Gói hỗ trợ lãi suất 2% khó qua “cửa hẹp” room tín dụng

(ĐTTCO) - Cho đến nay NHNN đã thông báo điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng năm 2022 cho 15 NHTM thêm 1-4% so với mức cũ; đồng thời yêu cầu các NH đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dẫu vậy vẫn khó thấy được sự lạc quan về tốc độ giải ngân gói hỗ trợ vì “cánh cửa hẹp” room tín dụng. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính - NH, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, câu chuyện room tín dụng rất nóng trong thời gian qua, góc nhìn của ông về vấn đề này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Hơn 10 năm trước, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH rất mạnh, có những NH tăng trưởng đến 100% (năm 2009). Điều đó dẫn đến tình trạng NH đổ tín dụng vào những tài sản đầu cơ, đầu tư tài chính đầy rủi ro, đã gây ra những hậu quả lớn cho nền kinh tế và nợ xấu đến nay vẫn chưa giải quyết hết.
Từ bài học đó, NHNN đã áp dụng room tín dụng hơn 10 năm qua. Kết quả, tín dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn, các NH cũng sử dụng tín dụng với mục đích có lợi hơn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, bất lợi là room tín dụng cấp cho các NHTM năm nào cũng bị điều chỉnh, bởi room đó quá chặt so với sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, biện pháp kiểm soát room tín dụng cũng không loại trừ được việc NH đổ tiền cho vay những hoạt động rủi ro. Thí dụ, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong thời gian qua có rất nhiều tiền đến từ các NH. 
Vì vậy, dù NHNN đã có những thành công trong kiểm soát tín dụng 10 năm qua, nhưng cũng nên bỏ room tín dụng này. Hãy để các NHTM tự kiểm soát hoạt động tín dụng, NHNN chỉ giám sát. Vẫn biết khi bỏ room tín dụng, bất lợi đầu tiên là các NH có thể sẽ đẩy mạnh tín dụng và có khả năng đẩy tín dụng vào những mảng rủi ro nhưng lợi nhuận rất cao, đồng thời huy động vốn với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu tín dụng cao.
Nhưng ở chiều ngược lại, NHNN phải có đầy đủ công cụ để quản lý điều này, có thể áp dụng thanh tra định kỳ, bất thường, thậm chí còn có công cụ kiểm soát đặc biệt đối với các NH. 
Tôi đề xuất, NHNN yêu cầu các NHTM mỗi năm phải trình NHNN báo cáo về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng kèm tỷ lệ phân bổ từng lĩnh vực cho vay sản xuất kinh doanh, bất động sản, tiêu dùng trong phần tăng tín dụng đó… NHNN sẽ xem việc phân bổ có hợp lý hay không, NH nào phân bổ vốn nhiều vào các lĩnh vực rủi ro.
Khi mỗi NHTM và NHNN đồng ý với sự phân bổ đó, NHNN đứng qua một bên và giám sát họ. Như vậy, các NHTM sẽ tự lực cánh sinh. Họ có khả năng sẽ cho vay nhiều nhưng với điều kiện cho vay đúng mục tiêu, mục đích, cho vay sản xuất kinh doanh, tránh tập trung cho vay đối với các tài sản tài chính rủi ro. 
Khi bỏ room tín dụng, những NH có rủi ro và nợ xấu cao, NHNN sẽ phải giám sát chặt chẽ hơn và giới hạn lại về tín dụng. Còn những NH có sức khỏe tốt, nhận chuyển giao các NH yếu kém có thể được “vùng vẫy” trong khả năng của họ.
-  Thưa ông, hiện NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% và chỉ nới room tín dụng cho 15 NHTM 1-4%. Ông nhận định gì về việc này?
- Phần tín dụng còn lại của năm nay thấp so với nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu NHNN mở room tín dụng quá phóng khoáng sẽ tác động đến lạm phát. Hy vọng NHNN có thể nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 16%, cùng với đó chặt chẽ trong nới room cho từng NH.
Thống kê cho đến tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,58%. Mức này cao hơn năm ngoái, nhưng theo diễn tiến này có thể đến cuối năm vẫn đạt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra, với điều kiện NHNN nới room cho các NH và tăng tổng room hệ thống đến 16%, tức tăng thêm 2%. 
Theo NHNN, nếu tín dụng tăng 10%, lạm phát tăng 1%, có nghĩa room tín dụng tăng 2%, CPI có thể tăng 0,2%. CPI 8 tháng 2,58%, nếu tính theo bình quân này đến cuối năm sẽ tăng 3,9%, cộng thêm 0,2% từ việc tăng thêm 2% tín dụng sẽ lên mức 4,1%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nhưng tôi nghĩ mức này cũng hợp lý.
Nhưng nếu không tăng room tín dụng, lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Vì room tín dụng của toàn hệ thống còn rất ít. Các NH muốn cho vay phải cơ cấu lại dư nợ của mình để đào thải những món ít lợi nhuận, tạo dư địa cho tín dụng mới. Khi lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí hoạt động của DN, từ đó giá cả sẽ tăng lên, gây khó cho vấn đề lạm phát.
Trong trường hợp nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, lãi suất sẽ tăng nhưng có thể không tăng nhiều, vì đồng tiền bơm ra dồi dào hơn. Khi đó sẽ kiểm soát được lạm phát về giá cả. 
Ở chiều khác, tăng tín dụng là đẩy tiền vào trong lưu thông lại tác động đến lạm phát. Như vậy, việc nới hạn mức tín dụng hay không đều có tác động trái chiều. Song với nhu cầu vốn của DN hiện nay, nếu không nới thêm tín dụng, họ sẽ rơi vào cảnh thoi thóp vì thiếu vốn.
- Với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ước tính các NH sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, DN đủ điều kiện. Tuy nhiên việc giải ngân đến nay rất thấp. Vậy có thể kỳ vọng gói hỗ trợ được NH đẩy mạnh như NHNN đang yêu cầu, thưa ông?
- Thật sự tôi không kỳ vọng nhiều vào gói này. Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm được Chính phủ dùng để hỗ trợ các DNNVV, nhưng dễ nhận thấy các NH không mặn mà thực hiện. Vì đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% có nhiều rủi ro nên vẫn ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của NH.
Ngược lại, nếu NH cho vay lãi suất cao có thể bị thanh tra. Do vậy Chính phủ nên giao nhiệm vụ cho các NH phải thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất, thay vì để NH tự nguyện. Bởi lẽ các NH thích cho vay những DN tốt, có lợi nhuận cao, thay vì cho vay các DN rủi ro với lãi suất thấp, lợi nhuận thấp.
Dù vậy, cũng phải nhìn nhận rằng sự chậm trễ trong việc giải ngân gói hỗ trợ này một phần do room tín dụng năm nay hạn hẹp, phần khác do các quy định về điều kiện giải ngân khiến DN không đáp ứng được. Cụ thể, nhiều DN không còn tài sản thế chấp để được vay gói hỗ trợ.
Do đó, tôi đề xuất Chính phủ và NHNN giao chỉ tiêu cho các NH và các NH phải thực hiện gói này dưới sự giám sát của Chính phủ, NHNN. Đồng thời, có chính sách đặc biệt, cho phép các DN có thể được vay vốn tín chấp thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng 1 năm, thay vì yêu cầu tài sản đảm bảo.
NHNN cũng có thể khuyến khích các NHTM tham gia triển khai gói này, chẳng hạn cấp thêm room tín dụng nhưng một phần của room nới thêm phải dùng để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất…
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác