Chiều 11/9, ông Đinh Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, 2 năm thực hiện thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (1/9/2016-1/9/2018) đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước.
“2 năm qua đã tổ chức hàng trăm sự kiện và nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phòng phú, đa dạng ấn tượng, trong đó đã có 185 sự kiện văn hóa được tổ chức quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 8 tỉnh, thành phố trong nước và 17 quốc gia tiêu biểu”, ông Phong cho biết.
Theo Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận góp phần hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh Hồ Hoàn Kiếm (di tích Quốc gia đặc biệt), góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội- Thành phố hòa bình; kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và Thành phố.
Cụ thể, lượng du khách trong và ngoài nước đến phố đi bộ trung bình ban ngày có khoảng 3.000 đến 5.000 người, buổi tối khoảng 15.000 người, những thời điểm có sự kiện lớn trên 30.000 người.
Lượng du khách lưu trú đến đến quận Hoàn Kiếm và Thành phố tăng nhanh, trong năm 2017 là hơn 1,776 triệu lượt người tăng 33% so với năm 2016, tăng 33% so với năm 2016. 9 tháng năm 2018 tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017.
Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ du lịch tăng 594 cơ sở kinh doanh.
Trên địa bàn quận có 585 khách sạn và cơ sở lưu trú, tăng 121 cơ sở so với năm 2017, trong đó có 225 khách sạn được xếp hạng, gắn sao. Thu ngân sách dự kiến ước năm 2018 đạt khoảng 7.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Hồng Phong, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải do thói quen người dân và du khách chỉ đến gửi xe tại sát điểm khu vực đi bộ, trong khi các điểm khác xa hơn lại vắng người gửi do vậy một số hộ dân gần không gian đi bộ đã tận dụng vỉa hè, ngõ trông giữ xe trái phép, thu vé giá cao.
Hiện tượng ô tô xe máy, taxi dừng đỗ trước và sau hàng rào an ninh các chốt ra vào, đặc biệt là khu vực tuyến phố Đinh Liệt dẫn đến ùn ứ tại các nút giao thông vào giờ cao điểm.
Người dân bán hàng rong, dắt chó không rọ mõm chưa được giải quyết triệt để.
Các hoạt động dịch vụ, thương mại đang tổ chức thí điểm chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Đồ lưu niệm sản phẩm chưa thực sự đặc trưng, mặt hàng còn ít. Tình trạng vứt rác tùy tiện xung quanh hồ và các cửa hàng kem chưa được giải quyết. Các nhà vệ sinh công cộng trong khu vực đi bộ chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Một số chỉ đạo của TP giao như: Thả chim bồ câu, Quy hoạch tổng thể các khu vực kinh doanh dịch vụ; lắp đặt hệ thống camera giám sát không gian đi bộ còn chậm triển khai.
Theo ông Đinh Hồng Phong, quận Hoàn Kiếm báo cáo đề xuất Thành phố 2 phương án kết thúc thí điểm và chính thức triển khai không gian đi bộ.
Phương án 1 vào thời điểm ngày 10/10/2018 hoặc ngày 1/1/2019. Phương án 2 là triển khai chính thức sau khi đã hoàn thành dự án đầu tư cải tạo nâng cấp chỉnh trang xung quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Trao đổi với báo chí, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm: UBND quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất Thành phố mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực Hồ Hoàn Kiếm để giảm áp lực đông người, phù hợp thực tiễn và kết hợp 2 không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng.
Trước mắt, đề xuất Thành phố Hà Nội cho phép triển khai ngay tuyến phố đi bộ tại phố Đinh Liệt vào ngày 10/10/2018, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ. Đồng thời nghiên cứu mở rộng không gian đi bộ về phía Đông khu vực Hồ Hoàn Kiếm để kết nối khu vực Nhà hát lớn, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch đang nghiên cứu không gian mở hoàn chỉnh chức năng cụm công trình văn hóa trọng điểm Thủ đô.