Xuất siêu nhưng giá trị gia tăng ít
Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Chính phủ, Việt Nam đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu theo mục tiêu đã đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; tỷ giá, thị trường ngoại tệ, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố.
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%; thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 202.900 tỷ đồng so với số đã báo cáo. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng đạt 25,2%. Vốn đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp đạt mức cao kỷ lục là 1,4 tỷ USD.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ảnh: VIẾT CHUNG
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Chính phủ cần bổ sung, đánh giá sâu hơn hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp ngắn hạn đã thực hiện và tác động lan tỏa của những chính sách, giải pháp dài hạn được ban hành, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.
“Có nhận định cho rằng, các chính sách phản ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong một số thời điểm còn chậm, chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương; kế hoạch, lộ trình cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế chậm được ban hành. Nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới hồi phục khá tốt sau năm 2020 suy giảm. Việt Nam trở thành quốc gia có độ trễ 1 năm về tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cần làm rõ vấn đề này”, ông Vũ Hồng Thanh phát biểu.
Bên cạnh đó, dù xuất siêu nhưng tạo ra ít giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Trong khi khu vực FDI (cả dầu thô) xuất siêu 27,01 tỷ USD thì khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu cao, khoảng 22,9 tỷ USD. Cả đầu vào và đầu ra của công nghiệp chế biến, chế tạo, được coi là giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, đều phụ thuộc vào bên ngoài, hàm lượng giá trị gia tăng chủ yếu thuộc về khu vực FDI, phần giá trị khu vực kinh tế trong nước được hưởng rất thấp. Ông Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan ngại: “Có ý kiến cho rằng nếu cấu trúc sản xuất và xuất khẩu thời gian tới không được cải thiện, nguy cơ luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài ngày càng tăng, sẽ có tác động tiêu cực đến tỷ lệ tiết kiệm, tổng thu nhập quốc gia và khả năng đầu tư trong tương lai”.
Hạn chế rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tỏ ra sốt ruột vì đã gần nửa năm 2022 trôi qua mà tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng vẫn rất chậm. Người đứng đầu Quốc hội nêu rõ, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ được giải ngân trong 2 năm 2022-2023. “Nếu hết năm 2023 không giải ngân được sẽ trình Quốc hội dừng lại vì nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế nữa”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn nêu quan điểm.
Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 11-5 . Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình kỹ trước Quốc hội về việc chậm trễ điều hòa vốn vì “cơ chế đặc thù cũng cho hết rồi, không hiểu lý do vì sao chậm, cần phải báo cáo rõ”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cùng quan điểm: “Tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 43 còn hạn chế. Về căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm”.
Tại cuộc họp, nhiều ủy viên UBTVQH bày tỏ lo ngại về diễn biến bất thường của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội lo lắng: “Thị trường chứng khoán gần đây rất bất thường không ngày nào ổn định”.
Về trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng cho rằng thị trường này “đang quá nóng” và đề nghị công khai minh bạch với Quốc hội: “Tổng số trái phiếu phát hành là bao nhiêu, trong đó bất động sản là bao nhiêu. Nợ đến hạn là bao nhiêu, đến hạn mà không có khả năng thanh toán là bao nhiêu”.
Được mời phát biểu làm rõ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận: “Đây là bất cập rất lớn. Vừa qua chúng ta phát hiện và Chính phủ đã nhanh chóng có đánh giá, chỉ đạo các ngành, các cấp kiểm soát những vấn đề này”. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để hoàn thiện thể chế phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong lúc chưa sửa được thì theo dõi sát tình hình, đặc biệt là báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như những khoản cho vay bất động sản. Với số trái phiếu phát hành mới thì rà soát, đánh giá rủi ro.