Hà Nội có xóa bỏ được nhà phố thấp tầng ở vùng lõi?

(ĐTTCO) - Gần đây, giới chuyên môn ở Hà Nội không ngớt bàn tán về một đề xuất được coi là táo bạo trong hội thảo “Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng ở Hà Nội thiếu khả thi.
Đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng ở Hà Nội thiếu khả thi.

Hội thảo này là một trong số các hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 15-NQ/BCT của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đề xuất này có nội dung là xóa bỏ hoàn toàn các nhà phố, nhà trệt, nhà ống (không động chạm đến các di sản và di tích) ở vùng lõi Hà Nội để xây nhà cao tầng. Việc xóa bỏ này là làm trắng các nhà cũ, thấp tầng kể cả nhà dân, các công sở và các loại nhà dịch vụ.

Vùng lõi của Hà Nội bao gồm 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng, với tổng diện tích 30km2. Nếu mô hình này thành công sẽ áp dụng vào vùng lõi TPHCM 930ha (quận 1, 3, một phần quận 4 và Bình Thạnh) và các quận kế vùng lõi.

Nhóm đề xuất đã đưa ra các lý lẽ thuyết phục: Việc tái cấu trúc theo hướng các cao ốc như thế sẽ sử dụng đất hiệu quả hơn, đưa người dân vào các chung cư cao tầng, phần đất dư ra rất lớn dùng để làm công viên cây xanh, dành cho các công trình công cộng vốn đang rất thiếu như nhà trẻ, trường học, bệnh viện.

Đặc biệt, giao thông được tổ chức lại theo hướng hiện đại thông thoáng, thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho phát triển giao thông công cộng, và xe đạp. Thêm vào nữa, khi tái cấu trúc như thế sẽ khắc phục được tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, kéo theo đó là các sông được hồi sinh.

Tuy nhiên, cũng lưu ý định hướng này sẽ không áp dụng cho khu vực xác định là khu vực nội đô lịch sử, với những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, như nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác có ý nghĩa chính trị-văn hóa. Chính từ đề xuất này làm người dân một phen nữa xôn xao, giống như khi nghe tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm hay mở đại lộ Hồ Tây - Ba Vì.

Trước hết, cần khẳng định ý tưởng này không phải là mới trên thế giới và ở Việt Nam. Ở TPHCM, vào đầu năm 2000 cũng đã có nhóm chuyên gia đề xuất tái cấu trúc khu vực nội thành thành phố, nhưng không được sự đồng thuận của chính quyền và người dân. Trên thế giới, Trung Quốc là nước thành công ở hầu hết thành phố lớn.

Trước năm 1980, tất cả thành phố của Trung Quốc tràn ngập loại hình nhà trệt, thấp tầng được xây cất bằng vật liệu đơn giản, chiếm đến 70% điện tích của một thành phố. Khi bắt đầu tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc kiên quyết thực hiện một cuộc cải cách nhà ở kéo dài trong 20 năm.

Đến nay, các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải, và nhất là các thành phố ở phía Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến không còn loại hình nhà trệt nữa. Tại các thành phố này hầu hết người dân sống trong các chung cư cao tầng, chỉ còn lại một vài khu nhà trệt lưu giữ làm kỷ niệm, hoặc chúng nằm ở khu phố cổ được coi là di sản văn hóa như khu Hồ Đồng của Bắc Kinh.

Quay trở lại với bối cảnh của Việt Nam, cần phải nói ngay đây là ý tưởng tốt, nếu thành công sẽ mang lại đa lợi ích, nhưng dường như không thể thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Muốn xóa bỏ hết nhà thấp tầng để làm cao tầng cần khoản tài chính cho một khu vực vài trăm ha là rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền cũng không dễ thực hiện, vì động chạm trực tiếp đến quyền lợi, phương thức mưu sinh, ký ức, kỷ niệm, văn hóa truyền thống của một cộng đồng đa văn hóa với hàng triệu người.

Sở dĩ Trung Quốc làm được vì họ biết chọn đúng thời điểm. Theo đó, ngay khi cải cách mở cửa, người dân Trung Quốc có nhu cầu cần nhà ở, trong khi vào thời điểm đó đa phần nhà của dân đã cũ, xuống cấp cần phải thay đổi. Do vậy, khi chính phủ nước này chủ trương xây dựng chung cư mới, người dân được tiếp cận tới điện, nước đầy đủ nên họ không phản đối.

Ở Việt Nam, thời điểm vàng như thế đã qua. Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, đời sống người dân khá lên, họ bỏ ra rất nhiều tiền để xây mới từ những ngôi nhà nhỏ riêng lẻ, nhà tập thể được Nhà nước phân cho thành các nhà kiên cố 4-5 tầng. Đến thời điểm này, 100% nhà dân đơn lẻ ở Hà Nội được xây mới, cải tạo, hầu như không còn nhà lá, nhà tôn, nhà lợp bằng giấy dầu hay phibrocoment nữa.

Như thế, nếu đập bỏ và tiến hành giải tỏa đền bù sẽ phải tốn rất nhiều tiền. Hơn nữa, người dân thành thị nước ta có vẻ thích sở hữu nhà gắn liền với đất hơn là căn hộ chung cư, vì dù sao đất cũng bền vững hơn là sở hữu một căn hộ trên cao có thời hạn.

Tại TPHCM có một khu dân cư nghèo, nhà ở hầu hết là tạm bợ, ở ngay giữa trung tâm thành phố. Đó là khu Mả Lạng, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố quyết tâm giải tỏa để xây các chung cư cao tầng. Dự án này do một chủ đầu tư có tiếng giàu có là Bitexco thực hiện từ năm 2000, trên diện tích có 6,8ha với 1.400 hộ dân. Vậy nhưng, suốt hơn 20 năm không sao thực hiện được, cho thấy việc xóa bỏ một khu dân cư thấp tầng để làm cao tầng thực không dễ.

Tuy nhiên cũng cần nói rằng, việc tái cấu trúc toàn bộ một khu vực rất khó nhưng từng khu vực, từng mảnh vẫn có thể thực hiện được. TPHCM đã từng có một thời gian rộ lên việc móc lõm để xây chung cư, tức chủ đầu tư thỏa thuận được với một số hộ dân đồng ý vào chung cư để họ có được miếng đất sạch chừng 2.000m2 là có thể xây được chung cư. Hoặc xây dựng chung cư ở khu trung tâm gắn liền với các dự án công ích, chẳng hạn như kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tân Hóa-Lò Gốm…

Các nhà khoa học cứ việc nghiên cứu, nhưng nếu các đề xuất còn non, chưa chín, đừng vội công bố trên báo chí, truyền thông. Bởi dù điều này làm các nhà khoa học hãnh diện, nhưng người dân lại một phen bị xáo trộn. Trong khi thời gian qua, những tuyên ngôn như thế khá nhiều ở Hà Nội và TPHCM.

Các tin khác