Hạn chế cho vay đầu cơ, rộng cửa với nhu cầu chính đáng

(ĐTTCO) - Lãi suất tiết kiệm ở mức thấp nhất từ trước đến nay đã khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “sốt” đất tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tiền đổ vào bất động sản 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết quý 1-2021, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020. Đáng lưu ý, tín dụng bất động sản tăng 3%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy, dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng dần lên theo từng quý trong năm 2020. Cụ thể, quý 1-2020 dư nợ tín dụng chảy vào bất động sản đạt 526,396 tỷ đồng, đến quý 2 tăng lên 580,186 tỷ đồng, quý 3 là 606,253 tỷ đồng và quý 4 lên 633,470 tỷ đồng. 

Hoạt động giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: PHAN LÊ

Hoạt động giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: PHAN LÊ

Nhận định về thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp khiến một lượng lớn vốn trong dân chảy vào bất động sản, đẩy các kênh đầu tư này tăng trưởng mạnh thời gian qua. 

Ghi nhận thực tế cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng ở mức bình quân trong 1-2 năm đầu khoảng 7%-8%/năm, sau đó thả nổi cộng thêm từ 2%-3%/năm tùy ngân hàng. Riêng lãi suất cho vay mua nhà tại các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thấp hơn 1%-3%/năm so với các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước. Mức lãi suất này được đánh giá là hợp lý để đầu tư trong bối cảnh thị trường bất động sản đang tăng.

Chị Thảo Ngọc (quận 2, TPHCM) cho biết, với 5 tỷ đồng gửi ngân hàng trước đây, do lãi suất tiền gửi giảm khá nhiều, trong khi lãi suất cho vay khá tốt nên chị quyết định vay ngân hàng thêm 5 tỷ đồng để đầu tư nhà, đất. Theo chị Ngọc, “lướt” trên thị trường nhà đất đang có “sóng” với mức sinh lời khoảng 20%-30%, cao hơn rất nhiều so với tiền gửi ngân hàng nên chị đã có quyết định này. “Tuy nhiên, để vay được ngân hàng, vợ chồng tôi phải chứng minh khả năng trả nợ hàng tháng bằng nhiều nguồn thu nhập khác nhau ngoài lương như tiền cho thuê nhà và thậm chí phải chứng minh bằng dòng tiền mua bán bất động sản thời gian qua thông qua tài khoản ngân hàng mới được ngân hàng cho vay”- chị Ngọc chia sẻ. 

Liên quan đến tín dụng bất động sản, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tín dụng bất động sản được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đối tượng kinh doanh bất động sản để đầu cơ, đầu tư và họ nhắm tới dự án bất động sản cao cấp. Những bất động sản này có tính thanh khoản không cao nên người vay mua là đối tượng mà NHNN chủ trương hạn chế cho vay. Những người mua nhà ở giá rẻ, nhà ở có tính chất thương mại, phục vụ nhu cầu ở thực thì ngân hàng hàng vẫn chủ trương cho vay. Các NHTM luôn đáp ứng nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân khi cần vay tiêu dùng, kể cả tiêu dùng bất động sản. “Mức tăng tín dụng 3% trong 3 tháng đầu năm 2021 không phải ở tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ ở một vài ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản nhanh hơn so với trước đây”- ông Tú cho hay.

Tăng cường quản lý chặt dòng tiền 

Nhiều NHTM cho biết, tín dụng bất động sản hiện nay không quá đáng ngại vì phần lớn lượng tiền đầu tư bất động sản chủ yếu đến từ vốn cá nhân nên thị trường bất động sản tiềm ẩn ít rủi ro hơn. Theo lãnh đạo một chi nhánh Ngân hàng Vietcombank tại TPHCM, hiện ngân hàng vẫn đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng vay mua bất động sản để ở và những dự án mà ngân hàng liên kết hoặc bảo lãnh tín dụng.

Đơn vị này hầu như không cho vay mua đất nền đầu cơ, đặc biệt ở những khu vực có giá đất cao, có dấu hiệu “sốt nóng”. “Tất cả các hợp đồng tín dụng cho vay lĩnh vực này đều có tài sản thế chấp và chỉ được vay tối đa 70% giá trị bất động sản được thế chấp với mức định giá rất sát sao. Việc định giá do một doanh nghiệp chuyên ngành thực hiện theo yêu cầu của ngân hàng. Điều quan trọng nữa, người vay phải chứng minh dòng tiền để trả nợ mới được vay vốn”- vị này khẳng định. 

Hạn chế cho vay đầu cơ, rộng cửa với nhu cầu chính đáng ảnh 1Khách xem dự án căn hộ tại quận 8. Ảnh: CAO THĂNG

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc đổ xô đầu tư bất động sản khiến thị trường này “nóng”. Ngoài lý do lãi suất tiền gửi giảm còn có nguyên nhân là nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chốt lời, đem lợi nhuận đổ vào mua bất động sản. Trong đó, cũng có không ít người chuyển sang đầu tư bất động sản vì thời gian qua có một số tỉnh, thành phố công bố quy hoạch nên nhà đầu tư nghĩ có quy hoạch thì giá đất sẽ lên. Cùng với đó, hiện dòng vốn rẻ (do dịch bệnh nên ở nhiều nơi hoạt động sản xuất kinh doanh chậm lại - nhu cầu vốn ít đi) nhiều hơn so với giai đoạn trước đây nên dòng tiền này đổ vào các kênh sinh lời tốt, trong đó có bất động sản khiến thị trường này tăng mạnh. 

Đánh giá về thị trường bất động sản, Phó Thống đốc Thường Trực NHNN Đào Minh Tú  cho biết, NHNN luôn quan tâm và kiểm soát chặt dòng tiền đổ vào lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản để cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu bất ổn. Trên thực tế, NHNN đã hạn chế tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tối đa là 40%; áp dụng tỷ lệ hệ số rủi ro 150% với các khoản vay có dư nợ trên 4 tỷ đồng mà cá nhân vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng. 

Hiện giá bất động sản tăng nóng ở một số địa phương đã được nhận diện, đánh giá, phân tích với nhiều nguyên nhân, lý do, trong đó có nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất là do một số địa phương công bố quy hoạch mới. Trước tình hình này, NHNN đã yêu cầu các NHTM tăng cường quản lý chặt dòng tiền để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đi đúng vào lĩnh vực cần thiết, hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro. Song song đó, theo dõi sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, tránh việc vay vì các lý do khác nhưng bản chất đầu tư vào bất động sản. Chính vì thế, nguyên nhân thị trường bất động sản tăng không phải xuất phát từ tín dụng bất động sản. “Để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, tránh gây ra “bong bóng”,  đảm bảo an toàn vĩ mô, ngoài việc thắt chặt dòng tiền của các tổ chức tín dụng cũng cần có chính sách đồng bộ của các bộ ngành chức năng đối với thị trường bất động sản”, ông Đào Minh Tú cho hay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phụ trách NHNNchi nhánh TPHCM:

Tín dụng chảy vào bất động sảntại TPHCM vẫn trong tầm kiểm soát


Tín dụng cho bất động sản ở TPHCM đến nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2020, tương đương mức tăng bình quân chung của tín dụng trên địa bàn. Dư nợ cho vay bất động sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn hiện khoảng 350.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,5% trong tổng dư nợ. Hiện việc quản lý vốn tín dụng chảy vào bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát. Bởi lẽ trước đây, các NHTM đã quá thấm thía bài học về cho vay bất động sản trong những cơn sốt đất nên các NHTM rất thận trọng trong cho vay nhằm tránh nợ xấu, nhất là trong bối cảnh giá nhà đất tăng mạnh.


TS Lê Minh Ngọc, chuyên gia tài chính ngân hàng:

Cần tính toán kỹ khi vay vốn ngân hàng

Nhà đầu tư bất động sản, F0 hay Fn (nhà đầu tư mới hoặc cũ) đang định vay vốn ngân hàng để “lướt sóng” cần tính đến khả năng lãi suất sẽ tăng lên trong thời điểm không xa, đồng thời cần tính đến chuyện lỗ lãi thế nào và khả năng chịu đựng về mặt tài chính của mình ra sao trong trường hợp không kịp “thoát hàng”. Ngay cả những người mua bất động sản có mục đích để ở, nhất là những người làm công ăn lương và không có nguồn lực tài chính dự phòng cũng cần thận trọng, đặc biệt là nếu quyết định mua được đưa ra hiện nay chỉ bởi lãi suất cho vay của ngân hàng đang “mềm”, làm cho việc mua bất động sản trả góp trở nên sáng sủa, khả thi hơn bao giờ hết. Bài toán cần làm là vạch ra các kịch bản lãi suất tăng lên khác nhau rồi tính toán khoản trả góp hàng tháng so với tổng thu nhập để xem mình có khả năng tài chính trụ được hay không, và trong bao lâu. Đừng nghĩ lãi suất sẽ được kiểm soát để không tăng lên đến lúc mọi chuyện xảy ra ngoài tầm kiểm soát sẽ dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Các tin khác