủ cho TP về nhu cầu đầu tư, đặc biệt trong 2 năm 2022 và 2023.
Do vậy, TPHCM bắt buộc phải có gói hỗ trợ riêng ngoài chương trình chung của Chính phủ. Bởi TPHCM chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, lâu dài nhất, vì thế phải có biện pháp mạnh nhất để phục hồi kinh tế sớm.
Nếu cần thiết, Chính phủ nên cho TPHCM được bội chi thêm NS địa phương, có thể phát hành thêm trái phiếu. Bản thân TP cũng phải huy động những nguồn lực đang có, chẳng hạn đẩy mạnh cổ phần hóa, đấu giá quỹ đất… cùng với điều tiết này để phục hồi kinh tế.
- Quan điểm của ông về dư địa của chính sách tiền tệ (CSTT) vài năm tới trong hỗ trợ nền kinh tế khi tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) chịu nhiều sức ép về các chỉ tiêu an toàn vốn?
- Với tình hình hiện nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống NHTM chắc chắn tăng cao. Đó là chưa tính toán, đánh giá được hết nợ xấu phát sinh sau đại dịch từ những khoản nợ được khoanh, giãn trong bối cảnh có nhiều DN đổ vỡ. Đây là sức ép rất lớn đối với chính sách tín dụng trong năm 2022.
Đồng thời, Nghị quyết của Quốc hội buộc NHNN phải kiểm soát lạm phát ở mức 4%. Như vậy, dư địa của CSTT trong năm 2022 có nhưng không lớn, vì phải kiểm soát lạm phát và dự phòng nợ xấu gia tăng.
Bên cạnh đó, các NH phải thực hiện các chuẩn mực an toàn vốn theo thông lệ quốc tế, áp dụng Basel II và hướng đến Basel III. Trong những năm qua, hệ thống NHTM hoạt động tương đối tốt và cũng có nhiều NH rất tốt.
Để giữ thành quả đó với tình hình hiện nay, không thể trông chờ nhiều vào CSTT. Vì vậy, bài toán đặt ra năm 2022 là phối hợp giữa CSTT và tài khóa tốt nhất, nhịp nhàng nhất.
Thí dụ, nguồn tín dụng từ CSTT hỗ trợ DN phải gắn với đầu tư công - vốn mồi của Nhà nước - để thu hút đầu tư xã hội. Đặc biệt, nên phân bố đầu tư công tốt nhất cho những vùng kinh tế động lực, ưu tiên những nơi tiền nhà nước bỏ ra thu hút tốt đầu tư tư nhân.
Thí dụ, tại TPHCM, 1 đồng đầu tư công thu hút 8-10 đồng đầu tư tư nhân, hay những địa bàn khác có điều kiện tốt như vậy cũng nên tập trung để kích tổng cầu của nền kinh tế.
- Với nội dung hỗ trợ như trên, theo ông cơ chế thực hiện như thế nào là phù hợp?
Việc thực hiện gói hỗ trợ 800.000 tỷ đồng phải có mục tiêu, không cào bằng, gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ. |
Đối với nhóm này, hỗ trợ lớn, quan trọng nhất là cần tháo gỡ tất cả điểm nghẽn về thể chế, thủ tục giúp họ phát triển. Hiện đây là nhóm đi đầu để đẩy mạnh phục hồi.
Nhóm thứ hai là các DN đang khó khăn về nguồn vốn nhưng có tiêu chuẩn, điều kiện để tiếp tục vay, họ có thể tham gia các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước. Số này cần dòng tiền, cần gói hỗ trợ tín dụng.
Nhóm thứ ba là các DN khó khăn, không có tiền nhưng nợ chồng chất, không vay được, cần thực hiện mô hình kết nối NH-DN.
Trở lại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh, gói hỗ trợ 800.000 tỷ đồng có nhiều khoản, có những phần không tạo dòng tiền mới như miễn giảm thuế, phí, có phần có dòng tiền mới. Khi phân bố những phần có dòng tiền mới để hỗ trợ DN, cần chú trọng nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, khi thực hiện cơ chế bù lãi suất cần tránh lặp lại tình trạng như ở giai đoạn 10 năm trước là hỗ trợ cào bằng. Theo đó, phải xác định DN nào cần được cấp bù, hỗ trợ bù lãi suất phải gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ. Chính phủ đưa ra quy định chung, từ đó phân cấp cho địa phương chủ động nắm lại lực lượng.
Riêng hỗ trợ DN, phải có vai trò của các hiệp hội, ngành nghề có liên quan về các đối tượng. Tôi nhấn mạnh hỗ trợ phải có mục tiêu, không cào bằng vì sẽ làm méo mó thị trường.
- Tác động của dịch Covid-19 cùng với làn sóng di cư lao động, cũng như tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động thời gian gần đây, càng cho thấy vấn đề nguồn lực lao động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vậy trong kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn tới vấn đề nhân lực cần thực hiện ra sao, thưa ông?
- Nguồn lao động rất quan trọng với nền kinh tế. Việc di chuyển lao động vừa qua cho thấy sự phát triển mất cân đối của nền kinh tế quốc gia giữa các vùng và các miền. Một số tỉnh miền Trung hay ĐBSCL dân số cơ học giảm tuyệt đối do quá trình đô thị hóa kéo theo di dân từ nông thôn ra thành thị.
Thậm chí, 10 năm qua có tỉnh chỉ hơn 1 triệu dân nhưng dân số cơ học giảm hơn 200.000 người. Đây là vấn đề căn cơ phát triển bài toán kinh tế về lâu dài, nhưng trước mắt cần giải quyết 3 vấn đề.
Thứ nhất, tạo điều kiện hỗ trợ lao động cho các khu công nghiệp, các DN nhất là DN FDI, phối hợp với các địa phương đưa lao động trở về. Hỗ trợ nhà ở, tạo điều kiện an cư tốt và lâu dài cho công nhân.
TPHCM cũng chủ trương thực hiện chương trình nhà ở cho công nhân tương đối sớm để giải quyết việc thiếu nguồn lao động trong những tháng tới. Nhưng do DN phục hồi cũng có mức độ, nên quá trình này cũng có sự điều chỉnh.
Thứ hai, đối với lao động đang hoạt động trong khu vực dịch vụ đô thị đã trở về quê sau thời gian giãn cách, khi việc mở cửa phục hồi lại, tôi tin một phần lao động sẽ quay lại sau khi tiêm vaccine.
Thứ ba, tính toán tổ chức lại nhóm lao động tự do sống ở các đô thị, ngành nghề không ổn định. Các địa phương cần có giải pháp tạo điều kiện để họ có việc làm, an cư tại địa phương, tránh dòng di cư tìm việc làm không ổn định, tạm bợ ở các đô thị.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn tín dụng từ CSTT hỗ trợ DN phải gắn với đầu tư công - vốn mồi của Nhà nước, để thu hút đầu tư xã hội. |