Một ngân sách khổng lồ cho việc tái thiết chắc sẽ được thông qua, nhưng sau đó là gánh nặng cho thế hệ trẻ khi chính họ mới là người trả các khoản vay để tái thiết này qua tiền thuế.
Ngân sách khổng lồ cho tái thiết
Ngân sách khổng lồ cho tái thiết
Trong Dự báo kinh tế Mùa Hè 2020 của Ủy ban châu Âu công bố vào ngày 7-7 vừa qua, nền kinh tế EU năm nay sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng do Covid-19 gây ra. Lần suy thoái này là lần đầu tiên kể từ kết thúc Thế chiến lần thứ 2.
Tăng trưởng GDP thực của EU năm nay là -8,3%, kém hơn so với dự báo Mùa Xuân trước đó là -7,4%. Nếu mọi việc tái thiết thuận lợi, tăng trưởng của 2021 sẽ là +5,8%, thấp hơn so với dự báo Mùa Xuân là +6,1%.
Trong khi đó, lạm phát của khu vực này vẫn giữ như báo cáo Mùa Xuân ở mức 0,6% trong năm 2020 và 1,3% trong năm 2021. Với số liệu mới cập nhật như thế này, có lẽ các nhà lãnh đạo EU sẽ thuận lợi hơn trong việc đạt được những đồng thuận về kế hoạch ngân sách 2021-2027 cũng như kế hoạch tái thiết EU.
Theo Ủy ban châu Âu, đây là thời khắc quan trọng để EU sửa chữa và chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp của EU (Next Generation EU). Và vì vậy, gói tài chính tái thiết EU với giá trị lên đến 750 tỷ EUR được đặt tên là Next Generation EU. Trong số 750 tỷ eur này, 500 tỷ EUR dự kiến sẽ dành cho các khoản tài trợ, và 250 tỷ EUR còn lại là dành cho các khoản vay cho các nước thành viên.
Nhưng 750 tỷ EUR này dường như vẫn không đủ và EU cần một bazooka uy lực hơn, đó chính là việc điều chỉnh lại kế hoạch ngân sách 2021-2027 của EU, để có thể tạo được hỏa lực lên đến 1.850 tỷ EUR, khoảng 13,3% GDP của EU năm 2019. Bởi vì theo ước tính, nhu cầu tài chính của EU là rất lớn và cấp bách.
Về nhu cầu vốn đầu tư, EU ước tính trong năm 2021 và 2022 cần ít nhất 1.500 tỷ EUR, bao gồm cả thiệt hại từ đầu tư do Covid-19 và kế hoạch đầu tư hiện có của EU, tập trung vào phát triển xanh và chuyển đổi số.
Thêm vào đó, khu vực doanh nghiệp cũng có khoảng 25-35% thiếu hụt vốn hoạt động, cần khoảng 350-500 tỷ EUR. Và cuối cùng là ngân sách của các quốc gia thành viên, cần để bù đắp do thất thu từ thuế, và các khoản trợ cấp xã hội trong năm 2020, 2021 ước tính lên đến 1.700 tỷ EUR.
Và những quan ngại
Và những quan ngại
Không phải đến bây giờ, mà trước đây EU đã được ví như một gia đình đông con, trong đó có những người chí thú làm ăn, và có những người vô trách nhiệm, thoải mái chi tiêu và trông chờ vào sự hỗ trợ của các thành viên khác. |
Trong buổi họp trực tuyến ngày 19-6 vừa qua, lãnh đạo của 4 nước là Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Hà Lan đã thẳng thắn phản đối kế hoạch đề xuất bởi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, và bày tỏ quan ngại về các vấn đề nêu trên. Trong đó, họ nhấn mạnh đến việc tài trợ (grant) hay cho vay ưu đãi (loan), hay đứng ra bảo đảm cho các khoản vay.
Về vấn đề hoàn trả nợ, dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2028-2058, và đương nhiên nguồn thu vẫn là từ thuế. Theo Ủy ban châu Âu, cùng với chiến lược phát triển xanh và chuyển đổi số, nguồn thu thuế liên quan đến các hoạt động kinh tế này sẽ là một cấu phần quan trọng trong tổng nguồn thu.
Nhưng còn một điều quan trọng mà các chính trị gia EU có vẻ cố tình lảng tránh là việc tái thiết liên quan đến các doanh nghiệp. Số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp dự kiến sẽ không nhỏ, nhưng đang có một quan ngại về việc hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nếu hỗ trợ không kịp thời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ này sẽ kiệt quệ và trở thành con mồi của các doanh nghiệp lớn cùng ngành hay các doanh nghiệp lớn khác. Khi các doanh nghiệp nhỏ ngã gục, gói hỗ trợ đến với các doanh nghiệp lớn, vốn có nhiều lợi thế trong việc vận động hành lang (lobby), thì chẳng khác nào tiếp thêm vũ khí cho thợ săn.
Tên gọi của chương trình tái thiết EU là “Thế hệ kế tiếp của EU – Next Generation EU“. Theo bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu thì đây là giải pháp để sửa chữa, hồi phục EU, và vì tương lai của thế hệ EU kế tiếp.
Chúng ta không thể biết trước được hiệu quả của việc phân bổ nguồn tài chính này, cả về hiệu ứng lan truyền cũng như trách nhiệm của các thành viên EU. Nhưng một điều chúng ta biết chắc, đó là thế hệ trẻ hiện nay (đến 2028 vẫn trong tuổi làm việc và đóng thuế) và thế hệ trẻ kế tiếp, sẽ phải gánh tránh nhiệm để trả các khoản nợ này.
Một EU đã trải qua nhiều sóng gió để giữ được là một khối thống nhất dù luôn tồn tại sự khác biệt đáng kể giữa các nước thành viên về văn hóa, kinh tế, triết lý chính trị. Nhưng sự ra đi của Vương quốc Anh khỏi EU đầu năm nay đã cho thấy một cấu trúc không bền vững của EU.
Đại dịch Covid-19 ập đến, các nước coi việc chống dịch như là một cuộc chiến. Qua cuộc chiến này, có thể tinh thần đoàn kết sẽ được xiển dương và EU sẽ mạnh mẽ hơn, nhưng biết đâu đây cũng là giọt nước tràn ly khởi đầu cho các cuộc chia tay sắp đến.