Hà Nội cần hạ tầng giao thông hoàn thiện hơn là cần 100 trạm thu phí

(ĐTTCO)-Theo một số chuyên gia, khi hạ tầng giao thông của Hà Nội còn đầy những bất cập và chưa đáp ứng được thì việc thu phí nội đô sẽ chỉ gây thêm những bức xúc nơi phố thị…
TP Hà Nội muốn hạn chế ô tô vào nội đô phải sớm hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị và hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ.
TP Hà Nội muốn hạn chế ô tô vào nội đô phải sớm hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị và hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ.

“Bịt” 100 trạm, không cần thu phí cũng kín Hà Nội

Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học GTVT bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3.

Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm).

Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Đối tượng thu phí được đề án xác định là ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nhiều chuyên gia đánh giá đề án không khả thi, ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân khi vận tải hành khách công cộng và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.

Là người có chuyên môn về quy hoạch đô thị và rất am hiểu Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm-Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhìn nhận, việc thu phí vào nội đô các nước đã triển khai từ lâu, Hà Nội cũng đặt ra từ nhiều năm nay. Nhưng khó thực hiện nhất là do mạng lưới giao thông của mình hiện nay là sự kết hợp của nhiều mạng lưới giao thông, vừa là mạng lưới ô bàn cờ, vừa là mạng lưới vành đai và trục xuyên tâm nên khó thực hiện và thực không thể thành công được.

"Đề xuất thu phí xe vào nội đô lúc này là chưa thích hợp. Với đề xuất vừa rồi, tôi thấy chưa thể lọc sạch được ô tô vào nội đô. Bởi trong nội đô hiện nay có những khu vực áp lực rất lớn về giao thông nhưng cũng có những khu vực chưa phải áp lực lớn thì có nên đặt ở đó các trạm kiểm soát thu phí hay không. Đấy là vấn đề cần phải đặt ra, làm sao chọn ở những vị trí thích hợp nhất, đầu mối giao thông và đặc biệt phải xác định được các khu vực hạn chế giao thông”, ông Nghiêm nói. 

Ông Nghiêm cho rằng, đã đến lúc phải đặt ra vấn đề kiểm soát phương tiện ô tô vào nội đô theo kế hoạch đề ra. Phải xem xét lại luồng giao thông để tổ chức những điểm/trạm thích hợp thì mới đảm bảo được, nếu không hiệu quả sẽ không như mong muốn.

"Để thực hiện việc này có rất nhiều vấn đề, phải xem xét việc phân bố dân cư, đặc biệt phải xem xét lại việc tổ chức giao thông, bởi hiện nay có rất nhiều tuyến đường một chiều và người ta đã thấy có vấn đề rồi", ông Nghiêm nói.

Còn theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, Hà Nội cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân để có kết quả khảo sát thực tế chính xác, tạo sự đồng thuận cao, tránh việc gây phản cảm và bức xúc khi tiến hành triển khai.

Hà Nội cũng cần tính toán lại thời gian thu phí và chỉ nên thu phí ở giờ cao điểm để các chủ phương tiện chủ động điều tiết, hạn chế di chuyển, tránh ùn tắc giao thông.

"Trong phương án cần đưa ra mức thu phí đủ để các chủ phương tiện thay đổi cường độ di chuyển vào nội đô Hà Nội. Tức là số tiền đủ để chủ phương tiện sắp xếp lại thời gian, hạn chế số lượt di chuyển vào nội đô. Tuy nhiên, số tiền này không được cao quá và cũng không được thấp quá", ông Bình góp ý.

Hà Nội cần hạ tầng giao thông hoàn thiện hơn là cần 100 trạm thu phí ảnh 1
Theo đề án, Hà Nội dự kiến sẽ có 87 trạm thu phí vào nội đô.
Hà Nội đang thiếu gì?

Anh Nguyễn Văn Bằng ở Yên Nghĩa Hà Đông cho rằng, việc Hà Nội lựa chọn ranh giới đường Vành đai 3 để thiết lập trạm thu phí là không phù hợp và cứng nhắc, bởi đây không phải lằn ranh của khu vực tắc đường.

Thực tế, ở nhiều khu vực bên ngoài vành đai 3 như khu vực đường Hồ Tùng Mậu, QL32, hay thậm chí Đường Tố Hữu, Nguyễn Trãi... hàng ngày mức độ ùn tắc còn kinh khủng hơn khu vực nội đô rất nhiều. Do vậy, nếu thu phí vào nội đô, các phương tiện dồn ứ, ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn. 

“Tôi nghĩ rằng việc thu phí này nếu thực hiện sẽ nảy sinh nhiều vấn đề với cả cơ quan chức năng và người dân. Lãnh đạo TP. Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông công cộng, các tuyến metro chậm tiến độ để người dân có phương tiện công cộng đi lại, không cần thu phí thì người dân cũng sẽ dùng phương tiện công cộng này”, anh Bằng nói.

Còn anh Phạm Anh Tú ở Phúc Đồng, Long Biên thì cho rằng, với hạ tầng như hiện tại nếu không cải thiện thì chỉ 1, 2 năn nữa Hà Nội không cần thu phí cũng ùn tắc hết.  Chưa kể, nếu tính như hiện tại, mức phí dự kiến thu phí từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt là một khoản không hề nhỏ đối với người dân. Trong khi người có xe ô tô đã có đủ loại phí cầu đường, dịch vụ, giờ lại thêm phí ùn tắc thì quá là vô lý.

“Ngày nào tôi đi làm cũng bị ùn tắc rồi, lúc đi thì tắc từ Nguyễn Văn Cừ sang Chương Dương, Trần Nhật Duật, chiều về tắc từ cầu Chương Dương sang Nguyễn Văn Cừ. Theo tôi lãnh đạo TP Hà Nội cần lắng nghe ý kiến người dân, chuyên gia, không nên làm mấy việc lẻ mẻ chỉ định để thu tiền người dân. Thay vào làm trạm thu phí thì nên có đề án phát triển hạ tầng giao thông nội đô, giảm bớt các cơ sở ra khỏi nội thành thì thiết thực với người dân hơn”, anh Tú nói. 

Nhà báo Phạm Trung Tuyến-Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam khi nghe Chủ tịch Hà Nội "hé lộ" một chút về khả năng thu phí phương tiện hoạt động trong một số khu vực nội đô đã cho rằng, đó cũng là một giải pháp, động cơ thì tốt, vì đến lúc phải quyết liệt hạn chế xe cá nhân rồi, nhưng cần phải tính toán hợp lý không thì lại “tác dụng ngược”.

“Thu phí theo khu vực là giải pháp khá phức tạp về mặt kỹ thuật, và chi phí. Trong khi điều Hà Nội cần, là một giải pháp toàn diện hơn, vừa hạn chế phương tiện ở mức cao nhất có thể, vừa có thể đem lại nguồn thu để phát triển giao thông công cộng. Đó là đòi lại lòng đường, vỉa hè, và tăng phí đỗ xe trong nội đô”, nhà báo Phạm Trung Tuyến nói.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến phân tích, lòng đường, vỉa hè Hà Nội hiện đang được khai thác để trông giữ xe ở hầu hết mọi tuyến phố nhưng không có một sự quản lý một cách nhất quán, mà được chia nhỏ ra cho rất nhiều doanh nghiệp khai thác một cách lem nhem, thiếu minh bạch.

“Nếu như Hà Nội thu hết về, quy hoạch một cách có trật tự các điểm đỗ, đặt cột thu phí tự động và phạt nguội các chủ phương tiện trốn phí, đỗ xe trái phép thì đây sẽ là một nguồn thu lớn mà không bị thất thoát, dễ dàng kiểm soát một cách minh bạch. Vỉa hè tuyệt đối không được dùng để đỗ xe, dù là ô tô hay xe máy. Nhiều năm trước, Hà Nội đã từng làm được việc này và tất cả xe máy đều phải để trong nhà. Tuy nhiên, khi những phần vỉa hè được cho doanh nghiệp thuê để trông giữ xe thì người dân không còn tôn trọng việc cấm đỗ xe trên hè nữa…”, ông Tuyến đề xuất.

Để hạn chế xe cá nhân, và có tiền để phát triển hạ tầng giao thông công cộng, Nhà báo Phạm Trung Tuyến kiến nghị TP. Hà Nôi nên quyết liệt đòi lại lòng đường vỉa hè.

“Thành phố quản lý, và thu tiền trông giữ xe với mức giá thật cao ở những chỗ có thể đỗ xe, chỗ cản trở giao thông thì quyết không cho đỗ. Ai thực sự có nhu cầu đi xe vào phố, phải trả phí cao để đỗ xe mới đi xe thôi, không thì đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng. Đó cũng là cách hạn chế xe cá nhân tốt”, ông Tuyến nói.

Các tin khác