Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Trong gần 2 năm qua, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc bị tạm ngừng hoạt động, dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì... Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN trong suốt thời gian qua, song việc tiếp cận vẫn còn khó khăn.
Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua đã có rất nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai tới các DN, tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa không dễ tiếp cận, nguyên nhân do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn của DN.
Chính sách đang đẩy DN vào gian dối
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19” do Báo Kinh tế Đô thị tổ chức ngày 21/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, thời gian qua các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đưa ra tương đối đồng bộ, toàn diện. Các gói hỗ trợ về tài khoá, chính sách thuế, gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở… Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn rất hạn chế như gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ trả lương cho người lao động…
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đánh giá, trong các chính sách hỗ trợ của chính phủ năm 2020, gói hỗ trợ quan trọng nhất là gói 60.000 tỷ hỗ trợ cho người lao động. “Nhưng đến nay, May 10 chưa tiếp cận được gói này. Nguyên nhân là bởi yêu cầu DN phải có doanh thu giảm 30% và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng các tiêu chí này thì DN đã phải đóng cửa”, ông Việt bày tỏ.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho hay, trong các gói hỗ trợ của Chính phủ, Sunhouse cũng được hưởng một số cơ chế hỗ trợ chung như chính sách lãi suất hỗ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh hay giai đoạn giãn thuế…
“Nếu có trước dữ liệu về DN để căn cứ trên số lượng lao động đóng bảo hiểm, số thuế để có hỗ trợ nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát sẽ khuyến khích DN minh bạch và đóng thuế đủ. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại chỉ tập trung vào nhóm DN khó khăn đồng nghĩa với việc khuyến khích cho người ta khó khăn, thậm chí đẩy họ vào gian dối trong khi có những đơn vị đóng thuế đủ lại bị đóng cửa”, ông Phú phân tích.
Cũng theo ông Phú, quỹ hỗ trợ cần chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là bản thân các DN trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay, căn cứ theo đóng góp của DN đó vào ngân sách. Nhóm thứ hai là hỗ trợ các đối tượng khó khăn và cũng nên chia thành các nhóm DN để xây dựng các gói hỗ trợ.
Phần lớn DN kêu không được hưởng lợi từ chính sách
Hiện nay các DN Việt Nam không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như tạm hoãn, chậm nộp thuế, các DN mong muốn có các gói mới, được tính đến một cách bài bản hơn. Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích nhưng trên thực tế cho thấy, vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.
Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần các DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN. Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng mà không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt đề xuất, cần chia gói hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ. Ngoài ra, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các DN có khả năng hồi phục và cần hỗ trợ sao cho xứng đáng, để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng. Đối với các DN đóng cửa dài hạn các gói hỗ trợ phải được thực hiện khác.
Lấy ví dụ về những DN ngay cả khi được hỗ trợ nhưng vẫn không thể tồn tại được và vẫn phải rút lui khỏi thị trường, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí nếu không ưu tiên hỗ trợ những DN có khả năng phục hồi. Do đó, cần phải phân loại đối tượng hỗ trợ theo quy mô, theo ngành nghề và theo khả năng chống dịch...
“Việt Nam phải chủ động xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản; tiếp đó phải tiếp cận theo nhóm đối tượng. Nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng sẽ bị trục lợi chính sách”, ông Hiếu chỉ rõ.
Theo Chủ tịch VCCI, sắp tới trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, VCCI sẽ rà soát và đề xuất lên Chính phủ cần xây dựng quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận phù hợp với DN nhỏ và siêu nhỏ. VCCI với chức năng của mình sẽ phối hợp với các Hiệp hội khảo sát DN làm sao kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành.
“Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ DN, các chính sách về thể chế rất quan trọng. Các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho DN như giải quyết vấn đề tăng trưởng việc làm, thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu… và tiếp tục các giải pháp hỗ trợ giúp DN mở cửa và tiếp cận thị trường”, ông Lộc nói.