Hướng tới mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các đối tượng này.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay, sẽ giảm bớt được nhiều khó khăn cho các đối tượng được thu hưởng. Tuy nhiên, sau gần hai tháng có hiệu lực, việc triển khai vẫn rất chậm.
Sau 2 năm tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch bệnh, hiện tại các doanh nghiệp đang đầu tư nguồn lực, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng cao…
Nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, ngân hàng Nhà nước đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ, mặc dù vậy kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Ngọc Mạnh - Giám đốc Công ty ManMo Việt Nam cho biết: "Hai năm vừa qua chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, quy mô doanh nghiệp như nhân sự bị ảnh hưởng. Lý do chung đều là ngân sách tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn, thì khi nhận được quyết định được vay hỗ trợ lãi suất 2% thì doanh nghiệp chúng tôi đã lập tức là tìm hiểu, nghiên cứu và đang làm thủ tục để có thể đăng ký để nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ".
Để doanh nghiệp có thể hấp thụ tối đa được gói hỗ trợ này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng cần cho vay đối với các doanh nghiệp có các dự án sản xuất kinh doanh tốt, nên giải ngân dần dần theo tiến độ thực hiện dự án.
Chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường cho rằng, cần coi trọng phương án kinh doanh và việc quản lý dòng tiền để gói hỗ trợ lãi suất được đưa vào thực thi hiệu quả.
"Giai đoạn này là phải hết sức coi trọng đề án, phương án kinh doanh, nhìn sang phương án kinh doanh đấy nó làm gì? Có hiệu quả hay không? Đặc biệt là hiện nay, chúng ta nhìn thấy việc quản lý đồng tiền, dòng tiền đang được số hóa rất mạnh.
Do đó, tiền ngân hàng cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp làm gì, doanh nghiệp mua nguyên liệu của ai, mua máy móc, thiết bị của ai, sản phẩm bán cho ai, tiền thu về thế nào… ngân hàng đều biết chính xác. Do đó tôi nghĩ chúng ta đánh giá các dự án có khả thì chúng ta quản lý cho vay theo dòng tiền" - chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường cho biết.