Hàng triệu người bị “rớt” khỏi tầng lớp trung lưu vì đại dịch Covid-19

(ĐTTCO) - Ước tính có khoảng 150 triệu người phải rời khỏi tầng lớp trước đó trong năm 2020, lần giảm đầu tiên trong gần 3 thập kỷ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một trong những xu hướng kinh tế quan trọng nhất trong vài thập kỷ qua là sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu toàn cầu. Kỳ vọng rằng nhóm người tiêu dùng này sẽ tiếp tục phát triển không ngừng, khi thu nhập ngày càng tăng ở các nước đang phát triển đã giúp hàng triệu người thoát nghèo mỗi năm, là cũng là giả định chính trong kế hoạch kinh doanh của các công ty đa quốc gia và chiến lược danh mục đầu tư của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Bây giờ, điều này lại vừa được thêm danh sách các sự thật kinh tế đã bị đảo ngược bởi đại dịch lần này. Lần đầu tiên kể từ những năm 1990, quy mô tầng lớp trung lưu toàn cầu thu hẹp vào năm ngoái, theo ước tính gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Khoảng 150 triệu người - một con số tương đương với dân số của Vương quốc Anh và Đức cộng lại - đã bị rơi ra khỏi nhóm trung lưu vào năm 2020, trong đó Nam Á và châu Phi cận Sahara chứng kiến mức sự sụt giảm lớn nhất.

Hàng triệu người bị “rớt” khỏi tầng lớp trung lưu sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.
Lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tại các quốc gia đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể (Nguồn: Bloomberg)

Việc xác định các chỉ số của tầng lớp trung lưu toàn cầu này từ lâu đã là một hành động gây tranh cãi. Pew, người đã nghiên cứu chủ đề này trong hơn một thập kỷ, cho rằng những người có thu nhập trung bình từ 10,01 USD đến 20 USD một ngày, sử dụng dữ liệu giúp đồng nhất sức mua giữa các quốc gia. 

Trong phân tích của Pew, có một nhóm thu nhập trên trung bình riêng biệt bao gồm những người kiếm được 20,01 USD đến 50 USD một ngày. (Lưu ý rằng 50 USD mỗi ngày thấp hơn so với mức lương tối thiểu của một người lao động ở Mỹ tính trước thuế trong một ngày 8 giờ lao động).Những người khác, chẳng hạn như Viện Brookings, đã định nghĩa nhóm trung lưu rộng hơn, từ 10 đến 100 USD một ngày.

Tổng hợp lại, nhóm thu nhập trung bình và trên trung bình của Pew bao gồm khoảng 2,5 tỷ người, tương đương một phần ba dân số thế giới. Chôn giấu bên trong những con số lớn này là rất nhiều câu chuyện cá nhân. Sau đây là những câu chuyện từ bốn người đến từ Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Thái Lan. 

Đó là những câu chuyện về những thành quả khó nhọc đạt được song đã bốc hơi chỉ sau một đêm, và cả những công việc được trả lương cao của họ. Những thứ xa xỉ họ từng có thể tiếp cận như bít tết cho bữa tối hoặc truy cập internet tại nhà, giờ đã ngoài tầm với. Những giấc mơ bị trì hoãn, dù là ô tô hay căn hộ.

Rất nhiều người đang phải đối mặt với một tương lai bất định hơn nhiều so với những năm trước đây. Trung Quốc, theo định nghĩa của Pew là nơi sinh sống của một phần ba tầng lớp trung lưu trên thế giới, dường như đang phục hồi nhanh chóng, nhưng nhiều quốc gia đang phát triển khác phải đối mặt với triển vọng kinh tế suy giảm.

Trong Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF dự đoán nền kinh tế toàn cầu vào năm 2024 sẽ nhỏ hơn 3% so với chính nó nếu không xảy ra đại dịch, phần lớn là do các chính phủ đang phát triển có ít dư địa hơn để chi tiêu theo cách của họ để phục hồi, như Mỹ và Châu Âu đang làm.

Hàng triệu người bị “rớt” khỏi tầng lớp trung lưu sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.
Sự sụt giảm GDP xuất hiện nhiều nhất tại các quốc gia đang phát triển (Nguồn: Bloomberg)

Sự phân hoá là rất rõ ràng. Theo dự báo của Bloomberg Economics, Ấn Độ sẽ kết thúc năm 2021 với GDP thấp hơn 5,2% so với nếu không có đại dịch. Sản lượng của Indonesia sẽ nhỏ hơn 9,2% so với xu hướng trước khủng hoảng đã báo trước. Còn con số được chứng kiến ở Mỹ chỉ là 1.6%

Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, lo lắng rằng chúng ta mới chỉ bắt đầu chú ý đến những tác động kinh tế bậc hai của đại dịch và rằng tốc độ tăng trưởng phục hồi đang bị nhầm lẫn với một sự phục hồi lâu dài.

Tiêm chủng đang tiến hành chậm hơn nhiều ở các quốc gia nghèo hơn, những nước vẫn chưa được tiếp cận với vắc-xin giống như những nước giàu có. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Reinhart cho biết, tại nhiều nền kinh tế mới nổi, các ngân hàng đang tự hỏi liệu sự gia tăng cho vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ trong những năm trước đại dịch sẽ làm hại chính họ. Bà lo lắng rằng những người cho vay sẽ cắt giảm tín dụng, điều này có thể làm trì hoãn quá trình hồi phục kinh tế.

Reinhart cũng lo ngại rằng ở một số quốc gia, các chính phủ có thể buộc phải chuyển sang chế độ thắt lưng buộc bụng sớm vì họ không thể gánh nổi các khoản nợ ngày càng tăng của mình. Và trong khi lạm phát ở Mỹ và châu Âu được kiềm chế, ở những nơi như Brazil, giá lương thực đang tăng vọt, điều này khiến các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm. Bà nói, nền kinh tế toàn cầu đang "phân đôi". "Đây đã là một năm rất dài, và tôi nghĩ rằng những thiệt hại có thể xảy ra đang bị đánh giá thấp."

Giấc mơ sở hữu ô tô bị trì hoãn

Ravi Kant Sharma đã dành hơn một thập kỷ tiết kiệm để mua một chiếc Maruti Suzuki Alto trị giá 6.000 USD, chiếc xe đầu tiên mà nhiều người Ấn Độ mua khi họ thực hiện cú "nhảy vọt" từ xe hai bánh sang xe bốn bánh. Anh bắt đầu năm 2020 với đủ tiền trả trước và có kế hoạch kỷ niệm ngày cưới sắp tới sẽ hoàn tất việc mua sắm. Thế nhưng đại dịch đã làm thay đổi tất cả những dự định đó.

Khi nền kinh tế Ấn Độ đóng băng, Sharma, 37 tuổi, mất đi công việc là một kỹ sư ô tô. Anh đã tìm được một công việc mới nhưng ở một thành phố khác và với mức lương thấp hơn. Sự thay đổi này đã bào mòn số tiền tiết kiệm và khiến giấc mơ sở hữu xe hơi của anh phải hoãn lại. Gia đình bốn người của anh vẫn sẽ tiếp tục phải dựa vào chiếc xe máy cũ trong một thời gian tới. "Tôi đã tiêu hết tiền tiết kiệm. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc trả góp các khoản vay hiện có", Sharma chia sẻ tỏng căn hộ mới của mình ở Bahadurgarh, gần New Delhi.

Sharma là một phần của tầng lớp trung lưu Ấn Độ, theo một số ước tính, chiếm một phần ba dân số 1,3 tỷ người của đất nước. Sự tăng trưởng của nó đã thu hút các công ty đa quốc gia sản xuất mọi thứ, từ ô tô đến điện thoại di động, cũng như những gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử tới thiết lập các hoạt động tại nước này. Vì vậy, một tác động đến thu nhập của tầng lớp trung lưu mang lại hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đại dịch đã phơi bày điều mà nhà khoa học chính trị Leela Fernandes gọi là "sự mong manh về kinh tế xã hội" của tầng lớp trung lưu Ấn Độ, điều mà bà ví như "bong bóng thị trường chứng khoán đang chực vỡ".

Cũng như các quốc gia khác, những người nghèo nhất của Ấn Độ đã phải gánh chịu nhiều nhất nỗi đau kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid-19, như Fernandes cho biết. Nhưng suy thoái kinh tế cũng đã xóa sổ các công việc cổ cồn trắng như kỹ sư và giáo viên. Khoảng 21 triệu người làm công ăn lương bị mất việc làm từ tháng 4 đến tháng 8 năm ngoái, theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ.

Kết quả là tầng lớp trung lưu của Ấn Độ giảm 32 triệu người vào năm 2020, chiếm 60% sự sụt giảm trên toàn thế giới về số người kiếm được từ 10 đến 20 USD một ngày, theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Đây có lẽ là sự đảo ngược xu thế lớn nhất mà Ấn Độ từng chứng kiến kể từ khi nước này bắt đầu tự do hóa nền kinh tế vào năm 1991.

Các hiệu ứng gợn sóng đã đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực ô tô của Ấn Độ, lĩnh vực lớn thứ tư trên thế giới và chiếm một nửa tổng sản lượng sản xuất của cả nước. Lĩnh vực này đã chứng kiến doanh số bán xe giảm hơn 18% trong 12 tháng tính đến tháng Hai.

Sharma lớn lên ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ và là thế hệ thứ ba trong gia đình theo học đại học. Anh đã làm việc chăm chỉ để nuôi dưỡng hai con gái đang tuổi đi học và vợ mình khỏi tác động kinh tế của đại dịch. Tuy nhiên, thật khó để bỏ qua việc kế hoạch được sắp đặt tốt của anh ấy đã bị phá vỡ như thế nào.

Từ thịt bò đến trứng

Thận, lưỡi, gan. Francinete Alves không thích ăn nội tạng động vật, nhưng đó là những gì bà đang cân nhắc mang về nhà từ cửa hàng bán thịt giảm giá ở ngoại ô Brasilia. Ít nhất thì bữa tối sẽ không chỉ có mỗi món trứng tráng nữa.

Đối với Alves và cô con gái 24 tuổi, bên cạnh những ngày Thứ Hai không có thịt thì họ đã bắt đầu có thêm cả ngày Thứ Ba không có thịt . Brazil, quốc gia nổi tiếng toàn cầu với món bít tết churrascaria, đang chiến đấu với đợt bùng phát Covid-19 nguy hiểm mà không có dấu hiệu đạt đỉnh và hậu quả kinh tế của nó đã được phản ánh phần nào trong chế độ ăn uống của tầng lớp trung lưu Brazil.

Dữ liệu từ cơ quan nông nghiệp quốc gia Conab cho thấy cư dân của quốc gia xuất khẩu thịt bò số 1 thế giới đang ăn ít thịt bò hơn. Mức tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người giảm 5% xuống còn 29,3kg (64,6 pound) vào năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 1996. Đồng thời, tiêu thụ trứng tăng 3,8%, đạt mức cao mới theo số liệu chính thức.

Hàng triệu người bị “rớt” khỏi tầng lớp trung lưu sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.
Khi giá cả gia tăng, người dân đã lựa chọn tiêu thụ gà và trứng nhiều hơn thay vì bò (Nguồn: Bloomberg)

Alves, 58 tuổi, may mắn ở chỗ bà vẫn giữ được công việc làm trợ lý văn phòng. Mức lương hàng tháng 5.000 reais (881 USD) của bà là quá cao để có thể đủ điều kiện nhận chuyển tiền mặt khẩn cấp từ chính phủ khi bắt đầu đại dịch. Nhưng khoản lương ấy không còn giúp bà chi tiêu thoải mái nữa vì giá lương thực đã tăng vọt do giá hàng hóa tăng và đồng tiền yếu hơn.

Trớ trêu thay, sự hào phóng của chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc tăng giá, và thông qua thúc đẩy thu nhập của khoảng 67 triệu người nghèo Brazil, nó cũng thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng chủ lực cơ bản.

Đã trở thành một thói quen kể từ đại dịch, Alves tìm kiếm các thông tin và các bài đăng trên mạng xã hội của các cửa hàng thịt để tìm kiếm những sản phẩm giảm giá, cố gắng tìm cách biện minh cho việc mua miếng bít tết mà rất lâu rồi cô không được ăn. Điều đó không chỉ xảy ra ở mỗi thịt bò. Tại chợ rau ngoài trời, nơi bà cố gắng tiết kiệm hết mức 30 reais trong túi vì giá của mọi thứ từ táo đến cà chua đều tăng chóng mặt. "Trước đây, 20 reais là đủ để ra khỏi chợ với rất nhiều thứ", bà nói khi mắt đảo qua gian hàng bán ngô mà mình không đủ tiền mua

Bất chấp những khó khăn của riêng mình, Alves vẫn bày tỏ sự thương cảm cho những người thậm chí kém may mắn hơn.

Tháng 1 năm 2020, và Mosima Kganyane đang phấn khích tột độ vì sự độc lập tài chính mà cô mới gây dựng. Cô sinh viên 26 tuổi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh đã có một công việc toàn thời gian ở Johannesburg và thuê một căn hộ với giá 3.600 rand (244 USD) một tháng, cách nơi làm việc vài dãy nhà và giúp cô có thể tiết kiệm chi phí đi lại.

Sau đó, vào đầu tháng 3, quốc gia này đã ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên và áp đặt một lệnh phong toả nghiêm ngặt - đã kìm hãm kinh tế lớn nhất của Nam Phi trong một thế kỷ. Đến tháng 7, công ty chủ quản của Kganyane, một trong những nhà bán lẻ quần áo lớn nhất cả nước, phải đối mặt với tình trạng phá sản. 

Cô đã bị cho thôi việc, cùng với 1,4 triệu người Nam Phi bị mất việc làm vào năm ngoái, đẩy tỷ lệ thất nghiệp chính thức lên mức kỷ lục 32,5%. Không có thu nhập để trang trải tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước và không muốn chi tiêu vào tiền tiết kiệm, Kganyane đã phải trả khoản phạt 271 USD để phá vỡ hợp đồng thuê nhà và chuyển về sống tại nhà của gia đình mình.

Nhiều người Nam Phi cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Trên toàn quốc, tỷ lệ bỏ trống của các căn hộ đã tăng lên mức kỷ lục 13,3% trong quý đầu tiên của năm 2021 từ 7,5% một năm trước đó, theo Cục Tín dụng TPN. Hầu hết áp lực dồn lên các căn hộ có giá thuê khoảng 475 USD một tháng hoặc ít hơn, chiếm 2/3 thị trường chính thức.

"Di sản" của chế độ phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại trong gần ba thập kỷ kể từ khi nó kết thúc năm 1994 khi người da đen Nam Phi dễ bị ảnh hưởng trước các cú sốc kinh tế hơn hẳn những màu da khác. Một nghiên cứu năm 2018 của Viện Kinh tế Phát triển Thế giới, trực thuộc Đại học Liên Hợp Quốc, cho thấy chỉ 1/4 người Nam Phi có thể được coi là một phần của tầng lớp trung lưu ổn định hoặc tầng lớp thượng lưu. Những người còn lại được phân loại chính xác hơn là nghèo kinh niên hoặc tạm thời, hoặc trong số những gì báo cáo gọi là tầng lớp trung lưu dễ bị tổn thương.

Đánh mất vị trí vốn đã chênh vênh trên con đường thăng tiến của mình, Kganyane đã làm việc không mệt mỏi để quay trở lại, mặc dù đã được chẩn đoán nhiễm Covid-19. Hiện cô đang làm việc tại một công ty dịch vụ tài chính theo hợp đồng tạm thời. Nhưng cô ấy chật vật tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác như bán thảm, đồ nội thất và trứng. Kganyane cũng dành 1.000 USD tiền tiết kiệm để xây thêm một phòng ở phía sau ngôi nhà của gia đình để cô có thể cho thuê.

Vì vậy, trong vòng chưa đầy một năm, cô ấy đã từ một người cho thuê trong thị trường bất động sản chính thức, trở thành một chủ nhà trong thị trường cho thuê không chính thức của đất nước.

Khi nào khách du lịch sẽ trở lại?

Đó là vào đầu giờ chiều thứ Sáu trên Đường Khaosan, ở trung tâm của khu vực thường là con đường sầm uất dành cho khách du lịch ba lô nước ngoài và Yada Pornpetrumpa đang thực hiện quy trình mới phục vụ một số lượng khiêm tốn những người thích tiệc tùng đêm khuya.

Yada, 52 tuổi, cũng như chủ các cửa tiệm ăn vặt ven đường khác dọc theo Đường Khaosan, ngay lập tức cảm nhận được ảnh hưởng của việc đại dịch gần như làm ngừng tất cả hoạt động trong các chuyến du lịch quốc tế, khiến họ mất khoảng 3/4 lượng khách. Cô cho biêý: "Trước tất cả những điều này, khi tôi bắt đầu thành lập cửa hàng của mình, đã có sẵn một hàng nước ép trái cây. Tôi đã kiếm được 50% lợi nhuận từ mọi thứ mà tôi bán được".

Giờ đây, cô ấy đang kiếm sống nhờ sự trợ giúp của chính phủ và những xiên thịt viên và nước trái cây mà cô chỉ có thể bán trong một đêm. Cô cho biết thu nhập hàng ngày của mình đã giảm hơn 90% kể từ khi Covid ‑ 19, còn khoảng 700 baht (22,42 USD) một ngày.

Năm ngoái, cuộc sống tầng lớp trung lưu của Yada kết thúc khi cô vỡ nợ thế chấp một căn nhà ở ngoại ô Bangkok, cùng với khoản vay mua ô tô. Hiện cô đang sống cùng con gái 31 tuổi, 5 con chó và 12 con mèo trong một ngôi nhà mà cô thuê từ một chủ nhà, người đã đồng ý gia hạn trả nợ cho cô cho đến khi việc kinh doanh cải thiện. Cô quyết định không dùng một trong hai chiếc điện thoại di động của mình và hủy dịch vụ internet tại nhà.

Du lịch đã tạo ra một phần năm tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan trước đại dịch, đồng nghĩa với việc nó đã tạo ra một lỗ hổng khổng lồ trong nền kinh tế mà có thể sẽ mất nhiều năm để lấp đầy. Những nỗ lực do chính phủ hỗ trợ để thu hút du khách giàu có thông qua các gói nghỉ dưỡng an toàn của Covid và các trung tâm cách ly tại các sân gôn tính đến nay đã thất bại. Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự kiến sẽ có khoảng 3 triệu lượt khách trong năm nay, một nửa so với những gì đạt được vào năm 2020 và chưa đến 1/10 trong số 39,9 triệu lượt vào năm 2019.

Để nuôi sống bản thân và con gái, Yada đã tự trồng rau. Là lãnh đạo của một nhóm vận động chính phủ thay mặt cho những người chủ cửa hàng trên đường Khaosan, đôi khi cô nhận được những bữa ăn miễn phí từ những người bán hàng khác.

Yada, người có nỗ lực đầu tiên liên quan đến việc bán những chiếc Rolex giả cho khách du lịch và thỉnh thoảng phải bàn bạc với cảnh sát, nói rằng cô ấy có một thái độ mới về những gì quan trọng trong cuộc sống. Cô giải phóng bản thân khỏi nợ nần chồng chất để mua những tiện nghi vật chất. Cô cho biết: "Sở hữu một chiếc xe hơi hay một ngôi nhà là những gì xã hội nói với chúng ta rằng chúng ta nên coi trọng, nhưng nó không định nghĩa nên tầng lớp trung lưu. Tôi không có tài sản gì bây giờ. Nhưng tôi cảm thấy rất bình yên".

Các tin khác